Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2018 toàn quốc xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ (-6.71%), số người chết giảm 33 người (-0.40%), số người bị thương giảm 2.238 người (-13.13%). Số nạn nhân trẻ em dưới 18 tuổi bị thương vong do TNGT là 1.442 người (chiếm 6,6%), giảm 194 người (-11,85%) so với năm 2017 (1.636 người). Có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm và 18 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017.

Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông luôn là vấn đề nóng của xã hội. Ảnh Hà Giang

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do TNGT chỉ giảm 0,40%; xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản gây bức xúc trong dư luận và nhân dân; tỷ lệ TNGT do lái xe ô tô gây ra tăng cao (chiếm trên 33,5%); tỷ lệ nạn nhân TNGT là người đi mô tô, xe máy còn rất cao, trên 85%; xảy ra nhiều TNGT vào ban đêm giữa mô tô, xe máy đang lưu thông với xe tải, xe khách dừng đỗ; hành vi vi phạm nồng độ cồn lái xe gây TNGT đường bộ vẫn còn cao; sự cố uy hiếp an toàn bay mức B tăng 100% và mức D tăng 9,1% so với cùng kỳ; tỷ lệ TNGT đường thuỷ do vi phạm tải trọng tăng cao (chiếm 20,3%). Tình hình vi phạm của xe ô tô khách có xu hướng tăng; tỷ lệ xe quá tải vẫn còn khoảng 10%, diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường địa phương, có dấu hiệu tái diễn trên các Quốc lộ. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP HCM và các trục giao thông, một số đầu mối trọng điểm vẫn còn diễn biến phức tạp, tăng 23% so với năm 2017. Hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới bảo đảm TTATGT còn bất cập, gây ra khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành, giảm hiệu lực thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là do nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng cao; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, số lượng hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT còn nhiều, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn. Hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm TTATGT; còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; vai trò của các cơ quan thành viên Ban ATGT cấp tỉnh, huyện ở một số nơi còn mờ nhạt, phó mặc cho ngành GTVT và Công an. Một số địa phương chưa vào cuộc trong việc kiểm soát tải trọng xe, chưa gắn trách nhiệm với người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện; còn thiếu quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại đầu mối hàng hóa. Công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị còn nhiều bất cập; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT diễn ra phức tạp; chưa hoàn thành dứt điểm việc xử lý đảm bảo ATGT cho các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt. Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật liên quan tới bảo đảm TTATGT còn tồn tại những bất cập, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT. Việc triển khai thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tại hội nghị trực tuyến bảo đảm TTATGT của các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương còn chậm, thậm chí còn một số nội dung chưa triển khai.

Bên cạnh những khó khăn, năm 2018 cả nước đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo đảm TT ATGT, thương vong của trẻ em do TNGT gây ra giảm sâu (11,85%), năng lực và chất lượng vận tải bảo đảm, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá số người quy định giảm; công tác tuyên truyền, giáo dục được tăng cường, Ủy ban ATGT Quốc gia, các Bộ, ngành, Đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương, địa phương thường xuyên, kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh TNGT; tổ chức các lớp đào tạo các kỹ năng lái xe an toàn cho người dân, cho học sinh, sinh viên và cho đoàn viên, hội viên của các đoàn thể. Đặc biệt, năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Honda Viêt Nam triển khai Chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho gần 2 triệu học sinh vào lớp Một năm học 2018-2019 trên toàn quốc với chủ đề “Giữ trọn ước mơ”. Bên cạnh đó, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyên truyền đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, một số địa phương làm tốt công tác này là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Phước v.v....

