Dự án đường cao tốc Bắc - Nam


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công. Ảnh: Tạ Hải

Ngày 30/9/2020, tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa Bộ GTVT phối hợp với UBND Thanh Hóa tổ chức lễ khởi công Dự án thành phần Mai Sơn - QL45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo địa phương các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Nam, Nam Định và đông đảo nhân dân địa phương.

Một ngày có ý nghĩa với đất nước

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngày 30/9/2020 là một ngày có ý nghĩa đối với đất nước, đặc biệt đối với ngành GTVT vì chúng ta đã đồng loạt triển khai các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và ngay tháng 10 sẽ tiếp tục làm hồ sơ liên quan để khởi công 5 dự án còn lại. Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc-Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000 km cao tốc. Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong nhiệm kỳ tới, ngay từ năm đầu, phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000 km cao tốc.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT xử lý vấn đề nguồn vốn để thực hiện chủ trương làm đường cao tốc ở nước ta thành công.

“Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chúng ta quyết tâm phấn đấu để làm hệ thống giao thông tốt nhất, đáp ứng sự phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó hệ thống giao thông phải đi trước một bước.

Cho rằng sự kiện hôm nay có nhiều ý nghĩa, tạo khí thế mới trong nhân dân, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các tỉnh, tiến tới Đảng hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng chia sẻ, Đảng, Nhà nước không chỉ lo đường bộ mà lo cả đường hàng không, đường sắt, đường thủy, cảng nước sâu, tàu điện ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là cùng với đường bộ, phải nâng cấp cấp tốc hệ thống đường sắt đang lạc hậu. Chiến lược phát triển trong 10 năm tới, đặc biệt trong 5 năm tới, là làm được những việc lớn để đưa đất nước tiến lên.

Nhân lễ khởi công, Thủ tướng biểu dương Bộ GTVT, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, “các đồng chí đã làm ngày, làm đêm với sự giám sát thúc đẩy mạnh mẽ của Thủ tướng, các cơ quan, các ngành chức năng”.

Thủ tướng đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các cấp trên cả nước nói chung đã thúc đẩy giải phóng mặt bằng, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An… Giải phóng mặt bằng tuyến này đã hoàn thành đến hơn 93%.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao, biết ơn người dân các địa phương đã ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, về nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho công trình trọng điểm quốc gia này.

Không được làm ẩu, làm sai

Thủ tướng nêu rõ, điều quan trọng nhất trong chỉ đạo của Chính phủ là “các đồng chí được giao nhiệm vụ, được đấu thầu, trúng thầu công khai phải làm đúng chất lượng, không được làm dối, làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để lại tai tiếng”.

Vì vậy, không được bán thầu, nhiều thầu phụ ăn chênh lệch. Không được sử dụng vật liệu kém chất lượng để thi công, không làm sai các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật. Làm sai thì phải xử lý nghiêm.

Phải bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự. Công trình cao tốc Bắc-Nam phải là công trình mẫu mực.

Thủ tướng mong muốn, sau khi thi công công trình thì uy tín của các đơn vị thi công được nâng lên, khẳng định tên tuổi trên thị trường.

Phải nêu cao vai trò của các cơ quan tư vấn, giám sát thiết kế, phải làm đúng vai trò, trách nhiệm, “trước khi làm móng, làm nền thì anh phải kiểm tra, giám sát, ghi nhật ký công trình như thế nào để bảo đảm trách niệm, sau này làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng đoạn, từng đơn vị”. Phải biết rút kinh nghiệm từ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi trong thời gian qua.

Thủ tướng đánh giá cao nhận thức của các tỉnh, “sau khi có cao tốc thì phải làm gì để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở địa phương”, phải tính toán việc kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế từ cao tốc này, chứ không phải làm xong mà không phát huy tác dụng.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện cho các đơn vị thi công và cũng phải chú ý “để mắt” tới chất lượng, tiến độ dự án. Nếu chúng ta làm đúng thì mang lại niềm tin cho nhân dân.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương nhấn nút khởi công dự án. Ảnh: Tạ Hải
Dự án mẫu mực

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể từng dự án thành phần gắn với mốc thời gian cụ thể. Trong đó, phân công trực tiếp các đồng chí Thứ trưởng phụ trách từng dự án. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã giao nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị tham mưu, các Ban quản lý dự án của Bộ chịu trách nhiệm hiện dự án theo đúng kế hoạch.

