Khi mua bảo hiểm, thực chất là bạn đang mua một tấm giấy bảo lãnh thanh toán những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong tương lai. Bảo hiểm ô tô là một loại hình dịch vụ khá đặc thù, hoàn toàn khác với các loại bảo hiểm khác như nhân thọ, y tế, nhà ở… Bảo hiểm ô tô bồi thường cho thiệt hại tài chính phát sinh từ tai nạn liên quan đến xe ô tô của bạn. Đó là một hợp đồng giao kết giữa bạn và công ty bảo hiểm, theo đó khi bạn đóng phí bảo hiểm (mua bảo hiểm) và công ty bảo hiểm cam kết sẽ bồi thường cho những thiệt hại theo quy định trong hợp đồng.
Khi đã mua bảo hiểm, khách hàng nào cũng muốn khi xảy ra sự cố sẽ được bồi thường nhanh chóng và công bằng, được sửa xe ở gara và thay thế phụ tùng chính hãng. Tuy nhiên, để có được những điều đó, việc tìm hiểu cũng như cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút ký mua các loại hình bảo hiểm là vô cùng cần thiết. Trong khuôn khổ bài viết này, Đẹp sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề bảo hiểm ô tô cũng như kinh nghiệm xương máu cho vấn đề này.
Các loại hình bảo hiểm
Trên thị trường bảo hiểm ô tô hiện nay có 4 hình thức bảo hiểm phổ biến gồm: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe, bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới, bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe.
Trong đó, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình mà tất cả cá nhân hay tổ chức nào sở hữu xe hơi đều phải mua theo luật pháp Việt Nam.
Còn lại 3 loại hình bảo hiểm sau hoàn toàn do khách hàng tự nguyện theo thỏa thuận với các công ty bảo hiểm. Đặc biệt trong đó, với loại hình bảo hiểm vật chất xe, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường những thiệt hại vật chất xe gây ra do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe, lái xe trong các trường hợp đâm va, lật đổ, hỏa hoạn, cháy nổ, những tai nạn bất khả kháng do thiên nhiên (bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, mất toàn bộ xe).
Nên mua bảo hiểm loại nào
Theo tìm hiểu của phóng viên Đẹp, đa phần những người chủ sở hữu xe hơi chỉ mua thêm bảo hiểm thân vỏ mà ít khi chú ý tới các loại khác. Cũng theo đó, hầu hết mọi người mua bảo hiểm theo quen biết mà không đọc và tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng với công ty bảo hiểm cũng như nắm rõ các quy định và quy trình bảo hiểm.
Theo kinh nghiệm nhiều năm mua bảo hiểm của các chủ xe ô tô mà chúng tôi tìm hiểu, một lời khuyên dành cho những người lần đầu sở hữu xe là cần căn cứ vào khả năng tài chính cũng như môi trường đi lại của mình mà chọn loại bảo hiểm tự nguyện cho phù hợp. Thông thường, với các dòng xe có giá trị trung bình thì nên mua bảo hiểm thân vỏ và ngập nước (thủy kích), các dòng xe sang nên mua thêm bảo hiểm mất cắp bộ phận.
Một số hạng mục cần lưu tâm khi mua bảo hiểm là tổn thất khi thay thế bộ phận, bạn cần làm rõ là thay thế bộ phận hoàn toàn mới hay bộ phận cũ tương đương. Đối với bảo hiểm vật chất xe, 3 điều khoản quan trọng mà bạn cần bắt buộc công ty bảo hiểm ghi vào hợp đồng là: điều khoản thay thế mới so với cũ không khấu hao, điều khoản thủy kích, điều khoản lựa chọn cơ sở sữa chữa.
