Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiểm tra thực tế công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Cùng đi với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to đến rất to, kèm theo đó là dông lốc và cả triều cường dâng đã gây ra thiệt hại về sản xuất, nhà cửa người dân cũng như sạt lở tại nhiều khu vực trên đê biển Tây.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở tại khu vực Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây.

Theo đó, đoàn đã đến kiểm tra công tác hộ đê tại khu vực Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây. Đây là khu vực đê không còn rừng phòng hộ, sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê. Những ngày qua, do sóng lớn kết hợp với triều cường đã xảy ra tình trạng sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, cũng như nước biển đã tràn qua mặt đê với chiều dài khoảng 300 m, nguy cơ vỡ đê cao. Hiện tại khu vực này đang được huy động lực lượng, trang thiết bị và phương tiện để tiến hành hộ đê.

Không chỉ có khu vực Đá Bạc, nhiều đoạn trên tuyến đê biển Tây hiện đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, thậm chí nhiều đoạn sạt lở đã tới chân đê, uy hiếp trực tiếp đến an toàn đê.

Nhiều lực lượng đã được huy động để hộ đê khu vực sạt lở nghiêm trọng tại Đá Bạc.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải cùng đoàn công tác còn đến kiểm tra diện tích lúa của người dân ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây bị ảnh hưởng bởi mưa dông những ngày qua. Tại đây có hơn 80 ha lúa của người dân đang chuẩn bị thu hoạch và mới trổ bông bị sập. Nhiều bà con đã tiến hành bơm khô để chuẩn bị thu hoạch, hạn chế thiệt hại.

Sau khi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải yêu cầu chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, lực lượng công an, quân đội giúp đỡ bà con nhân dân để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Đồng thời, thống kê, kiểm đếm thiệt hại để kịp thời hỗ trợ cho các hộ dân đúng theo quy định, giúp bà con yên tâm ổn định cuộc sống.

“Từ đây đến cuối năm sẽ tiếp tục còn nhiều cơn bão cũng như áp thấp nhiệt đới. Do đó, các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn bà con nhân dân biết giải pháp phòng tránh. Tại những khu vực có nguy cơ, cần có kế hoạch di dời bà con cũng như tiếp tục hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố đê bao nhằm hạn chế tối đa thiệt hại”, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.

Nhiều diện tích lúa của người dân đang chuẩn bị thu hoạch bị sập do ảnh hưởng của mưa lớn và dông những ngày qua.

Chiều cùng ngày, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Nhung và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến thăm hỗ trợ, động viên hộ dân bị sập nhà do ảnh hưởng của mưa, dông ở xã Tân Hưng và xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước.

Theo thông tin từ UBND huyện Cái Nước, từ ngày 9-12/7 trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm sập 32 căn nhà (sập hoàn toàn 12 căn, sập một phần 20 căn) và tốc mái 212 căn. Ước tổng thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Nhung (bìa phải) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân ân cần thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình ông Nguyễn Văn Cút, ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng.

Đến nay, lãnh đạo UBND huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các địa phương đã đến từng đơn vị xã, thị trấn xác minh thiệt hại và hỗ trợ hộ có nhà sập hoàn toàn mỗi hộ 2 triệu đồng, đồng thời động viên, huy động nhân dân cùng góp sức hỗ trợ, khắc phục hậu quả.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Nhung và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân thăm hỗ trợ, động viên ông Nguyễn Văn Sáng ở ấp Lợi Đông, xã Hòa Mỹ. Căn nhà của ông Sáng vừa hoàn thành thì bị dông làm sập hoàn toàn, thiệt hại 200 triệu đồng.

Đến thăm các hộ dân có nhà bị sập, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Nhung và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân ân cần động viên bà con vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở UBND các xã, thị trấn ở huyện Cái Nước tiếp tục rà soát các trường hợp nhà sập và tốc mái; tiếp tục tổng hợp và tổ chức đi thăm hỏi, động viên bà con. Đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu nơi trú ngụ.

Cũng trong chiều ngày 13/7, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai trên địa bàn huyện Đầm Dơi.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải (thứ 3 từ phải sang) thăm và hỗ trợ 2 hộ gia đình tại ấp Vàm Đồng, xã Nguyễn Huân bị thiệt hại nặng do thiên tai.

Theo báo cáo của UBND huyện Đầm Dơi, từ đêm ngày 9 đến sáng ngày 13/7, trên địa bàn huyện thiên tai đã làm sập hoàn toàn 26 căn nhà; tốc mái, hư hỏng 321 căn; thiệt hại 1 ha rau màu; sập 2 cây cầu; sạt lở lộ giao thông tuyến ấp Tân Thành Lập, xã Tân Đức lộ dal dài khoảng 25 m và một số công trình, vật liệu kiến trúc khác; sạt lở tuyến lộ khu dân cư Hiệp Bình, xã Tân Đức chiều dài khoảng 150 m; sạt lở lộ giao thông tuyến Cả Bẹ, xã Nguyễn Huân chiều dài 20 m, làm sạt lở 3 căn nhà của 2 hộ nghèo. Ước tổng thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

Tính chung từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 60 vụ thiên tai làm sập hoàn toàn 39 căn nhà; tốc mái, hư hỏng 339 căn; làm sụp 3 cây cầu bê tông, thiệt hại 493 m lộ, 648,7 tấn muối đang trong giai đoạn thu hoạch. Ước tổng thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.

Trên địa bàn huyện Đầm Dơi, từ đầu năm đến nay thiên tai đã gây thiệt hại hơn 400 m lộ giao thông.

Sau khi kiểm tra thực tế, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải lưu ý địa phương cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra khu vực cửa sông, cửa biển những nơi có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo và gắn biển cảnh báo...,  thông tin, tuyên truyền đến người dân biết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đối với các hộ thiệt hại những ngày gần đây, địa phương cần nắm chắc tình hình từng hoàn cảnh để từ đó có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Đoàn công tác cũng đã đến thăm và hỗ trợ tiền mặt cho một số hộ thiệt hại do thiên tai tại 2 xã Tân Dân và Nguyễn Huân nhằm giúp một phần nào cho bà con sớm ổn định cuộc sống.


Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chiều ngày 13/7, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh, thiên tai làm 2 tàu cá và 6 phương tiện khai thác thủy sản ven bờ bị chìm; 1 người chết; 1 người bị thương; 81 vị trí ven sông bị sạt lở với tổng chiều dài 1.728m (trong đó có 484 m lộ bê tông); 1.163 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng (trong đó: sập 158 căn; tốc mái 981 căn; hư hỏng 24 căn); sập 3 cây cầu bê tông; ngã đổ 23 cây gỗ lớn, 18 trụ điện; ngập tràn 0,56 ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh; thiệt hại 168 ha muối; sập 695 ha lúa và ngập 765 căn nhà... Ước tổng thiệt hại về tài sản hơn 14,7 tỷ đồng.

Theo Báo Cà Mau