Sau 15 năm từ 2002 đến 2016, số người chết vì TNGT đã giảm từ 61.571 người (giai đoạn 2002-2006) xuống còn 45.570 người (giai đoạn 2012-2016) - Đồ họa: Quốc Tuấn
Thành lập năm 1997, kể từ đó mỗi chính sách, mỗi chủ trương của Ủy ban ATGT Quốc gia đều xuất phát từ mục tiêu: Vì sự an toàn, tính mạng của con người. Hành trình hơn 20 năm qua, không ít gian nan, nhưng thành quả mang lại cũng đáng để tự hào và quan trọng nhất là mỗi năm cả nước giảm được hàng nghìn người chết và bị thương do TNGT.
Thách thức mang tên “TNGT”
Nhớ lại thời điểm 20 năm trước, ông Bùi Văn Sướng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban ATGT chia sẻ, TNGT là nỗi ám ảnh vô cùng lớn với mỗi người dân. “Dường như “thần chết” trên đường không chừa bất kỳ ai, độ tuổi nào, ngành nghề nào. Vào khoảng đầu những năm 90, xe máy được nhập về ồ ạt, tốc độ phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, nhất là xe máy tăng khoảng 15%/năm, trong khi nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng chỉ khoảng 2%”, ông Sướng kể.
Hậu quả nặng nề của TNGT không chỉ là hàng chục nghìn người thương vong mỗi năm mà còn là nỗi ám ảnh dai dẳng về tinh thần và vật chất cho mỗi gia đình, cộng đồng. Hàng chục nghìn gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, hàng nghìn đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, những mơ ước hồn nhiên của con trẻ cũng vĩnh viễn bị chôn vùi theo TNGT.
“Mỗi ngày hơn 30 người, thậm chí hơn 40, 50 người ra đi, mãi mãi không quay trở về và hàng chục người khác bị thương tật suốt đời là những con số rất đau lòng và không thể khiến chúng ta khoanh tay ngồi yên”, ông Sướng nói và cho biết, trước thực trạng đó, việc thành lập Ủy ban ATGT Quốc gia năm 1997 để làm đầu mối phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành và chỉ đạo xuyên suốt công tác đảm bảo ATGT là tất yếu.
Sau khi thành lập, Ủy ban ATGT Quốc gia đã chủ động tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 22/2003 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT. “Đây là văn bản đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Kể từ đó, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã được các cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo và được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính quyền các cấp phải thực hiện hàng năm (nay là Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư)”, ông Sướng nói.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, Chỉ thị 18 của Ban Bí thư thực sự đi vào cuộc sống vì sinh mạng, sức khỏe của người dân. Với các giải pháp không còn mơ hồ, chung chung, cả hệ thống chính trị, cấp ủy các cấp, từng đảng viên đều phải vào cuộc đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT.
Đội MBH ở Việt Nam là sự kiện nổi bật của thế giới
Một trong những điểm nhấn trong công tác đảm bảo ATGT là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH). Nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng lúc bấy giờ trực tiếp đi xe máy, đội MBH vào buổi sáng để kêu gọi người dân tích cực đội MBH. Không ít người nhớ đến ông như một “tổng công trình sư” kiến tạo việc đội MBH, giúp giành lại mạng sống cho hàng nghìn người tham gia giao thông.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Dũng chia sẻ: “Lúc đầu, quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi mô tô, xe máy gặp rất nhiều khó, mà áp lực lớn nhất chủ yếu từ dư luận. Phần lớn người dân lúc đó chưa hiểu rõ tác dụng của MBH trong việc giúp bảo vệ tính mạng mà chỉ “soi” đến sự bất tiện khi sử dụng, vì thế phản ứng mạnh mẽ với quy định mới”.
“Thậm chí, không ít người hoài nghi rằng, Bộ trưởng GTVT hay một ai đó là “sân sau” của doanh nghiệp sản xuất MBH nên mới đưa ra quy định đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh TNGT quá nhức nhối, mỗi năm hàng chục nghìn người chết và thương tật nặng do TNGT, trong đó chiếm phần lớn là chấn thương sọ não do không đội MBH, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội, những người chịu trách nhiệm thực hiện chương trình kêu gọi người dân đội MBH đều ý thức được tầm quan trọng của chính sách này và đặt quyết tâm thực hiện đến cùng”, ông Dũng nói thêm.
Ngay sau khi quy định được “luật hóa” tại Nghị quyết 32 của Chính phủ vào năm 2007, tạo nên khung pháp lý vững chắc, một chương trình tuyên truyền rộng khắp đã được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc. Nhưng trước đó, để có được quy định đó, Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan chức năng phải chuẩn bị và nghiên cứu rất công phu từ nhiều năm trước. Nhiều đoàn công tác, có cả phóng viên, báo chí được cử sang Thái Lan, Lào - những nước rất gần Việt Nam để tìm hiểu và chứng kiến họ thực hiện nghiêm quy định đội MBH ra sao và họ đã kéo giảm được TNGT như thế nào. Đây là thực tế sinh động rõ ràng nhất để truyền tải đến người dân và người tham gia giao thông.