Mức miễn thường là gì
Mức miễn thường là khoản tiền mà khách hàng chia sẻ rủi ro với công ty bảo hiểm trong mỗi vụ tổn thất. Ví dụ, với mức miễn thường là 1 triệu đồng, khách hàng sẽ tự chi trả nếu tổn thất dưới 1 triệu đồng. Nếu tổn thất là 100 triệu đồng, khách hàng vẫn chỉ trả 1 triệu đồng và công ty bảo hiểm sẽ thanh toán 99 triệu đồng còn lại. Tất nhiên, khách hàng sẽ được giảm phí bảo hiểm đáng kể so với việc không lựa chọn mức miễn thường. Mức miễn thường cao kéo theo mức giảm phí cũng cao. Chẳng hạn như mức bảo hiểm không có mức miễn thường đối với xe Toyota Innova G sản xuất năm 2015 khoảng 12,2 triệu đồng/năm. Nếu chọn mức miễn thường là 1 triệu đồng, phí bảo hiểm giảm xuống còn 9,5 triệu đồng/năm, 5 triệu đồng thì phí bảo hiểm chỉ còn 7,1 triệu đồng/năm (mức giảm tùy thuộc vào từng công ty bảo hiểm, chi phí trên là giả định).
Có một thực tế là khi khách hàng lựa chọn mức miễn thường sẽ có xu hướng lái xe an toàn hơn nhằm tiết kiệm chi phí sửa chữa cũng như hạn chế yêu cầu bồi thường đối với những tổn thất nhỏ. Vì thế, đó cũng là một cách để tiết kiệm chi phí mua bảo hiểm và hưởng phí bảo hiểm thấp hơn khi tiếp tục ký hợp đồng vào những năm sau.
Cách mua bảo hiểm tiết kiệm nhất
Mức phí mà bạn trả cho các công ty bảo hiểm có thể rất khác nhau, có một vài cách để bạn tiết kiệm được tiền như sau:
Tìm hiểu về nhiều công ty bảo hiểm trước khi lựa chọn
Mức phí bảo hiểm của các công ty bảo hiểm đưa ra sẽ rất khác nhau, để có được mức phí tốt nhất của cùng nội dung bảo hiểm, bạn nên lấy báo giá của ít nhất 3 công ty khác nhau để đối chiếu. Tuy nhiên cũng đừng vội chỉ nhìn vào mức phí, bạn cần tỉnh táo để tìm hiểu các thủ tục giải quyết khi xảy ra sự cố của công ty đó cũng như quy mô tài chính, danh tiếng để chọn lựa phù hợp nhất. Tham khảo bạn bè, người thân đã có kinh nghiệm sử dụng ô tô và bảo hiểm là điều cần thiết.
Dịch vụ chuyên nghiệp
Nên chọn những công ty bảo hiểm có gara uy tín và thuận tiện cho việc đi lại, sửa chữa. Tìm hiểu mức độ hợp tác của công ty bảo hiểm với gara, tránh đi lại nhiều lần vì thủ tục rườm rà. Bên cạnh đó là dịch vụ cứu hộ 24/24h, đội ngũ nhân viên giải quyết bồi thường chuyên nghiệp, tận tâm, quy trình giải quyết bồi thường chuẩn hóa về khung thời gian…
Lựa chọn mức khấu trừ cao
Mức khấu trừ hay miễn thường là số tiền nếu tổn thất về xe của bạn nhỏ hơn mức khấu trừ, đơn bảo hiểm sẽ không phát huy hiệu lực. Tổn thất của bạn phải lớn hơn mức khấu trừ trở lên thì công ty bảo hiểm mới bồi thường cho bạn. Nếu mức khấu trừ này tăng lên, bạn có thể tiết kiệm được phí. Thông thường ở Việt Nam, mức miễn thường là 200.000 đồng, nếu tăng lên 1.000.000 đồng, bạn có thể tiết kiệm phí được 20-30%, tuy nhiên không phải công ty bảo hiểm nào cũng có lựa chọn tăng mức miễn thường. Tuy nhiên, nếu lựa chọn phương án này, bạn phải lái xe hết sức cẩn thận bởi hầu hết các vết xước trên thân xe sẽ không được bồi thường.
Mua bảo hiểm kết hợp hoặc theo nhóm
Nếu bạn mua bảo hiểm hộ gia đình, bảo hiểm chăm sóc y tế và bảo hiểm xe ô tô tại cùng một công ty bảo hiểm uy tín, thường bạn sẽ nhận được mức chiết khấu/giảm giá nhất định. Hoặc nếu có điều kiện, bạn có thể mua bảo hiểm cho thời hạn dài (nhiều hơn 1 năm – mức thông thường hiện nay).
