Xe cấp cứu chuyển bệnh nhân trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TP.HCM) chiều 17-8 - Ảnh: TỰ TRUNG

Báo cáo tổng hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Bộ Y tế cung cấp nhiều con số bất ngờ về mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện: cả nước vẫn còn 27 tỉnh chưa có trung tâm cấp cứu 115, có 18 tỉnh giao đầu mối cấp cứu cho bệnh viện đa khoa tỉnh, 7 tỉnh giao cho tư nhân. 

Đáng chú ý khi 17 tỉnh không đảm bảo số xe cứu thương trên đầu người như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Hà Nội và TP.HCM đều thiếu

Cho rằng cấp cứu ngoài bệnh viện là loại hình dịch vụ y tế khẩn cấp trong nỗ lực giảm thiểu tổn thất tính mạng và sức khỏe người bệnh, báo cáo của Bộ Y tế khẳng định mạng lưới này phải được coi như một cấu phần quan trọng, phải được liên kết chặt chẽ với mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh nhằm đảm bảo vận chuyển nhanh, cứu chữa kịp thời, tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo của 63 địa phương cho thấy có trên 51% quận/huyện thành lập đội cấp cứu ngoài bệnh viện hoặc có đơn vị vận chuyển cấp cứu. Thấp nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng chỉ 31,8%. Đặc biệt có đến 17 tỉnh thành không đảm bảo số xe cứu thương, đa phần ở các thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Số xe chuyên trách đủ điều kiện thực hiện chức năng cấp cứu ngoại viện cũng rất thấp. Chẳng hạn như Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện có quy mô lớn nhất trên toàn quốc, cũng chỉ có 28 xe cứu thương đáp ứng nhu cầu cho 8 triệu dân, thiếu khoảng 60 xe so với khuyến cáo. 

Tại TP.HCM, tổng số xe của Trung tâm cấp cứu 115 và trạm vệ tinh là 44 xe, cũng thiếu trên 60 xe so với khuyến cáo.

Trong khi đó, dù đã hình thành được mạng lưới cấp cứu ngoại viện phủ khắp các quận, huyện với trên 40 xe cấp cứu, 39 trạm cấp cứu vệ tinh và 171 nhân sự nhưng Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM) vẫn còn gặp nhiều khó khăn như chưa có các quy định cụ thể về nội dung đào tạo, phạm vi hành nghề cho loại hình cấp cứu ngoại viện.

Hoạt động của ê kíp cấp cứu 115 chỉ có một loại hình phương tiện vận chuyển là xe cứu thương. "Với một loại hình phương tiện cùng ê kíp thực hiện mọi nhu cầu cấp cứu từ nhẹ đến nặng hoặc nguy kịch nên không đáp ứng hiệu quả nhu cầu cấp cứu đa dạng của người dân" - đại diện Trung tâm cấp cứu 115 phân tích.

Ngoài ra, một vấn đề khá quan trọng là hạ tầng công nghệ thông tin không đảm bảo tiếp nhận các cuộc gọi, thiếu nhân lực và phương tiện. 

Theo đó, với số lượng gọi cấp cứu ngày một tăng nhưng trung tâm hiện chỉ có một hệ thống tổng đài tiếp nhận, điều phối với 12 đường truyền, chưa có hệ thống dự phòng và sử dụng công nghệ thô sơ. Chưa bố trí khu vực riêng biệt dành cho hoạt động huấn luyện đào tạo, tập kết bảo trì, bảo dưỡng xe cứu thương, nguồn nhân lực cấp cứu viên ngoại viện chưa được đào tạo, huấn luyện chính quy bài bản. 

Đây là các nguyên nhân khiến năng lực dự phòng, khả năng chống chịu trước các tình huống khẩn cấp như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh của mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện hoàn toàn không đủ năng lực đáp ứng.

Đồ họa: TUẤN ANH

"Cầu cứu" cấp cứu từ thiện

Tại Trung tâm cấp cứu 115 (Hà Nội), 28 xe cứu thương được đặt tại một trạm cấp cứu 115 trung tâm và 7 trạm cấp cứu vệ tinh tại 7 quận, huyện trên địa bàn. Theo ông Trần Anh Thắng - phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (Hà Nội), xe cấp cứu về cơ bản đang đáp ứng được cấp cứu ngoại viện. 

Không chỉ cấp cứu ngoại viện, một số bệnh viện chuyên khoa như chuyên khoa mắt, răng - hàm - mặt, tâm thần khi có bệnh nhân cấp cứu, bệnh viện cũng sẽ liên hệ trung tâm 115 hỗ trợ. Những năm gần đây, theo ông Thắng, số lượt yêu cầu cấp cứu của trung tâm khoảng 40.000 ca/năm, tỉ lệ người bệnh được xử lý cấp cứu ban đầu đạt trên 88%.

