Máy bay gặp sự cố và dừng lại an toàn trên đường cất hạ cánh sân bay Buôn Ma Thuột tối 29/11. Ảnh: Lê Văn.

Trao đổi với Zing.vn, chị Nguyễn Thị Thanh (tên thay đổi), cho biết mua vé máy bay của hãng VietJet đi chuyến VJ356 từ TP.HCM lên TP Buôn Ma Thuột.

Chuyến bay khởi hành lúc 19h35 nhưng hoãn hai lần đến hơn 22h mới được lên máy bay. Khi máy bay chuẩn bị đáp xuống thì tạo ra tiếng động lớn rồi chúc đầu xuống dưới.

Hành khách hoảng loạn, chen chúc rời khỏi phi cơ

Do ngồi ghế ngoài cùng nên nhìn ra ngoài cửa sổ chị Thanh thấy xẹt lửa. Nghĩ bánh xe ma sát với đường băng nên nữ khách không để ý.

"Tuy nhiên, một hành khách nói máy bay gặp sự cố thì tôi mới nhìn ra ngoài thì thấy lửa liên tục bắn lên", chị Thanh nhớ lại.

Chị Thanh cho biết thêm, lúc này hành khách trên máy bay hoảng loạn, la hét. Tiếp viên liên tục thông báo hành khách giữ bình tĩnh. Khoảng 1 phút sau điện trong khoang máy bay chớp 1 cái rồi tắt.

Hành khách bị thương sau sự cố. Ảnh: CTV.

“Hàng trăm hành khách hoảng loạn la hét, lúc này điện có lại nhưng lờ mờ. Phi công thông báo một câu bằng tiếng Anh nhưng tôi không nghe rõ. Chỉ nghe được là máy bay không di chuyển được nữa. Lúc này, tiếp viên liên tục thông báo tất cả hành khách bỏ hành lý chạy nhanh đến cửa thoát hiểm”, chị Thanh kể.

Hành khách này kể thêm lúc này khoang máy bay sáng lờ mờ nên mọi người chen chúc nhau chạy đến cửa thoát hiểm. Tại đây, một tấm phao từ trên máy bay nối với đường băng để mọi người tụt xuống.

“Lúc này hoảng loạn nên không còn nhớ là mình tụt xuống đất như thế nào. Tôi chỉ còn nhớ tiếng liên tục hô to là nhảy nhanh. Mọi người hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau để chạy đến cửa thoát hiểm”, hành khách này nói

Hình ảnh chiếc máy bay gặp sự cố tại sân bay Buôn Mê Thuột sáng 30/11. Ảnh: Tây Nguyên

Lúc này mọi người xuống đường băng thì cố gắng đứng dậy chạy thật nhanh để tránh xa máy bay vì sợ nổ. "Khi vào đến sân bay thì một số người bị thương được chăm sóc và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tôi bị xây xát nhẹ nên được bạn đón về nhà", nữ hành khách kể.

Còn anh N.T.H, một hành khách trên chuyến bay, cho biết trong quá trình tiếp đất, máy bay này đã gặp sự cố khiến hàng trăm hành khách hoảng loạn.

Trong đoạn video mà một người ghi lại được từ khoang hành khách, có thể nghe thấy rất nhiều âm thanh hoảng loạn, la hét giục giã của các hành khách. "Từ từ đi, từ từ nè"!, "Bỏ lại hành lý, bỏ lại hành lý"... Người này cũng vừa quay clip vừa trượt xuống phao trượt ở 4 cửa thoát hiểm.

"Máy bay tiếp đất trong tình trạng mất cân bằng, tạo ra tiếng động lớn và phi hành đoàn lập tức phát thông báo khẩn cấp yêu cầu tất cả hành khách nhanh chóng dùng 4 cửa thoát hiểm để nhảy ra ngoài bằng phao trượt", hành khách này nói.

Khách chấn thương nặng

Liên quan đến vụ việc, bác sĩ Hoàng Đức Hưng, Trưởng khoa cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh), cho biết khoảng 23h40 ngày 29/11, bệnh viện tiếp nhận 6 bệnh nhân gồm Phùng Thị Kim Em (61 tuổi), Nguyễn Thị Cẩm Nhung (66 tuổi), Kiều Thị Lan Phương (53 tuổi), Đỗ Thị Ngọc Anh (34 tuổi) cùng trú tại TP.HCM), Vũ Thị Ly Na (38 tuổi) và Nguyễn Phước Thùy Minh (34 tuổi), cùng trú tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng hoảng hốt, rối loạn tâm lý.