Nếu bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn đều đang có nhu cầu mua bảo hiểm, bạn nên tập hợp lại và mua theo nhóm sẽ được mức phí và nhiều điều kiện ưu đãi hơn. Hoặc bạn có thể mua qua công ty môi giới bảo hiểm, bởi vì các công ty môi giới này thường tập hợp được nhiều khách hàng để đàm phán một chương trình bảo hiểm riêng với các công ty bảo hiểm với mức giá cực kỳ cạnh tranh và quyền lợi ưu đãi.
Kinh nghiệm quý báu khi mua bảo hiểm
Ngoài những chú ý trong mục cách mua bảo hiểm kể trên, khi mua bảo hiểm, bạn nên yêu cầu người bán bảo hiểm cung cấp cho bạn “Quy tắc bảo hiểm” kèm hợp đồng, vì chỉ có quy tắc bảo hiểm mới thể hiện hết các quyền lợi, nghĩa vụ, các điểm loại trừ không được bồi thường. Một số khách hàng thường không chú ý kỹ đến các điều kiện trong những điều khoản như: quá hạn đăng kiểm, xe sử dụng không đúng mục đích đăng ký, lái xe khi gây tai nạn không có bằng lái phù hợp hay mua bảo hiểm thiếu phần cần bảo hiểm. Do đó, để tránh những sơ suất có thể gây thiệt thòi cho bạn về sau thì trước khi mua bảo hiểm, bạn cần nghiên cứu kỹ các hạng mục trong hợp đồng và cân nhắc các khoản bảo hiểm mở rộng.
Khi xảy ra bất cứ sự cố nào, khách hàng nên thông báo ngay cho đại diện công ty bảo hiểm, yêu cầu cán bộ bảo hiểm xuống hiện trường lập biên bản, tuyệt đối tránh việc thông báo chậm vi phạm các quy tắc bảo hiểm.
Một lưu ý cho khách hàng khi đưa xe vào các gara để tiến hành sửa chữa, thay mới theo mức bồi thường bảo hiểm cần chú ý đến việc tráo đồ hoặc làm hỏng thêm các bộ phận khác.
Quy trình cơ bản đòi bồi thường
Gọi điện ngay cho đại lý hay công ty bảo hiểm của bạn khi có tai nạn, bất kể do lỗi của bạn hay của bên thứ ba nào đó. Tìm hiểu xem bạn có thể được bồi thường trong trường hợp đó không. Ngay cả khi tai nạn dù nhỏ, bạn cũng nên thông báo cho công ty bảo hiểm.
Yêu cầu đại lý hay công ty bảo hiểm hướng dẫn các bước quy trình đòi bồi thường, cần cung cấp những tài liệu/chứng cứ gì. Thông thường, trước tiên công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu bạn tóm tắt mô tả về tai nạn, và cung cấp biên bản của công an nếu có.
Bạn cần cung cấp các thông tin công ty bảo hiểm yêu cầu, điền đầy đủ các mẫu giấy yêu cầu bồi thường, cung cấp các chứng cứ như bản photocopy bằng lái, giấy tờ xe, ảnh hiện trường, mô tả tai nạn, cùng các hóa đơn, báo giá liên quan đến tai nạn.
Bạn nên hỏi công ty bảo hiểm của bạn những câu sau đây:
– Đơn bảo hiểm của tôi có khung thời gian phải thông báo khiếu nại và đệ trình bộ hồ sơ khiếu nại không?
– Có khung thời gian về quy trình giải quyết bồi thường không?
– Trong khi giải quyết bồi thường, công ty bảo hiểm có chủ động liên lạc với tôi để hướng dẫn về quy trình cũng như các giấy tờ cần cung cấp không? Có liên lạc với tôi nếu tôi thiếu giấy tờ gì để yêu cầu bổ sung không?
– Tôi có cần lấy báo giá sửa chữa/thay thế cho thiệt hại không?
– Tôi có được thuê xe khác trong khi xe của tôi đang sửa hay công an giữ không?
Bạn sẽ hoàn toàn yên tâm nếu công ty bảo hiểm trả lời tốt những câu hỏi nói trên, nếu không, bạn nên nghĩ đến việc tìm một công ty bảo hiểm khác.
Theo dep.com.vn