"Trung bình mỗi ngày đơn vị xuất xe cấp cứu 90 - 150 chuyến, cao nhất là 150 chuyến. Nếu hơn 150 chuyến sẽ không đáp ứng được, người bệnh phải chờ hoặc gọi xe cấp cứu khác. Với quy mô dân số hiện tại và vị trí các bệnh viện tại thủ đô, tôi cho rằng phương tiện cấp cứu cần được chú trọng đầu tư và mở rộng hơn" - ông Thắng đề xuất.

Theo ông Ma Văn Khánh, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tràng Định (Lạng Sơn), đơn vị này chỉ có một xe cấp cứu trong khi cần tối thiểu hai xe mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trước đây, bệnh viện có hai xe để luân chuyển nhưng từ năm 2022 một xe đã hết hạn sử dụng, vì vậy hiện rất khó khăn cho người dân.

"Địa phương thuộc vùng xa trung tâm nên không có xe cấp cứu tư nhân, thông thường người bệnh sẽ được xe cấp cứu của bệnh viện huyện đưa lên tỉnh cách đó 70km" - ông Khánh nói và cho biết đã có những trường hợp cấp cứu nhưng phải chờ xe từ thành phố về vận chuyển hoặc phải nhờ huyện bên cạnh sang hỗ trợ.

Do số lượng xe không đáp ứng đủ theo nhu cầu của người bệnh, phần lớn các tỉnh khu vực ĐBSCL đã phát triển mô hình xe cấp cứu từ thiện. Điển hình là mô hình xe chuyển bệnh nhân đạo dựa vào cộng đồng tại TP Cần Thơ đã được khởi xướng và phát triển từ năm 2006 đến nay. Theo đó, các xe chuyển bệnh từ thiện do Hội chữ thập đỏ các cấp quản lý, có mặt khắp 9 quận, huyện của thành phố với 47 chiếc xe.

Các xe này kèm theo tình nguyện viên làm tài xế, công khai số điện thoại để người bệnh gọi, hoạt động dựa vào kinh phí các thành viên, tổ chức địa phương đóng góp, vận chuyển hoàn toàn miễn phí. Theo lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ, các tình nguyện viên tham gia vận chuyển cấp cứu đều được tập huấn kỹ năng cấp cứu cơ bản.

Trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 lượt bệnh nhân đi cấp cứu được chuyển miễn phí. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên hầu hết các ca chuyển bệnh chỉ thuộc phạm vi trong TP Cần Thơ. Ngoài ra, có một số xe cũ, xuống cấp, thiếu trang thiết bị sơ cấp cứu nên việc chuyển bệnh đi đến những bệnh viện xa gặp khó.

Đồ họa: TUẤN ANH

Cần có các trung tâm cấp cứu 115 phụ trách vùng

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM), việc chuyển bệnh nhân nặng từ tuyến tỉnh đều do tư nhân phụ trách. Đây là một trong các khó khăn rất lớn cho người bệnh khi cần chuyển viện. Do đó, hệ thống cấp cứu, vận chuyển ngoài bệnh viện cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Đặc biệt, ở các địa phương chưa có điều kiện chăm sóc điều trị chuyên sâu và tỉ lệ chuyển tuyến lớn. "Việc này đòi hỏi chính quyền các địa phương vào cuộc hơn là để các bệnh viện tự bơi bởi sẽ không thể đủ nguồn lực, vì cấp cứu ngoại viện chủ yếu phục vụ, an sinh hơn là tạo nguồn thu, nếu tính bài toán kinh tế sẽ càng làm càng lỗ" - bác sĩ Long nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng việc thành lập thêm các trung tâm cấp cứu 115 phụ trách vùng là một bài toán cần tính đến. Ngành y tế TP.HCM đang rất kỳ vọng vào đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp đến năm 2030. Nếu được UBND TP.HCM phê duyệt sẽ là giải pháp căn cơ nâng cao năng lực cấp cứu ngoại viện.

Ngoài trung tâm chỉ huy đang được đầu tư xây mới với số vốn khoảng 300 tỉ đồng, theo bác sĩ Long, TP.HCM sẽ thiết lập mạng lưới bốn trung tâm cấp cứu khu vực ở quận 1, TP Thủ Đức, Gò Vấp và Cần Giờ. Điều này đảm bảo phủ sóng khi thực hiện các nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện từ khu vực trung tâm đến vùng ven, xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra.

Xe cấp cứu đưa đón bệnh nhân tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Phải quy hoạch lại mạng lưới cấp cứu

Từ thực tế cấp cứu ngoại viện vừa thiếu vừa yếu, trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050, Bộ Y tế chủ động đưa ra nhiều phương án tổ chức và sắp xếp lại mạng lưới cấp cứu ngoại viện ở từng địa phương phù hợp với phân bố dân cư, điều kiện giao thông và cơ sở y tế.

