Được giới thiệu rằng tính năng này sẽ giúp việc sử dụng xe thuận tiện, dễ dàng hơn nhưng có phải ứng dụng kết nối giữa xe máy và điện thoại nào cũng thực sự hữu ích và cần thiết?

1.Đa dạng chức năng hỗ trợ

Tạm thời có thể chia các ứng dụng kết nối giữa xe 2 bánh và điện thoại thông minh tại Việt Nam thành vài nhóm chính dựa theo tính năng sử dụng.

Đầu tiên là loại cơ bản và phổ biến nhất với khả năng hiển thị thông báo. Thông qua kết nối bluetooth, người dùng sẽ liên kết xe với ứng dụng do nhà sản xuất phát hành trên điện thoại thông minh. Khi điện thoại nhận cuộc gọi hay tin nhắn, thông báo sẽ xuất hiện trên bảng đồng hồ tốc độ.

Mẫu xe đầu tiên của Honda tại Việt Nam có chức năng này là Honda SH 150 ra mắt cuối 2019. Trước đó, Kymco cùng Vespa đã giới thiệu AK 550, Like 125 ABS và GTS Super Tech trang bị hệ thống kết nối có hiển thị thông báo liên lạc trên màn hình LCD.

Nâng cao hơn, một vài nhà sản xuất tích hợp thêm những tính năng mở rộng. Chẳng hạn như Yamaha NVX 155 VVA có định vị tìm xe và theo dõi thông tin vận hành. Bộ đôi xe máy điện Yadea G5 và VinFast Klara hiện đại hơn khi có thể điều khiển khóa/mở xe từ xa, tắt/mở chống trộm, theo dõi thời lượng pin, dự kiến quãng đường đi được…

Ở một vài mẫu maxi-scooter hay môtô, người lái khi dùng sử dụng tai nghe bluetooth có thể dùng nút bấm trên ghi đông để tùy chỉnh âm lượng, chuyển bài hát, nhận cuộc gọi ngay trong lúc đi đường. Các dòng xe có tính năng này là KTM Duke 390, BMW C 400, BMW F 900, Triumph Tiger 900…

Ít gặp nhất là tính năng dẫn đường. Dựa trên dữ liệu bản đồ và cài đặt định vị trên điện thoại bởi người lái, thông tin chỉ dẫn sẽ được hiển thị trên bảng đồng hồ kỹ thuật số. Kymco Noodoe và Vespa Mia là 2 hệ thống kết nối trên xe máy tại Việt Nam có khả năng chỉ đường. Hãng xe Đài Loan còn hỗ trợ giao diện tiếng Việt và dẫn đường bằng giọng nói khi người lái đeo tai nghe.

Ngoài ra, hầu hết ứng dụng kết nối xe và điện thoại có hỗ trợ người dùng theo dõi lịch bảo dưỡng, nhắc sửa chữa, quản lý thông tin bảo hành điện tử, tìm vị trí cửa hàng hay trung tâm dịch vụ…

2.Còn nhiều hạn chế

Sử dụng thực tế, ứng dụng kết nối giữa xe và điện thoại không phải lúc nào cũng hữu ích và tiện dụng như mong đợi.

Khi theo dõi thông báo về tình trạng liên lạc, tin nhắn hay công việc trên đồng hồ tốc độ, người lái dễ bị phân tâm, không tập trung quan sát tình trạng giao thông. Đồng thời, để xem được nội dung tin nhắn hay trả lời email, cần phải sử dụng trực tiếp điện thoại khiến quá trình di chuyển ít nhiều bị gián đoạn không cần thiết.

Đối với các mẫu xe phân khối lớn có nút bấm tùy chọn trả lời điện thoại, chỉnh nhạc kết hợp với tai nghe không dây thì việc liên lạc, giải trí trở nên thuận tiện hơn. Người lái không nhất thiết phải dừng xe hay lấy điện thoại ra bên ngoài. Tuy nhiên, vừa điều khiển xe vừa dùng tai nghe có thể gây mất tập trung cho người lái và đây là hành vi vi phạm luật giao thông tại Việt Nam.

Về chức năng định vị tìm nơi đậu xe trên ứng dụng, vị trí hiển thị thực tế là điểm định vị cuối cùng theo GPS của điện thoại. Nếu xe bị dời đi khỏi vị trí đó thì xem như người dùng mất dấu. Với trường hợp gửi xe trong bãi, tầng hầm thì sử dụng chìa khóa thông minh kích hoạt đèn và còi là cách tìm xe nhanh gọn hơn.

Bên cạnh đó, ứng dụng kết nối của mỗi nhà sản xuất lại có những hạn chế riêng. Chẳng hạn như giao diện khó làm quen, ít ngôn ngữ hỗ trợ, hoạt động không ổn định hay chậm cập nhật phiên bản mới.

Cũng như tính năng kết nối trên ôtô, ứng dụng liên kết điện thoại và xe máy chỉ là một tiện ích bổ sung. Vì vậy, người dùng không nên quá phụ thuộc vào công nghệ kết nối và sao nhãng việc điều khiển xe, nhất là ở Việt Nam với điều kiện giao thông phức tạp và nhiều rủi ro.

Theo Tạp chí Moto