Phơi xe ngoài nắng: hiểm họa khó lường

Nguy hiểm từ cháy nổ.

Chắc các bạn đã không còn lạ lẫm với sự việc yên xe máy phơi ngoài trời nắng nóng những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ đo được ở yên xe lên tới 80 độ. Hoặc một chương trình truyền hình đã kiểm nghiệm khả năng rán chín trứng chỉ bằng một chiếc chảo đặt ngoài trời nắng. Rõ ràng, tác động của nhiệt độ lên đồ vật, phương tiện khi phơi ở ngoài trời rất nguy hiểm. Ô tô cũng không ngoại lệ.

Nếu theo dõi những diễn đàn lớn về xe vào những ngày nắng nóng như thế này, chúng ta sẽ gặp nhiều topic thành viên báo cáo về hiện tượng bình cứu hoả mini, pin điện thoại dự phòng, bật lửa hay cả những chai nước ngọt trong xe phát nổ. Tất cả những hiện tượng này đều có cùng nguyên nhân do nhiệt độ trong xe quá cao.

Khi theo dõi nhiệt độ thời tiết, các bạn có thể thắc mắc tại sao nhiệt độ ngoài trời chỉ 39-40 độ C mà có thể gây cháy nổ?? Nguyên nhân chính là nhiệt độ không khí luôn thấp hơn nhiệt độ của những vật thể hấp thụ nhiệt trực tiếp. Chính vì thế, khi đỗ xe ôtô ngoài trời nắng, nhiệt độ trong xe có thể lên đến 78-80 độ C, đặc biệt các khu vực chịu nắng trực tiếp như bảng táp lô xe, ghế da phía trước.

Ở nhiệt độ này, những vật để trong xe như bật lửa, lon nước ngọt hay bình cứu hoả mini đều bị ảnh hưởng. Ví dụ như bình cứu hỏa mini đặt trong xe có nhiệt độ an toàn chỉ ở 55 độ C. Do đó, chỉ một chút bất cẩn khi đỗ xe ngoài trời nắng trong thời gian dài, khiến các đồ vật có khả năng gây cháy hoặc nổ như pin điện thoại, bật lửa ga, bình cứu hỏa, nước có ga, chai xịt tóc bị chiếu nắng và tăng nhiệt lên cao.... có thể khiến các bạn phải trả giá bằng những hư hại trong nội thất xe do các vật dụng phát nổ. Tệ hơn nữa là có thể gây cháy xe do các vật liệu trong xe như nhựa táp lô, da ghế đều là những chất dẫn lửa.

ẢNH HƯỞNG TỚI SỨC KHỎE

Khi nhiệt độ bên trong xe lên tới 50 độ C sẽ làm bay hơi các chất độc hại. Các chất độc hại này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những hành khách bên trong xe, đặc biệt là trẻ em nhỏ. Bởi tốc độ tăng và hấp thụ nhiệt của trẻ em cao hơn rất nhiều lần so với người lớn. Nếu là xe máy, khi để xe ngoài trời nắng quá lâu phần yên xe cũng sẽ bị tăng nhiệt khiến chúng ta bị bỏng rát khi ngồi lên.

Nguy hiểm từ lốp xe

Nhiệt độ dưới mặt đường thường cao hơn rất nhiều so với nhiệt độ mà chúng ta cảm nhận được. Trong khi đó mặt đường chính là tác nhân đầu tiên ảnh hưởng tới tuổi thọ của lốp xe. Một số nghiên cứu cho thấy áp suất lốp thấp hơn 25% so với tiêu chuẩn sẽ có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 3 lần, đặc biệt là khi thời tiết có nhiệt độ quá cao.

Nếu để áp suất lốp quá non cũng làm tăng lực cản dẫn tới tổn hao công suất động cơ. Ngược lại khi áp suất lốp quá căng sẽ dễ bị nổ và trơn trượt khi xe di chuyển ở tốc độ cao. Hơn nữa, sử dụng lốp theo đúng khuyến cáo giúp cải thiện 3,3% mức tiêu hao nhiên liệu.

Bong tróc sơn ngoại thất

Một hiểm họa khác khi để xe ngoài trời nắng lâu là lớp sơn ngoại thất của xe dễ bị xuống màu, thậm chí bong tróc. Do đó, nếu muốn bảo vệ xe luôn được như mới chúng ta nên lưu ý điều này. Thay vì để xe dưới trời nắng chúng ta nên chọn nơi có mái che hay sử dụng bạt phủ cho xe.

Nguy cơ ung thư từ điều hòa ô tô trong ngày nắng nóng

Những người thường xuyên ngồi bên trong ô tô kín khi thời tiết nắng nóng dễ bị tích tụ chất độc và mắc bệnh. Mặc dù chất này không gây hại cho sức khỏe nếu chúng ta chỉ ngồi trong thời gian ngắn. Nhưng nếu thời gian kéo dài thì không hề có lợi cho sức khỏe một chút nào. Do đó, bạn nên mở hết cửa để không khí được lưu thông trước khi lên xe.

Hiểm họa từ rơm rạ trên đường

Ngoài ra, tại các vùng làng quê Việt Nam thì hiện nay đang vào mua phơi và đốt rơm rạ nên các lái xe cũng nên chú ý khi lái xe qua các tuyến đường có bà con nông dân đang phơi rơm rạ. Vì rất có thể khi đi qua đây, xe của các bạn sẽ bị cuốn rơm rạ vào lốp hoặc trục xe và bắt lửa do nhiệt độ của thời tiết kết hợp cùng ống xả dưới gầm xe.

Kia Morning bị cháy trơ khung vào chiều 16/6/2014 trên đường đê thuộc xã Cao Đại (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Do đó, để đảm bảo an toàn cho chiếc xe của bạn khi tham gia giao thông, các lái xe nên chú ý những điểm sau:

- Sau khi lái xe qua những con đường phơi rơm rạ, các bạn nên xuống xe kiểm tra xem có bị rơm rạ cuốn vào lốp xe không.

- Không nên đỗ xe dưới ánh nắng trực tiếp trong thời gian dài.

- Sử dụng những vật liệu che nắng như vải bạt chống nóng chuyên dụng được bán trên thị trường.

- Nên mở hé cửa kính xe để đám bảo không khí lưu thông bên trong xe, hạn chế việc tăng nhiệt bên trong xe do hiệu ứng nhà kính.

- Vị trí đặt bình cứu hoả như hình dưới đây để đảm bảo an toàn nhiệt độ và thuận tiện trong việc sử dụng khi có cháy nổ.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Theo nld.com.vn.