Theo đó, với các thành phố lớn, mật độ dân cư cao và địa hình giao thông thuận tiện, Bộ Y tế đề xuất thực hiện mô hình trung tâm cấp cứu 115 hoàn chỉnh. Với các tỉnh có địa bàn rộng, giao thông không thuận tiện như ở khu vực miền núi, vùng xa... có thể không nhất thiết phải thành lập trung tâm cấp cứu 115 hoàn chỉnh. Các tỉnh này vẫn giao các bệnh viện đa khoa thực hiện nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện.

"Nhưng bắt buộc phải thiết lập một đơn vị tiếp nhận thông tin, điều phối cấp cứu ngoại viện chung cho toàn tỉnh. Tại các bệnh viện đa khoa phải tổ chức các đơn vị thực hiện cấp cứu ngoài hiện trường" - báo cáo của Bộ Y tế cho hay.

Trung tâm cấp cứu "khoán" cho bệnh viện

Đội xe cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện ở Cà Mau sẵn sàng vận chuyển nếu có chỉ định của bệnh viện - Ảnh: THANH HUYỀN

Cho đến nay, hầu hết các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đều không có trung tâm cấp cứu riêng. Đầu số cấp cứu 115 đều do bệnh viện đa khoa tỉnh phụ trách đảm nhận.

Việc cấp cứu ngoại viện, điều xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu đều hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực phương tiện cũng như nhân sự từ bệnh viện đa khoa tỉnh. Chẳng hạn, tại TP Cần Thơ, đầu số cấp cứu 115 được đặt tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.

Bác sĩ Huỳnh Minh Phú - phó giám đốc phụ trách bệnh viện này - cho hay đang làm đề án thành lập trung tâm cấp cứu 115 của thành phố và vùng. "Chúng tôi đã cử người đi học tập mô hình của TP.HCM, đã ký kết hợp tác. Tuy nhiên, để định hình phải cần thời gian bởi nguồn kinh phí rất lớn, phải xin ý kiến UBND TP" - ông Phú nói.

Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ là bệnh viện tuyến cuối duy nhất của khu vực ĐBSCL có 6 xe cứu thương nhưng đã hết niên hạn 2 xe. Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ có 6 xe nhưng có 2 xe đã sắp hết niên hạn sử dụng, 1 xe đang hư hỏng chưa sửa chữa. Các bệnh viện khác có từ 1-4 xe cấp cứu, chủ yếu dùng chuyển bệnh tuyến trên theo chỉ định nhưng hầu hết không đủ theo nhu cầu.

Trong khi đó, do điều kiện địa lý xa xôi với các trung tâm y tế, các bệnh viện lớn, nhu cầu vận chuyển cấp cứu người bệnh tại Cà Mau khá lớn. Theo Sở Y tế Cà Mau, các bệnh viện tuyến tỉnh Cà Mau có 15 xe cứu thương. Mỗi bệnh viện huyện có từ 1-2 xe cứu thương phục vụ chuyển cấp cứu tùy theo quy mô dân số.

Ông Trần Quang Khóa - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau - cho biết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều có định mức xe cứu thương nhưng vẫn chưa đủ so với nhu cầu vận chuyển của tỉnh. "Cà Mau không thành lập trung tâm cấp cứu riêng 115 như ở những thành phố lớn mà chỉ có các đơn vị cấp cứu ngoại viện. Chỗ nào cần cấp cứu mà không muốn liên hệ với bệnh viện để vận chuyển thì liên hệ với cấp cứu ngoại viện. Giá cả do hai bên tự thỏa thuận" - ông Khóa nói.

Làm gì để tránh "hét giá"?

Việc "nhường sân" cho dịch vụ cấp cứu tư nhân là giải pháp tốt để "chia lửa" nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối. Bởi cấp cứu tư nhân không có khung giá quy định. Liên hệ với một đơn vị cung cấp dịch vụ xe cấp cứu tư nhân tại Hà Nội, đơn vị này báo giá 1.750.000 đồng cho hơn 30km.

"Không có oxy, thiết bị đi kèm, có 1 nhân viên y tế đi cùng thì giá 1.750.000 đồng. Nếu có thở oxy giá là 1.950.000 đồng. Đây là giá tính theo vùng, không tính theo km vì nhà mình ở vùng 2 nên có giá như vậy", nhân viên này tư vấn. Tuy nhiên, sau đó nhân viên này liên hệ lại và "mặc cả" giảm giá thêm 100.000 đồng còn 1.650.000 đồng cho chuyến đi.

Tại TP.HCM, ngoài Trung tâm cấp cứu 115, còn cấp phép hoạt động cho 8 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh tư nhân. Bác sĩ Nguyễn Duy Long cho biết để tránh tình trạng "hét giá", rất cần có hướng dẫn chung để các doanh nghiệp tham gia hệ thống vận chuyển cấp cứu xây dựng mức giá chuyển cấp cứu phù hợp, cơ bản tính đúng, tính đủ và có tích lũy.

 Theo Báo Tuổi trẻ