Cùng với những người lính Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các cán bộ chiến sĩ, nhân viên ngành GTVT đã cống hiến sức lực, xương máu và tuổi xuân của mình để để mở đường Trường Sơn dưới mưa bom Hôm nay đây, chúng ta đang viết tiếp bản hùng ca Trường Sơn năm xưa để xây dựng những tuyến đường Hồ Chí Minh hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Con đường huyền thoại
Khi cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giao thông liên lạc, việc chi viện từ Bắc vào Nam. Đầu tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch giao cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở tuyến giao liên và vận tải, đưa cán bộ, vũ khí và những hàng hóa cần thiết vào miền Nam. Đồng chí Võ Bẩm được giao nhiệm vụ tổ chức và phụ trách Đoàn 559 đầu tiên, mở đường vận tải vào miền Nam.
Sau một thời gian nghiên cứu mở đường và nắm bắt tình hình, Đoàn đã tổ chức được những tuyến đường gùi, thồ đưa vũ khí, lương thực... chi viện đầu tiên cho mặt trận. Làng Ho, rồi Phong Nha nơi tập kết hàng nghìn chiếc xe đạp Phượng Hoàng Vĩnh Cửu một thời là nơi xuất phát của các đoàn gùi thồ lúc đó... Việc sử dụng xe cơ giới vận chuyển từng đoạn cũng được Đoàn 559 thực hiện sau khi con đường từ Bản Đông đến Mường Noòng (Nam đường số 9) được khôi phục. Tính đến cuối năm 1964, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 vận tải quân sự đã xây dựng được 781km đường ô tô, trên 600km đường giao liên và gùi thồ. Đã hình thành mạng lưới đường vận tải từ Đông sang Tây Trường Sơn với hệ thống 3 đường song song: Đường giao liên, đường vận tải gùi thồ và đường vận tải cơ giới bao gồm trục đường chính và các đường nhánh đi vào chiến trường.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định là mở con đường mới xuyên từ Đông sang Tây Trường Sơn để khắc phục việc ách tắc vào mùa mưa và túi nước Xiêng Phan. Vì vậy, khu vực Phong Nha, Ta Lê được coi là mục tiêu trong tầm ngắm. Mở đường ở vị trí này “húc” vào dãy núi đá tai mèo, đó là một thách thức lớn. Nhưng bằng tất cả trí thông minh và lòng quả cảm con đường 20 - Quyết Thắng được mở với tên chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”, một sự kiện chưa từng có từ trước tới nay: Vừa thiết kế, vừa thi công kết hợp thủ công với cơ giới. Để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, nhằm thi công con đường 20 Quyết Thắng trong thời gian cho phép là 4 tháng, Bộ GTVT đã điều lực lượng cơ giới mạnh nhất để mở đường. Đường 20 - Quyết Thắng cũng là con đường được hoàn thành nhanh nhất, có ý nghĩa chiến lược quan trọng của hệ thống đường mang tên Bác.
Suốt 16 năm chiến đấu, Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 16.700km đường dã chiến các loại, trong đó có: 6.800km đường trục dọc, 5.000km đường ngang và 5.000km đường vòng tránh, 800 km đường kính được ngụy trang bằng tán rừng tự nhiên; 1.500km đường đá; trên 200 km đường nhựa; 500km đường sông; 3.500km đường đi bộ; trên 1.500km đường ống dẫn xǎng dầu.
Đường Hồ Chí Minh hôm nay
Trong chiến tranh hay trong thời bình, GTVT đều đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của GTVT, ngay từ những năm đầu đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển GTVT, để GTVT đi trước một bước tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Và trong chủ trương đầu tư phát triển GTVT, Chính phủ đã quan tâm trước hết đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh - trục dọc “xương sống” thứ hai của đất nước - bởi đây sẽ biểu tượng của thời kỷ đổi mới đất nước.
Tại báo cáo số 1313/CP-CN ngày 15/12/1999 của Chính phủ trình Bộ Chính trị, đã khẳng định: “Việc xây dựng một trục đường bộ xuyên Việt thứ hai là rất cần thiết và cần thực hiện sớm. Tuyến đường này sẽ là một trục Bắc - Nam chủ yếu trong tương lai. Tuyến đường này cùng với hệ thống gồm 63 đường ngang, trong đó có các trục hành lang Đông - Tây nối liền với QLl và hệ thống cảng biển, tạo nên một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước trong khu vực. Nhiều đoạn trên tuyến sẽ hỗ trợ đắc lực để giải quyết ách tắc giao thông trên QL1 trong mùa mưa lũ, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Hệ thống giao thông này phát huy tối đa năng lực vận tải của các tuyến đường hiện có do nhiều thế hệ đã dày công xây dựng. Trục đường bộ Bắc - Nam thứ hai là hành lang phía Tây, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố an ninh quốc phòng, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay.
Ngày 05/4/2000, dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) được phát lệnh khởi công tại cầu Xuân Sơn (Quảng Bình), bắt đầu mở ra một huyền thoại mới cho đường Trường Sơn lịch sử. Thời khắc đó, tất cả người dân cả nước đều trong tâm trạng hồi hộp ngóng chờ như đất nước chuẩn bị viết lên một trang sử mới. Và đến ngày 30/4/2008, sau gần 3.000 ngày đêm của 8 năm đằng đẵng qua, hàng ngàn, hàng vạn công nhân cầu đường không quản nắng, gió Trường Sơn, đổ mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu của mình phá đá mở đường. Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (Hà Tây cũ) đến Tân Cảnh (Kon Tum) (chiều dài gần 1.300km) chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng, khai thông một trục dọc Bắc - Nam mới, mở ra một giai đoạn phát triển mới. Huyền thoại xưa đã tiếp thêm sức mạnh cho hôm nay, để đường Trường Sơn xưa đã trở thành đường Hồ Chí Minh với tất cả sự hùng vĩ và hiện đại. Đối với một số tỉnh nơi tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua dường như đã thổi vào cuộc sống, động lức phát triển cất cánh cùng cả nước đi lên.
Tiếp đến, ngày 20/9/2008, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã làm lễ khởi công điểm đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Pác Bó - Cao Bằng tại khu di tích lịch sử Pác Bó (huyện Hà Quảng, Cao Bằng). Đây là đoạn đầu tiên của đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 được khởi công xây dựng cùng với nhiều đoạn khác đã được khởi công trong năm 2008. Đầu năm 2013, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước được khởi công, sau hơn 1,5 năm, đến tháng 6/2015, Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước đã hoàn thành, vượt tiến độ 18 tháng so với yêu cầu của Quốc hội. Với việc đưa dự án sớm khai thác trước 1,5 năm đã tiết kiệm được trên 4.000 tỷ đồng, thời gian lưu thông từ Tây Nguyên xuống TP. Hồ Chí Minh rút ngắn 1/3 thời gian. Đặc biệt dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả vùng Tây Nguyên và kết nối với khu vực Đông Nam bộ và các khu vực khác.
Khi mà đường Hồ Chí Minh hiện đại đã được thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) thì hai bên đường những xóm làng đã mọc lên, cuộc sống đã hiện ra với những sắc màù rộn rã. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một “con đường huyền thoại”, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại trong thế kỷ XX và công đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay để đất nước cất cánh.
Theo tapchigiaothong.vn