Vai trò của người phụ nữ, trách nhiệm của người đàn ông

Chúng ta đều biết, từ nhiều năm nay pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm hành vi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong cơ thể có chất kích thích và nồng độ cồn vượt mức cho phép. Từ năm 1995 đến nay, các văn bản pháp luật liên tục được hoàn thiện, đặc biệt có những thay đổi lớn kể từ năm 2011 trở lại đây. Các cơ quan truyền thông đại chúng cũng không ngừng tuyên truyền tác hại của rượu bia đến sức khỏe con người cũng như những hệ lụy khôn lường khi tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia. Nhưng thực tế, hàng ngày chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến cảnh cánh mày râu mặt đỏ tía tai đi từ các quán bia, nhà hàng “đánh võng” trên đường, chứng kiến những vụ việc “trời ơi đất hỡi” dừng xe ngủ giữa đường vì quá say và hơn hết là những cái chết thương tâm do những ma men gây ra.

Kỳ lạ thay, mặc dù các cơ quan truyền thông đã phản ánh, tuyên truyền nhiều như vậy nhưng mọi chuyện đâu vẫn hoàn đó, say thì cứ say còn lái xe thì vẫn lái, đặc biệt là các nam giới. Để thay đổi thói quen này, nếu chỉ các cơ quan truyền thông đại chúng nỗ lực thì không đủ mà phải bắt đầu từ ngay trong gia đình mỗi người, bởi gia đình là nơi tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới mỗi con người.

Chúng ta đều biết, phụ nữ có vai trò đặc biệt trong thực hiện chức năng của gia đình. Để xây dựng gia đình hạnh phúc cũng như xây dựng văn hóa giao thông, tuyên truyền tác hại của rượu bia trong gia đình thì nên bắt đầu từ người phụ nữ. Bởi lẽ, với sự dịu dàng, lời lẽ thủ thỉ nhẹ nhàng, người phụ nữ sẽ là một “tuyên truyền viên” tích cực trong việc phân tích và chia sẻ về tác hại của rượu bia trước hết là với chồng mình, sau đó là tới các thành viên gia đình ngay trong những bữa cơm đầm ấm hay lúc nghỉ ngơi quây quần bên nhau.

Bên cạnh là một “tuyên truyền viên” tích cực trong gia đình, người phụ nữ còn có thể giúp chồng mình dần thay đổi những thói quen lái xe sau khi uống rượu bia. Đơn cử nếu người phụ nữ tham gia tiệc cùng chồng, khi người đàn ông đã sử dụng nhiều rượu bia, người phụ nữ có thể lái xe đưa chồng về, cương quyết không để chồng lái xe hay ngồi sau tay lái chồng khi chồng đã uống rượu bia. Để thực hiện được điều này, ban đầu sẽ gặp không ít khó khăn vì từ xưa tới nay lái xe luôn là việc của đàn ông, sẽ chẳng có ông chồng nào chịu để vợ đèo về nhất là khi trong người đã có hơi men. Tuy nhiên, với sự cương quyết và quyết tâm của người phụ nữ thì thói quen này có lẽ sẽ dần được thay đổi theo thời gian.

Tiếp đến là từ phía người đàn ông. Từ xưa đến nay, trong văn hóa truyền thống Việt Nam, người đàn ông luôn là trụ cột vững chắc của gia đình, là người chèo lái, là “chủ” gia đình. Tuy nhiên, là đàn ông hiếm có người không thích bù khú bạn bè, nói dóc dăm ba câu chuyện hay vì công việc, tiếp khách xã giao mà phải uống rượu bia. Nhưng uống như thế nào thì lại phụ thuộc vào bản lĩnh của người đàn ông. Trong xã hội hiện nay, người đàn ông bản lĩnh là biết điểm dừng của mình, dám từ chối uống rượu bia trên bàn nhậu. Để có động lực thực hiện điều này, người đàn ông nên nhớ rằng đằng sau mỗi chén rượu, mỗi ly bia là cả gia đình đang ngóng chờ, từ đó mỗi người tự ý thức uống sao cho có trách nhiệm.

Xây dựng văn hóa cho con trẻ

Văn hóa không tự dưng mà có, nó phải được hình thành trong một khoảng thời gian dài. Văn hóa giao thông cũng vậy, nó phải được giáo dục, nuôi dưỡng ngay từ nhỏ và sẽ dần trở thành ý thức khi lớn lên.

Việc giáo dục ATGT, xây dựng văn hóa giao thông và kỹ năng đã uống rượu bia thì không lái xe cho các em nhỏ ngoài trách nhiệm của nhà trường, xã hội thì vai trò của gia đình vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Cha mẹ có chấp hành tốt quy định, luật pháp về ATGT thì con cái mới có gương sáng làm theo.

Gia đình được ví như là trường học đầu tiên và vô cùng quan trọng cho trẻ em về việc tham gia giao thông. Những kiến thức các em học được từ bố mẹ trong những năm đầu đời sẽ hằn sâu và theo suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, trẻ em cũng cần được gia đình giáo dục tốt trong kỹ năng lái xe an toàn, không uống rượu bia hay ngồi sau tay lái những người đã sử dụng rượu bia để hình thành tư tưởng không tùy tiện, tham gia chấp hành tốt quy định, pháp luật giao thông.

Ngoài ra, gia đình là nơi trực tiếp giám sát, quản lý con em và cùng với nhà trường thực hiện các nội dung giáo dục giúp cho trẻ có những định hướng giá trị đúng trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, không có cơ quan, tổ chức, nhà trường nào thực hiện giám sát và quản lý trẻ tốt hơn bằng chính gia đình của các em

Theo Tạp chí GTVT