Bác sĩ Hưng thông tin tình trạng bệnh nhân. Ảnh: Minh Lộc.

Trong đó, bệnh nhân Kim Em bị gãy, còn vững đốt sống L1; Cẩm Nhung gãy 1/3 dưới xương phải ở cẳng chân, gãy mắt cá trong phải ở cẳng chân; Ngọc Anh có vết thương vùng trán trái dài 2 cm, rỉ máu.

Sau khi được cấp cứu, điều trị, sức khỏe các bệnh nhân này ổn định trở lại và đã được xuất viện.

Hai bệnh nhân còn điều trị tại bệnh viện là Vũ Thị Ly Na do rối loạn tâm lý, co rút chân tay; bệnh nhân Nguyễn Phước Thùy Minh bị chấn thương ngực.

“Hiện hai bệnh nhân này đang bị rối loạn tâm lý và tiếp tục được điều trị, theo dõi”, bác sĩ Hưng nói.

Chuyến bay VJ356 thực hiện bởi tàu bay A321 số đăng ký quốc tịch VN-A653 được hãng hàng không VJA mới tiếp nhận từ nhà chế tạo Airbus và đưa vào khai thác thương mại cách đây mới 2 tuần, từ ngày 15/11/2018.

Tìm thấy bánh máy bay VietJet gặp sự cố cách đường băng 100 m

Trao đổi với Zing.vn sáng 30/11, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết đã tìm thấy một bánh lốp của máy bay VJ356 nằm cách đường băng khoảng 100 m. Bánh lốp đã bắn sang 2 bên (vuông góc với hướng di chuyển của máy bay).

Càng trước của máy bay đã mất hoàn toàn 2 bánh lốp, ma sát với đường băng hàng chục mét trước khi dừng lại. Ảnh: CTV.

Lãnh đạo Cục Hàng không thông tin về chiều dài vết càng máy bay quét trên mặt đường. Dựa vào đó có thể ước lượng máy bay đã tiếp tục di chuyển trên đường băng thêm 60-70 m trong tình trạng không có bánh trước.

Vết hằn của càng máy bay trên đường băng có đoạn sâu đến 10 cm. "Chúng tôi đã lập tức thảm lại bê tông nhựa trên đường băng để tiếp tục khai thác sau khi máy bay được di dời", ông Thắng nói.

Lốp máy bay được tìm thấy sáng nay. Ảnh: Tây Nguyên.

Lãnh đạo Cục hàng không cho biết xe chuyên dụng từ Cam Ranh đã được điều động đến để di chuyển máy bay, lực lượng chức năng đang nghĩ phương án kích máy bay lên để di dời.

Về thông tin cho rằng cánh máy bay đã quét xuống đường băng khi xảy ra sự cố, ông Thắng khẳng định 2 cánh máy bay đều nguyên vẹn, phần bánh sau cũng không hư hỏng, máy bay chỉ gặp sự cố ở phần bánh trước.

Chuyến bay VJ356 thực hiện bởi tàu bay A321 số đăng ký quốc tịch VN-A653 được hãng hàng không VJA mới tiếp nhận từ nhà chế tạo Airbus và đưa vào khai thác thương mại cách đây mới 2 tuần, từ ngày 15/11/2018

Tối 29/11, tại sân bay Buôn Ma Thuột, máy bay số hiệu VJ356 từ TP.HCM chở 207 khách tiếp đất trong tình trạng mất cân bằng, tạo ra tiếng động lớn. Phi hành đoàn lập tức phát thông báo khẩn cấp yêu cầu toàn bộ hành khách bỏ lại hành lý, thoát ra ngoài qua cửa thoát hiểm và phao trượt.

Sân bay Buôn Ma Thuột phải tạm ngưng hoạt động khoảng 8 tiếng để xử lý sự cố của chuyến bay VJ356. Dự kiến đến trưa nay sân bay mới hoạt động trở lại.

