Nhiều người đi bộ bất chấp băng qua đường bằng các “kĩ năng” trèo qua các rào chắn, dải phân cách mặc dù đoạn đường có cầu, hầm đi bộ.
Tình trạng người đi bộ băng qua đường bất chấp nguy hiểm an toàn, tính mạng diễn ra khá phổ biến, bất kể ngay đó là cầu, hầm vượt dành cho người đi bộ.
Khảo sát của PV Báo Giao thông tại một số tuyến phố như Láng Hạ, Tây Sơn, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng.., cho thấy: Chỉ trong khoảng 30 phút, số trường hợp liều mình băng qua đường vi phạm an toàn giao thông đường bộ tại mỗi điểm lên đến hơn 30 người, trong đó đa phần là học sinh, sinh viên, người già, người lao động phổ thông...
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại tại một số tuyến đường của Hà Nội:
Đây là Nhà chờ Thành Công (đường Láng Hạ) dành riêng cho xe buýt BRT. Cầu đi bộ được dựng ngay trước nhà chờ để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại. Thế nhưng nhiều người vẫn thản nhiên trèo qua rào chắn để “tiết kiệm” được vài phút qua đường.
Trong vòng nửa giờ quan sát, số lượng người len qua rào chắn để qua đường nhiều hơn người đi qua cầu đi bộ.
Việc bất chấp leo qua các rào chắn có thể khiến cho các phương tiện không quan sát kịp thời, gây nguy hiểm.
Tại đường Phạm Hùng có hầm đi bộ để qua đường nhưng chỉ vì tiện đường nên nhiều người chọn cách đi bộ qua chỗ các phương tiện lưu thông phức tạp.
Đường Tây Sơn gần ĐH Công Đoàn có cầu đi bộ ngay phía trước cách khoảng hơn 100m nhưng người phụ nữ trong hình lại đi bộ sang đường khi không có vạch kẻ cho người đi bộ.
Ung dung đi bộ qua đường trong khi các phương tiện đang lưu thông.
Một em học sinh đang cố len lỏi qua đoạn đường đầy xe cộ.
Ở ngay dưới chân cầu vượt Mai Dịch, đường Phạm Văn Đồng, nhiều người vô tư băng qua đường trong khi hầm đi bộ cách đó chưa đầy 100m.
Đoạn đối diện trường ĐH Ngoại Ngữ, có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên trèo qua dải phân cách cũng bởi hầm đi bộ cách đó khoảng 250m khiến họ chọn cách sang đường nhanh và tiện.
Người đi bộ thậm chí còn đưa ta ra hiệu để các phương tiện dừng di chuyển để mình băng qua
Căn cứ theo quy định tại điều 9, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người đi bộ vi phạm luật giao thông sẽ bị xử phạt như sau:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi đúng phần đường quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;
c) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
b) Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;
c) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Đặc biệt Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) Điều 261, Khoản 3 quy định “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người đi bộ) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù đến 15 năm
(3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.)
Theo atgt.vn