Hiện nay tại cửa biển Hố Gùi, xã Nguyễn Huân mỗi ngày có trên 60 chiếc võ lãi được người dân thực hiện việc đăng đáy đánh bắt cá kèo giống. Tuy nhiên, theo ghi nhận thì không thấy một ai mặc áo phao, mặc dù áo phao được người dân đem theo.

Bà Nguyễn Thị Hồng, ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân nói: “Không có áo phao mình phải nguy hiểm rồi mình phải thủ bản thân mình chứ, người ta cho mình hay mình phải thủ bản thân, còn nếu không thủ nhằm khi có đoàn người ta ra kiểm tra thì phạt 1 triệu cái đó là mình không chấp hành. Năm trước nữa có thằng đó nó đi sau tự nhiên rồi nó lựa tôm rồi đứng dậy té chết luôn”

ảnh: người dân khai thác cá kèo không mặc áo phao

Mặc dù được tuyên truyền vận động khi đi biển để đảm bảo an toàn thì người dân nên mặc áo phao, nhưng do ý thức chủ quan của một số người dân vẫn không thực hiện tốt. Có nhiều lý do như: Đóng đáy gần bờ, chỉ vài tiếng đồng hồ, khi gió lên hoặc trời chuyển mưa thì sẽ vào bờ từ những suy nghĩ trên đã góp phần làm tăng thêm nguy cơ gây tai nạn trên biển nếu có những tình huống bất ngờ xảy ra.

Ông Lâm Văn Đen, ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân chia sẽ: “Dân có khi người ta không hiểu biết ở đây có tài trợ bán áo phao nhưng người ta không mua, người ta mua người ta nói lùm tùm đồ, người ta không mua rồi đi làm kiểu truyền thống không có mặc áo phao. Có khi giông gió lên thì người ta nhìn theo thời tiết rồi người ta tránh thôi chứ cũng ít người mặc áo phao có khi ở đây những tháng chướng người ta đóng đáy cũng có mặc áo phao tới mùa cá kèo không có mặc”

ảnh: người dân khai thác cá kèo không mặc áo phao

Ông Nguyễn Gal Sel, Trưởng ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân cho biết thêm: “Bà con ý thức vận động trước giờ lúc nào cũng vậy khi ra biển thì thủ theo áo phao theo để bảo vệ bản thân khi có sóng gió bất tử mình phải có áo phao bận. Nhưng đa số bà con đem theo thôi nhưng không bận khi có tình huống thì bận vào”

Đầm Dơi là huyện có nhiều cửa sông thông ra biển, vào mùa mưa nước chảy siết, gió, sóng những hiện tượng thời tiết cực đoan luôn luôn xảy ra. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tiếp tục công việc vì cuộc sống mưu sinh của mình trên những chiếc võ lãi nhỏ để đăng đáy bắt các loài thủy sản ven bờ vừa hủy hoại nguồn lợi thiên nhiên vừa không đảm bảo an toàn cho bản thân. Thiết nghĩ bên cạnh công tác tuyên truyền nhắc nhở, xử lý nghiêm những người dân không thực hiện đúng các quy định về đảm bảo áo phao khi đi biển thì cần có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho phù hợp với từng đối tượng có như thế tình trạng khai thác thủy sản ven bờ sẽ kết thúc mà còn đảm bảo an toàn giao thông cho người dân./.

Thành Quốc