Đây là lần thứ tư ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng. Quy định này sẽ tác động ra sao đến thị trường?
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực mua bán ô tô, anh Nguyễn Văn Kiên ( Hà Nội) nhận định, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người dân có thể sở hữu phương tiện cá nhân. Do đó, thị trường ô tô nội địa sẽ nóng dần lên, dù thời gian ưu đãi lệ phí trước bạ giảm 1 nửa so với 3 lần trước đây:
"Đây là chính sách của Chính phủ nhằm kích thích thị trường ô tô mới và ô tô cũ. Cá nhân tôi đánh giá rất hiệu quả. Trước đó, chúng ta đã có 3 đợt giảm lệ phí trước bạ, những lần đó thị trường đều rất sôi động, đặc biệt là những hãng xe lắp ráp trong nước được hưởng chính sách này.
Các khách hàng đặt mua ở thời điểm giáp ranh, khi hãng vừa khuyến mại, lại chờ thêm được hưởng giảm 50% phí trước bạ từ phía Chính phủ thì được lãi kép. Đây là tín hiệu tích cực cho cả thị trường xe mới và xe cũ. Nửa cuối năm 2024, rất nhiều hãng sẽ ra các mẫu xe mới để cạnh tranh. Đây là thời điểm thích hợp để kích cầu thị trường ô tô".
Ảnh minh họa
Không chỉ kích cầu mua sắm, chính sách này còn tạo động lực cho doanh số bán hàng trong giai đoạn cuối năm, khi thị trường mua sắm sôi động. Ông Hoàng Đức Hùng – Giám đốc Đại lý Mercedes Haxaco Láng Hạ nói về những tác động tích cực mà chính sách mang lại:
"Đại lý của chúng tôi sẽ không phải giảm giá quá nhiều để bán xe. Như Merz có 16 đại lý trên cả nước, ở Hà Nội thì có 3-4 đại lý. Việc giảm như thế đồng nghĩa với việc có nhiều khách hàng hơn và khi có nhiều khách hàng hơn thì việc giảm giá trực tiếp vào giá xe do đại lý trực tiếp giảm cho khách sẽ giảm bớt gánh nặng đi rất nhiều vì chính phủ đã hỗ trợ một phần cho khách hàng rồi. Điều đó cũng đồng nghĩa một phần là lợi nhuận của công ty cũng tăng hơn".
Đây là năm thứ 4 ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng. Trước đó, lần đầu tiên là từ nửa cuối năm 2020, sau đó là tháng 12/2021, tháng 5/2022 và lần gần nhất là nửa cuối năm 2023. Các lần giảm phí này đều kéo dài 6 tháng. Lý giải về lí do rút ngắn thời gian giảm lệ phí trước bạ còn một nửa, luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch công ty luật SBLAW cho biết:
"Do ba tháng cuối là cái thời điểm mà mua sắm sôi động trong năm và cái thời điểm ba tháng cuối năm vừa bước qua cái tháng bảy âm lịch và đi vào cái chu kỳ mua sắm cuối năm tăng cao và việc giảm cái chi phí trước bạ vào cái khoảng thời gian này thì giúp kích thích tiêu dùng vào cái thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao nhất trong năm và cái khoảng thời gian giảm ngắn tạo ra cái sự khẩn trương cũng như là thúc đẩy người tiêu dùng ra quyết định mua xe nhanh hơn từ đó giúp thị trường hồi phục nhanh ở trong ngắn hạn".
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, theo TS. Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại, Bộ Công Thương đánh giá, việc áp dụng giảm lệ phí trước bạ cần được áp dụng hiệu quả, tránh lạm dụng bởi đây chỉ là biện pháp kích cầu mang tính thời điểm:
"Nếu như chúng ta vẫn tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với yếu tố lắp ráp trong nước thì theo quy định của WTO và các FTA, chúng ta cũng phải giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu. Nhưng mà điều này sẽ khiến cho ô tô nhập khẩu tăng mạnh, gây khó khăn cho ngành sản xuất ô tô trong nước.
Do đó, thay vì các chính sách kích cầu ngắn hạn như vậy, theo tôi là chúng ta nên có các phương án chính sách dài hơn, bền vững hơn, thúc đẩy ngành sản xuất ô tô được lâu dài hơn.
Thứ nhất là Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô. Từ đó gia tăng được sản xuất các linh phụ kiện ở trong nước, tăng được tỷ lệ nội địa hóa và từ đó giảm được giá xe sản xuất trong nước. Chính sách thứ hai là chúng ta cần cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay tương đối cao, nó sẽ giúp hạ giá ô tô".
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể khiến ngân sách nhà nước giảm trung bình khoảng 867 tỷ đồng mỗi tháng, tương đương với mức giảm đã được quy định trong Nghị định số 41 năm 2023.
Tuy nhiên, việc giảm chi phí ban đầu cho người tiêu dùng sẽ tạo ra một hiệu ứng lan tỏa lớn, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm, thúc đẩy sản xuất và tạo ra nhiều việc làm.
Theo VOV giao thông