Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này cần rất nhiều giải pháp căn cơ, nhất là trong bối cảnh thời gian qua nhiều sàn giao dịch vận tải ra đời, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi “chết yểu”.
Thất bại vì chỉ là “môi giới”
Thời gian qua nhiều sàn giao dịch vận tải ra đời, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi “chết yểu” (Ảnh minh họa)
Nhớ lại thời điểm năm 2016, ông Lê Văn Tiến, Công ty TNHH Vận tải thương mại Hà Anh cho biết, khi đăng ký trên sàn giao dịch vận tải, sau hơn 2 tháng, ông chỉ nhận được… 2 cuộc điện thoại của chủ hàng. Sau đó, chủ hàng cũng bặt vô âm tín, giao dịch không thành công.
Mãi sau này ông Tiến mới nhận ra các chủ hàng chưa tin tưởng hình thức giao dịch qua mạng. Một số liên hệ chỉ là để tham khảo, thăm dò giá cả để có lựa chọn khác.
Tình huống của ông Tiến cũng tương tự như nhiều chủ hàng khác đã gặp phải khi giao dịch trên sàn vận tải. Nhiều bất cập trong cách thức hoạt động khiến các sàn giao dịch vận tải trực tuyến chưa đủ sức hấp dẫn các chủ hàng và doanh nghiệp vận tải. Điều này khiến nhiều sàn giao dịch vận tải phải đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả.
Ra đời vào năm 2015, sàn giao dịch vận tải đầu tiên của Việt Nam - Vinatrucking được kỳ vọng sẽ giúp thị trường vận tải được công khai minh bạch về giá, doanh nghiệp vận tải có điều kiện tiếp xúc với chủ hàng để ký kết hợp đồng cho chiều đi và chiều về, giảm xe chạy rỗng một chiều, giảm chi phí nhiên liệu, giảm giá cước vận tải và chi phí logistics.
Thế nhưng sau 3 năm hoạt động, chủ yếu xe tìm hàng, còn ở chiều ngược lại, chủ hàng tìm xe rất ít, số lượng khách hàng giao dịch thành công qua sàn rất thấp. Năm 2017, sàn giao dịch này đã phải ngưng hoạt động.
Một sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa khác được cấp phép hoạt động vào năm 2016 là sanvanchuyen.vn. Nhưng theo số liệu cập nhật mới nhất, sàn giao dịch này có hơn 800 đơn vị vận tải đăng ký, số giao dịch trên 200 cuộc, nhưng số tiền giao dịch qua sàn chỉ vỏn vẹn hơn 500 triệu đồng.
Ông Đỗ Khắc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Viladata - đơn vị sở hữu sàn giao dịch vận chuyển TADI cho hay, công nghệ của các sàn giao dịch vận tải hàng hóa đã đóng cửa hay đang hoạt động đều vẫn còn thô sơ, chỉ mang tính chất rao vặt, không đáp ứng được quy mô của sàn.
“Cùng đó, thói quen của người dùng, khách hàng còn những nghi ngại. Họ lo khó được bồi thường khi hàng hóa bị mất, hư hỏng”, ông Hà nói.
Bà Trần Huyền Trang, Tổng giám đốc CTCP Gonow, đơn vị sở hữu sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow cho hay, một số sàn đang hoạt động không đúng bản chất, chỉ mang tính chất nhóm, các chủ xe và chủ hàng quen biết nhau và tự tạo sự liên kết.
Hay nói cách khác, đây chỉ là công cụ nhỏ lẻ để rao vặt, phục vụ cho các đối tượng trốn thuế là các xe dù bến cóc. Các phần mềm này hoạt động tự phát nên không được quản lý.
Khai thác hiệu quả “kho vàng” GSHT
Trong Dự thảo đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ vừa được trình Bộ GTVT phê duyệt, Cục Đường bộ VN đưa ra mục tiêu đến năm 2027 hình thành sàn giao dịch vận tải hành khách, đến năm 2029 hình thành sàn giao dịch vận tải hàng hóa.
“
Nhiều sàn giao dịch vận tải ra đời nhưng hoạt động không hiệu quả là do giữa các chủ hàng và bên vận tải thường có mối quan hệ gắn kết, làm ăn nhiều năm, họ không muốn thay đổi.
Phần lớn các công ty làm sàn giao dịch vận tải là nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính hạn chế, trong khi giá trị hàng cao. Do vậy, các chủ hàng khi đưa hàng hóa lên sàn đều đòi hỏi tính pháp lý cao để dễ dàng giải quyết nếu hàng vận chuyển gặp rủi ro, bị mất. Các sàn giao dịch vận tải không dám thực hiện việc cam kết bảo lãnh và chỉ đóng vai trò như người “môi giới”, kết nối giữa chủ hàng và chủ xe.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tô tô VN
”
Mục tiêu này nhằm giúp giảm xe chạy rỗng, giảm giá cước vận tải, giảm chi phí logistics, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, để đạt được mục tiêu này vấn đề mấu chốt bên cạnh yếu tố công nghệ, cơ chế hỗ trợ, cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn trong việc cung cấp thông tin để các chủ hàng thực sự tin tưởng.
Bà Trần Huyền Trang cho rằng, tương tự như quy định lắp thiết bị giám sát hành trình, cần có hành lang pháp lý, chế tài yêu cầu các bến xe khách trên toàn quốc phải dùng chung một hệ thống phần mềm. Hay nói cách khác là các bến xe phải có chung một sàn giao dịch vận tải.
Khi đó các cơ quan quản lý mới có công cụ để quản lý, kiểm tra giám sát được hoạt động vận tải. Mỗi bến xe sẽ được cấp một tài khoản, dữ liệu về mỗi chuyến xe sẽ được chuyển lên đây. Việc này cũng giúp tránh thất thoát thuế cho Nhà nước.
Theo ông ông Đỗ Khắc Hà, dữ liệu từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình là “kho vàng” chưa được khai thác hết được hiệu quả. Để sàn giao dịch vận tải hoạt động tốt, phần mềm sẽ quét khách theo “hộp đen”, phần mềm của sàn sẽ kết nối với dữ liệu của thiết bị GSHT.
“Dữ liệu GPS của phương tiện đang được gửi về Cục Đường bộ VN, hàng triệu xe sẽ được đưa lên sàn nhanh chóng, tạo được một chợ giao dịch đông đúc. Khi chợ đã đông, đơn hàng dĩ nhiên cũng sẽ tăng theo”, ông Hà nói và cho rằng, để giải quyết vấn đề mất hay hư hỏng hàng hóa, cần có công cụ đảm bảo thực hiện hợp đồng vận chuyển.
Đại diện Cục Đường bộ VN cho hay, các sàn giao dịch vận tải không có quy định riêng mà đang hoạt động theo các quy định chung về thương mại điện tử. Vì vậy, cần có những khung chính sách riêng cho hoạt động vận tải để tạo điều kiện cho các đơn vị đã tham gia vào sàn được tổ chức vận chuyển thuận lợi hơn.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn các sàn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính, cải tiến phần mềm, đa dạng các hình thức kết nối, minh bạch hóa về giá cước. Bên cạnh đó, phối hợp với các sàn xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ các thành viên tham gia nhằm đảm bảo độ tin cậy của sàn”, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết.
Theo Báo Giao thông