“Sau nhiều nỗ lực, việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH khi đi xe máy tại Việt Nam đã mang lại thành công vang dội. Đến nay, tỷ lệ người dân chấp hành đội MBH đã đạt hơn 95%, giúp giảm hẳn số ca bị chấn thương sọ não do TNGT xuống dưới 30%. Dư luận quốc tế, kể cả Liên hợp quốc coi đây là một chiến thắng quan trọng trong cuộc đấu tranh vì sự an toàn của người dân Việt Nam và đánh giá việc thực hiện thành công quy định đội MBH tại Việt Nam là 1 trong 10 sự kiện nổi bật về ATGT của thế giới”, ông Dũng chia sẻ.
Sự kiện khác cũng gian nan chẳng kém việc quy định bắt buộc đội MBH là tổ chức Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân TNGT. Nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: “Thời điểm đó, có rất nhiều ý kiến trái chiều về tổ chức lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong do TNGT. Nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều đối tượng cần phải cầu siêu hơn, tại sao lại cầu siêu cho những người tử vong vì TNGT do họ bất cẩn gây ra cho mình và người khác”.
Tuy nhiên, ở góc độ Ủy ban ATGT Quốc gia, chúng tôi cho rằng, vì bất kỳ lý do gì, các nạn nhân tử vong vì TNGT đều có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Gia đình nạn nhân không phải ai cũng có điều kiện tự tổ chức. “Chính vì vậy, làm chung một Đại lễ cầu siêu sẽ giúp họ thỏa mãn mong nguyện. Đại lễ cầu siêu cũng là dịp để tuyên truyền, cảnh báo trong xã hội về thảm họa TNGT, từ đó nâng cao ý thức của người dân”, ông Hiệp chia sẻ thêm.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng chia sẻ: “Theo triết lý nhà Phật, cứu một mạng người phúc đẳng hà sa. Những người làm công tác chuyên trách chúng tôi rất vui vì được góp một phần nhỏ công sức vào sự nghiệp rất nhân văn, thành quả giảm hàng chục nghìn người tử vong vì TNGT trong suốt 20 năm qua. Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân TNGT cũng nằm trong ý nghĩa đó“.
Liên tục kiện toàn tổ chức
Từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, Ủy ban ATGT Quốc gia không ngừng phát triển cả về tổ chức và hoạt động. Về tổ chức, Ủy ban ATGT Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ngày 29/10/1997 trên cơ sở Ban Chỉ đạo ATGT Trung ương trước đây, là tổ chức tiền thân của Ủy ban ATGT Quốc gia ngày nay. Từ đó đến nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đã 3 lần được Thủ tướng Chính phủ kiện toàn vào các năm 2010, 2011 và 2017 với chức năng là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng về các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế TNGT.
Bồi hồi nhớ lại những ngày đầu thành lập với bao bộn bề, ông Bùi Văn Sướng chia sẻ: “Năm 1992, Ban chỉ đạo ATGT Trung ương được thành lập với thành viên chỉ bao gồm hai Bộ GTVT và Công an, trong khi ATGT liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều cấp như giáo dục, tuyên truyền. Cho nên thẩm quyền Ban chỉ đạo khi ấy không đủ để chỉ đạo toàn diện. Đến năm 1997, Ủy ban ATGT Quốc gia ra đời, trở thành cơ quan đầu mối kết nối hiệu quả và điều phối liên ngành về bảo đảm trật tự ATGT trên cơ sở nòng cốt là ngành GTVT và Công an.
Nếu ban đầu, chức Chủ tịch Ủy ban là do Thứ trưởng Bộ GTVT đảm nhiệm, thì đến những năm sau đó vị trí này do Bộ trưởng Bộ GTVT và từ năm 2011 đến nay do Phó Thủ tướng Chính phủ đảm nhận. Vì vậy, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều phối và phối hợp liên ngành về công tác bảo đảm ATGT được nâng cao. Số lượng thành viên Ủy ban cũng tăng, từ 9 thành viên năm 1997 lên 22 thành viên năm 2017. Theo Quyết định số 22/2017/QĐ-TTg ngày 22/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban có 22 thành viên gồm lãnh đạo bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nói về điều này, ông Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2011, thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, kiện toàn lại lại tổ chức và Phó Thủ tướng làm Chủ tịch, sự vào cuộc của các bộ, ngành mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Bộ GTVT là cơ quan thường trực, lúc này năng lực tổ chức thực hiện vượt trội, nhiệm vụ đảm bảo ATGT thể hiện trực tiếp ở các lĩnh vực của Bộ. Ở địa phương cơ cấu tổ chức ban cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Từ năm 2011 đến nay, với tinh thần chỉ đạo vai trò quyết định cho thành bại trong đảm bảo ATGT là từ cơ sở nên Ban ATGT cấp huyện, xã cũng được kiện toàn. Chỉ đạo đảm bảo ATGT được lan tỏa đến tận cấp cơ sở, mỗi chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đến được mọi cấp, ngành và từng người dân nên ý thức chấp hành pháp luật ATGT được nâng lên rõ rệt, trật tự ATGT vì thế cũng từng bước được cải thiện tích cực.
Theo Báo Giao thông