Máy bay của VietJet Air là chiếc A321neo đầu tiên gặp tai nạn

Sự cố tai nạn của chuyến bay số hiệu VJ365, khởi hành từ Sài Gòn đi Buôn Ma Thuột diễn ra vào tối 29/11. Khi hạ cánh tại Buôn Ma Thuột, máy bay tiếp đất trong tình trạng mất cân bằng, tạo ra tiếng động lớn. Phi hành đoàn lập tức phát thông báo khẩn cấp yêu cầu toàn bộ hành khách bỏ lại hành lý, thoát ra ngoài qua cửa thoát hiểm và phao trượt.

Chuyến bay này được khai thác bằng tàu bay VN-A653, thuộc loại A321neo do Airbus sản xuất. Hãng hàng không VJA vừa tiếp nhận máy bay này từ Airbus và đưa vào khai thác thương mại từ ngày 15/11.

Airbus A321neo mới đưa vào khai thác hơn một năm, chưa ghi nhận tai nạn nào. Ảnh: Airbus.

A321neo là loại máy bay phát triển từ máy bay A321, có khả năng chở tối đa 244 hành khách. Từ “neo” là viết tắt của New Engine Option, thể hiện máy bay sử dụng động cơ mới. Máy bay này có chặng bay tối đa 7.400 km.

Theo trang web của Airbus, A321neo mới được Airbus giao cho các hãng hàng không từ tháng 4/2017. Vụ tai nạn của máy bay VN-A653 là lần đầu tiên một chiếc A321neo gặp tai nạn kể từ khi được đưa vào khai thác.

Theo thống kê của Aviation Safety Network, dòng máy bay Airbus A321 đã từng có 5 vụ tai nạn, trong đó có 2 vụ tai nạn làm chết nhiều người. Vụ tai nạn khiến nhiều người chết nhất xảy ra năm 2015.

Ngày 31/10/2015, máy bay Airbus A321-231 của hãng hàng không Metrojet bị phá hủy hoàn toàn trên không trung, tất cả 224 người trên máy bay tử nạn, gồm 7 thành viên phi hành đoàn. Máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Sharm el Sheikh (Ai Cập) lúc 5h50 giờ địa phương, điểm đến là sân bay Saint Petersburg-Pulkovo của Nga.

Ngày 21/10/2015, máy bay Airbus A321-231 của hãng Metrojet bị nổ trên không trung, khiến tất cả 224 người trên máy bay tử nạn. Ảnh: Aviation-Safety.

Ngày 28/7/2010, chiếc Airbus A321-231 của hãng hàng không Airblue gặp nạn khiến toàn bộ 6 thành viên phi hành đoàn và 146 hành khách tử nạn. Máy bay cất cánh từ sân bay Karachi (Pakistan) và hướng tới sân bay quốc tế Islamabad-Benazir Bhutto (Pakistan), nó bị phá hủy hoàn toàn khi rơi xuống vùng đồi Margalla, gần sân bay Islamabad-Benazir Bhutto.

Chiếc Airbus A321-231 gặp nạn có chuyến bay đầu tiên vào năm 2000, đã trải qua 34.018 giờ bay. Theo kết quả điều tra, nguyên nhân của vụ tai nạn là do thời tiết xấu và các phi công đã vi phạm nghiêm trọng các thủ tục và kỷ luật bay, khiến máy bay rơi vào tình trạng không an toàn trên địa hình nguy hiểm ở độ cao thấp.

Chia sẻ với Zing.vn, cơ trưởng Nguyễn Hồng của một hãng hàng không trong nước cho biết bánh trước của máy bay có tác dụng lớn nhất là giữ máy bay chạy thẳng trên đường băng khi hạ cánh, bên cạnh đó còn đỡ một phần trọng lượng của máy bay và điều chỉnh hướng khi máy bay đi vào đường lăn, bến đậu.

Do vậy, nếu có vấn đề về lốp, càng trước thì sẽ nguy hiểm vì không thể giữ máy bay thăng bằng trên đường băng.

Ông Hồng không bình luận về vụ việc vừa qua của VietJet Air do không có đủ thông tin, nhưng ông cho biết ở nước ngoài đã từng có trường hợp bánh trước bị quay ngang khi hạ cánh, và để có thể hạ cánh an toàn trong trường hợp đó thì phi công phải có kỹ thuật rất tốt, đồng thời có cả phần may mắn nữa.

Tổng hợp từ Zing.vn