Điển hình như nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc - BYD, đã tăng giá xe xuất khẩu đáng kể so với mức giá bán trong nước, thay vì giảm giá thấp hơn các đối thủ nước ngoài.
Theo Reuters, mục tiêu của các thương hiệu Trung Quốc là thu về tỷ suất lợi nhuận mà các hãng không thể có được ở thị trường quê nhà, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Tại một số shoroom nước ngoài, BYD tính phí cao hơn gấp đôi, đôi khi gần gấp ba so với mức giá bán tại Trung Quốc, theo đánh giá của Reuters tại 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hãng.
Ví dụ như mẫu BYD Atto 3 tại Trung Quốc, phiên bản tầm trung được bán với giá 19.283 USD (~488 triệu VNĐ). Trong khi đó tại Đức, mẫu crossover điện cỡ nhỏ này có giá 42.789 USD (~1,08 tỷ VNĐ), vẫn rẻ hơn so với một số mẫu xe cùng loại ở Đức.
BYD hiện chưa đưa ra bình luận gì về việc này. Hồi tháng 3 vừa qua, Chủ tịch công ty Wang Chuangfu của BYD đã nói với các nhà đầu tư trong một cuộc họp riêng rằng hãng kỳ vọng xuất khẩu sẽ giúp tăng lợi nhuận trong năm nay khi cuộc chiến giá cả trong nước đè nặng lên lợi nhuận của công ty.
Nhiều nhà sản xuất ô tô khác cũng đang áp dụng chiến lược tương tự BYD.
Thông thường, các nhà sản xuất ô tô sẽ tính các mức giá hơi khác nhau khi xuất khẩu các phiên bản giống nhau hoặc tương tự của một mẫu xe. Tuy nhiên, Sam Fiorani - Phó chủ tịch của công ty nghiên cứu thị trường AutoForecast Solutions, cho biết quy mô tăng phí của BYD đối với thị trường nước ngoài là rất hiếm.
Mức tăng xuất khẩu của BYD cũng nhấn mạnh lợi thế giá cả mà xe điện của Trung Quốc có được so với các đối thủ nước ngoài. Theo Reuters, BYD đã siết chặt chi phí ở mọi khâu sản xuất, từ nguyên liệu thô đến pin, đất đai và nhân công. Ngoài ra, Bắc Kinh đã trợ cấp rất nhiều cho cả các thương hiệu trong và ngoài nước bán xe điện tại Trung Quốc, nơi xe điện và plug-in hybrid chiếm hơn 1/3 tổng doanh số bán ô tô mới vào năm ngoái.
Lợi thế chi phí này khiến các đối thủ nước ngoài lo lắng. Một số nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu đang kêu gọi áp dụng mức thuế cao hơn đối với xe điện Trung Quốc.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thường bán xe với giá thấp hơn các thương hiệu châu Âu, dù trang bị tiêu chuẩn cho xe những tính năng thường chỉ có trên các mẫu xe đắt tiền hơn đến từ các nhà sản xuất truyền thống.
Theo nghiên cứu của A2MAC1 - Công ty chuyên tháo rời ô tô để các nhà sản xuất ô tô đánh giá sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, mẫu xe Dolphin được bán ở Châu Âu với giá khoảng 35.000 USD (~887 triệu VNĐ), trong khi đó tại Trung Quốc được bán với giá khoảng 15.000 USD (~380 triệu VNĐ).
Tại Châu Âu, mẫu xe Dolphin dài hơn một chút và có các tính năng bổ sung, bao gồm pin lớn hơn một chút, hệ thống treo thoải mái hơn và các cảm biến bổ sung. Tuy nhiên, tính đến những nâng cấp đó, cùng với thuế vận chuyển và nhập khẩu, A2MAC1 ước tính tỷ suất lợi nhuận của BYD đối với ô tô châu Âu cao hơn khoảng 7.400 USD (~187 triệu VNĐ) so với lợi nhuận mà hãng này thu được trên cùng một chiếc ô tô ở Trung Quốc.
BYD có lợi thế hơn các nhà sản xuất ô tô truyền thống nhờ chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc. Họ tự sản xuất gần như tất cả các bộ phận của ô tô thay vì chuyển chúng cho các nhà cung cấp.
Giảm chi phí pin - thành phần đắt nhất của xe điện - là chìa khóa. Dữ liệu do công ty nghiên cứu thị trường Benchmark Mineral Intelligence cung cấp cho Reuters cho thấy giá pin ở Trung Quốc trong năm nay thấp hơn khoảng 18% so với ở châu Âu.
Nhà phân tích Roman Aubry của Benchmark cho biết, một công ty như BYD - tự sản xuất pin - có thể đàm phán để nâng hoặc hạ giá hơn nữa trong chuỗi cung ứng, trong khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc còn được hưởng lợi từ việc sử dụng đất do nhà nước hỗ trợ, điện và nhân công giá rẻ. Điều đó có nghĩa là vốn đầu tư vào mỗi chiếc xe của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các thương hiệu lâu đời của châu Âu, do đó mà giá xe cũng rẻ hơn.
Theo xehay.vn