Với quyết tâm cao, sau thời gian ngắn, Bộ GTVT đã triển khai đồng loạt các công việc như tư vấn lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, thẩm tra, thẩm định các dự án, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc Mai Sơn – QL45. Đồng thời, tổ chức phê duyệt kế hoạch đấu thầu, thiết kế kỹ thuật, sơ tuyển nhà đầu tư. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai giải phóng mặt bằng dự án.

Trong quá trình thực hiện dự án theo hình thức PPP, xét thấy sự cấp bách, cần thiết và tầm quan trọng của dự án, gắn với việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT đã xin ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xin chuyển đổi đầu tư 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công, trong đó có dự án Mai Sơn- QL45 và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng các đại biểu tham dự lễ khởi công dự án thành phần Mai Sơn - QL45. Ảnh: Tạ Hải

Theo Thứ trưởng Thọ, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm quốc gia và là dự án mẫu mực trong quản lý, giám sát, tổ chức thi công, phòng chống tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, trong công tác lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, Bộ GTVT đã xây dựng các tiêu chí chuẩn mực về năng lực thiết bị, năng lực tài chính, kinh nghiệm tổ chức thi công, nguồn nhân lực tham gia dự án để lựa chọn nhà thầu.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Tạ Hải

Trên cơ sở đó, đã lựa chọn được các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát là các đơn vị có thương hiệu, uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm về xây dựng công trình giao thông cấp 1 và cấp đặc biệt, đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án. Tính đến nay trên toàn tuyến (11 dự án) đã có trên 92% mặt bằng sạch được bàn giao và giải ngân giải phóng mặt bằng đạt trên 87%, riêng dự án Mai Sơn - QL45 cũng đã bàn giao 92% mặt bằng và giải ngân đạt gần 90%.

Đại diện các nhà thầu thực hiện dự án, Đại tá Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Công ty 319 - Bộ Quốc phòng cam kết, sẽ huy động tối đa nhân, vật lực, tập trung cao độ để đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ được giao.

Đại diện nhà thầu Tổng công ty 319 cam kết đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án. Ảnh: Tạ Hải

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tuyến đường bộ cao tốc qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 104,2km, thuộc 3 dự án thành phần Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Việc khởi công dự án sẽ tạo cơ hội để nhiều dự án lớn triển khai đầu tư như: các dự án đầu tư phát triển du lịch, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, nâng cấp CHK Thọ Xuân, Cảng nước sâu Nghi Sơn, các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh.

"Để đảm bảo tiến độ thi công đường cao tốc đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết tạo điều kiện tối đa về các điều kiện mặt bằng, vật liệu, an ninh trật tự để các nhà thầu thi công thuận lợi. Đồng thời để phát huy hiệu quả đường cao tốc, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai các tuyến đường kết nối các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế và cảng biển với các nút giao đường cao tốc", ông Xứng cho biết thêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Tạ Hải

Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 dài 63,37km đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Điểm đầu tuyến (Km 274+111,86) tại nút giao với Đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Điểm cuối (Km 337+478,11) tại nút giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân (trùng với điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn QL45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế với vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.

Đại diện Bộ GTVT, Ban Quản lý Thăng Long sẽ quản lý, thực hiện dự án. Đơn vị thực hiện thi công là liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH Định An.

Được biết, ngoài dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, còn có 2 dự án khác cũng được Bộ GTVT phối hợp với các địa phương đồng loạt khởi công vào ngày 30/9/2020 gồm: Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Xã Vĩnh Hảo, Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây tại xã Hàng Gòn, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Theo Báo Giao Thông