Ủy ban ATGT Quốc gia thành lập Đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện Công điện số 1882 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo TTATGT tại 5 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hải Dương, Quảng Ninh. Đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT-PCT Thường trực UBATGTQG làm việc và chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT tại 25 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương có nhiều công trình KCHTGT bị hưu hỏng do mưa lũ, các địa phương có TNGT tăng cao; Bộ Công an tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác TTKS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT, ùn tắc giao thông. Năm 2018, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý trên 4 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền gần 3.000 tỷ đồng; thanh tra chuyên ngành GTVT thực hiện gần 76.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt trên 62.000 vụ vi phạm, phạt tiền gần 220 tỷ đồng; cơ quan điều tra các cấp khởi tố gần 4.500  vụ, với trên 4.000 bị can.

Mô hình công an xã tuần tra đảm bảo TT ATGT nông thôn. Ảnh Hà GIang

  Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng công tác bảo trì KCHTGT trên tất cả các lĩnh vực, ưu tiên xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, trong đó lĩnh vực đường bộ đã xử lý 322 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; sơn kẻ 334 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 802 biển báo; sửa chữa 161 km hộ lan tôn sóng, điều chỉnh 19 điểm mở dải phân cách giữa. Về lĩnh vực đường thủy nội địa: đã triển khai nạo vét đảm bảo giao thông 05 công trình đường thủy nội địa; sửa chữa, duy tu 15 công trình kè; thực hiện triển khai điều tiết 36 vị trí; chống va trôi các cầu mùa lũ, bão tại 15 vị trí; khảo sát thông báo luồng cho 49 tuyến. Về lĩnh vực đường sắt: lắp đặt 380/380 camera tại đường ngang cảnh báo tự động; sửa chữa, cải tạo bề mặt 290 đường ngang, xóa bỏ 138 lối đi tự mở; thu hẹp 20 lối đi tự mở.....

Công tác quản lý vận tải tiếp tục được tăng cường, chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, ngay cả trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, tết; thị phần vận tải đường thuỷ nội địa, vận tải ven biển tiếp tục tăng, giúp giảm lưu lượng xe tải nặng trên đường bộ, góp phần kéo giảm TNGT. Trong năm 2018: bình quân có 74,37% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tỷ lệ xe vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,19 lần/1000km; kết quả đã xử lý 8.253 xe; chấn chỉnh, nhắc nhở 25.585 xe. Về công tác đào tạo, cấp giấy phép và quản lý thuyền viên, người lái tiếp tục được Bộ GTVT tăng cường chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng trong đào tạo. Năm 2018, toàn quốc đã cấp mới và đổi trên 1 triệu GPLX ô tô; nâng tổng số giấy phép lái xe toàn quốc là: trên 8 triệu GPLX ô tô và trên 45 triệu GPLX mô tô; sửa đổi, bổ sung một số quy định về thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện và đảm bảo chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa.

Bộ Công an và Bộ GTVT tiếp tục thực hiện các kế hoạch đã được ban hành về kiểm soát tải trọng xe, đồng thời, trong các kế hoạch cao điểm, kế hoạch công tác thường xuyên của các lực lượng chức năng đều có chỉ đạo xử lý chuyên đề quá tải trọng. Cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành của địa phương tăng cường kiểm soát trọng tải xe, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tăng cường lực lượng KTTTX, nhiều địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An,  Đà Nẵng, TPHCM. Trong năm 2018, các Trạm KTTTX lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Cục QLĐB sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra gần 200.000 xe, trong đó có gần 18.000 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 10,8%), tước trên 6.000 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước gần 200 tỷ đồng.  

Các lực lượng chức năng sẳng sàng cho nhiệm vũ bảo đảm ATGT ngay từ đầu năm 2019. Ảnh Hà Giang

Năm ATGT 2019 Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chọn chủ đề là “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy” với mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; giảm các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến vận tải khách và xe mô tô, xe gắn máy. Tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc bệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Để thực hiện được mục tiêu trên, các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện tốt 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải; Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Hạn chế mức sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và điều kiện về an toàn kỹ thuật của các phương tiện cơ giới; Quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư, xây dựng mới các công trình tại các đô thị.

Hà Giang