Theo nội dung báo cáo nhanh tình hình, hiện tình trạng hạn hán xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cà Mau nói riêng đang diễn tiến hết sức phức tạp.
Ở Cà Mau, hiện mực nước ở các kênh, mương khô cạn rất nhanh. Các tuyến kênh trục chính và kênh cấp 1 chỉ còn mực nước từ 0,5 đến 1,0m; còn lại các kênh cấp 2, 3 đã khô cạn.
Đến thời điểm hiện tại có 18.000 ha lúa bị thiệt hại, diện tích này có thể gia tăng tiếp tục trong thời gian tới.
Trên vùng lâm phần rừng tràm đã có 43.000 ha đang trong tình trạng báo cháy khẩn cấp; trong khi đó một số cống ngăn mặn đang có hiện tượng soi mọi và rò rỉ đáy.
Tình trạng sụp, lún và sạt lở đất đang đe dọa hơn 22 km đường giao thông và hàng ngàn ha lúa, hoa màu ở Cà Mau.
Toàn tỉnh đã có gần 1.000 tuyến kênh, rạch bị sụp lún, sạt lở. Nghiêm trọng nhất là tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc và tuyến Đê biển Tây cũng bị lún sụp nghiêm trọng. Đây là 2 tuyến công trình giao thông có quy mô thiết kế và xây dựng lớn, tổng trị giá trên 2.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự báo tình hình khô hạn sẽ còn diễn ra đến tháng 5 và tháng 6/2020.
Để kịp thời đánh giá tình hình và tìm hướng khắc phục những thiệt hại, UBND tỉnh Cà Mau đã hỏa tốc mời lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông vận tải cùng đại diện Tổng cục phòng chống thiên tai, Cục Trồng trọt, Viện Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, Tổng cục Địa chất cùng các chuyên gia về khảo sát và đánh giá tình hình.
Dự kiến, các bộ ngành Trung ương như đã mời sẽ có chuyến khảo sát và làm việc với tỉnh Cà Mau vào ngày 24/2.
Theo Báo Cà Mau