Kỳ 1: Từ vùng trũng cao tốc...

Với tiến độ hiện tại, chỉ 2 năm nữa, hàng loạt dự án sẽ về đích, hứa hẹn tạo đột phá cho cả khu vực và từng địa phương.

Chủ trương phù hợp tình hình cấp bách

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận đã thông xe từ ngày 19/5 Ảnh: Tạ Hải

Ngày 19/5, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thông xe. Lần đầu tiên, miền Nam có một đường cao tốc liên tục dài trên 250km từ TP.HCM xuyên qua Dầu Giây, Phan Thiết ra thẳng tới vùng biển Vĩnh Hảo, giáp Phan Rang (Ninh Thuận).

Trước đó, ngày 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Phát biểu tại buổi lễ Thủ tướng cho biết: “Chỉ trong 2 năm, ngành GTVT đã làm nên một kỳ công”.

Đó thực sự là một kỳ công, bởi để tạo nên thành quả ấy, là nhờ sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc rất kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, là quyết tâm vượt mọi khó khăn của ngành GTVT và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Vào tháng 6/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng.

Báo cáo trước Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khi đó cho biết, một số ý kiến không tán thành vì lo ngại việc sử dụng vốn ngân sách lớn sẽ dẫn đến tăng nợ công.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó cần chuyển đổi sang đầu tư công.

Đối với hai dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, việc chuyển đổi là cấp bách nhằm sớm giải quyết nhu cầu giao thông lớn.

Hai dự án này đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động vốn ngoài ngân sách lớn, việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn. Vì thế, việc chuyển đổi sẽ bảo đảm khả năng thành công cao hơn cho các dự án.

Từ đó, loạt dự án trọng điểm tại phía Nam đã được khơi thông thủ tục như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo; Mỹ Thuận - Cần Thơ); cầu Mỹ Thuận 2; cầu Rạch Miễu 2…

Không chỉ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công, cơ hội phát triển còn mở ra cho các tập đoàn, nhà thầu thi công khi Chính phủ chấp thuận cho phép đấu thầu trong nước thay vì dự kiến tổ chức đấu thầu quốc tế.

Tất cả xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để nhanh chóng phát triển mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế khu vực phía Nam.

Những tháng ngày vượt khó

Dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã cho xe chạy từ ngày 19/5 nhưng đến nay, ông Nguyễn Công Ý, Giám đốc điều hành gói thầu XL4 của Vinaconex vẫn chưa về nhà thăm vợ con.

Tháng 9/2020, các dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn – Quốc lộ 45 khởi công. Ngay sau đó là hàng loạt vấn đề phát sinh như “bão giá” nguyên vật liệu, đại dịch Covid-19, thiếu nguồn đất đắp… đã làm ảnh hưởng rất lớn tiến độ các dự án. Trong đó hai dự án Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết phải “trảm tướng” giữa chừng.

Bộ GTVT đã quyết liệt trong việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cũng như giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án. Từ đó, chỉ trong vòng hơn 2 năm qua, hàng loạt dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành, đưa vào khai thác, làm thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Nam.
Đây là thời kỳ “2 năm bằng 20 năm”, cho thấy sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của toàn ngành giao thông.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế


“Gói thầu XL4 có giá trị hơn 3.300 tỷ đồng kể cả trượt giá, sau khi tính chúng tôi lỗ 28%, toàn dự án nhà thầu nào cũng lỗ, quản trị tốt cũng lỗ ít nhất 25%”, ông Ý kể.

Đến nay ông Ý vẫn nhớ như in những ngày chạy như con thoi để giải quyết những vấn đề của gói thầu.

Gian nan nhất là đầu năm 2021, khi dự án bắt tay vào triển khai thì đại dịch Covid-19 ập tới. Công trường hơn 500 người nhưng có thời điểm hết một nửa phải cách ly tập trung.

Đại dịch qua đi là khó khăn về vật liệu đất đắp nối tiếp. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để có cơ chế đặc thù cấp vật liệu cho cao tốc nhưng quá trình nhà thầu đi đàm phán để mua mỏ vật liệu không hề đơn giản.

“Có những mỏ như Hàm Trí, Lâm Giang… chúng tôi đi lên đi về mấy tháng để đàm phán với chủ đất. Họ lắc đầu. Cả đội quay sang vận động vợ con, ông bà. Có khu đất là sở hữu của nhiều người con, phải đi gặp từng người để đàm phán. Xong rồi phải qua 18 bước thủ tục mất nửaa năm trời mới có đất”, ông Ý nhớ lại.

Dù vậy nhưng trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết suốt 2 năm qua chưa bao giờ vắng bóng công nhân, máy móc thiết bị.

Thế nhưng, khi vấn đề đất đắp mới giải quyết được một phần thì “bão” giá vật liệu ập đến. Giá cả tăng gấp nhiều lần, không ít nhà thầu đuối. “Những thầu phụ như New Sun, đối tác như Vinaconex E&C tài chính bị hụt, không đủ tiền mua vật tư. Chúng tôi phải làm mọi cách để nhà thầu có tiền mua vật tư”, ông Ý kể.

Tháng 11/2022, PV Báo Giao thông có mặt trên công trường gói thầu XL2 và quay trở về trụ sở Ban QLDA Phan Thiết - Vĩnh Hảo lúc 23h đêm. Tất cả các phòng làm việc vẫn sáng đèn. Từ hành lang nhà ăn tập thể đến vào mỗi phòng ngủ đều là các bảng tiến độ các gói thầu.

Khuôn mặt gầy sọp, tóc bù xù, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo (Ban QLDA 7) vừa bỏ đũa bữa tối muộn đã vội vã ký nghiệm thu khối lượng cho một nhà thầu.

“Chỉ cần nhà thầu có khối lượng là cán bộ kỹ thuật của Ban kiểm tra, ký nghiệm thu ngay để kịp thanh toán. Thanh toán nhanh thì nhà thầu mới có tiền để mua vật tư, vật liệu vào công trường”, ông Huy kể.

Quyết tâm của người mở đường

Những ngày đầu tháng 6/2023, không khí thi đua lao động trên công trường cầu Mỹ Thuận 2 rất khẩn trương. Đây là dự án cầu dây văng lớn nhất, hoàn toàn do các kỹ sư, nhà thầu Việt Nam thực hiện, nguồn vốn ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Quân, Chỉ huy trưởng nhà thầu Trung Nam cho biết, đã nhiều tháng nay không về nhà vì khối lượng công việc rất lớn.

Chỉ vào bảng kế hoạch tiến độ được tô các màu xanh đỏ khác nhau, ông Quân cho biết, đầu tháng 9 sẽ hợp long 2 nhịp biên, cuối tháng 11 hợp long nhịp chính và hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2023.

“Hàng trăm kỹ sư, công nhân, thi công 3 ca liên tục để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch”, ông Quân nói.

Ngay sát gần đó, các nhà thầu thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đang tất bật thi công lớp cấp phối đá dăm sau khi đã dỡ tải những đoạn vừa hết lún. Tất cả đang chạy đua với thời gian bởi khối lượng công việc còn khá nhiều.

Theo lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, dù khó khăn chồng chất nhưng vạch đích đã kẻ, các nhà thầu dốc toàn lực để không lỡ hẹn vào cuối năm 2023 như chỉ đạo của Chính phủ.

Trong khi đó, các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau cũng đang tăng tốc về đích. Dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 qua An Giang đang đẩy nhanh tiến độ.

Không khí lao động trên các đại công trường cho thấy một động lực mới đang lan tỏa khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long từ quyết tâm của những người mở đường.

Trước năm 2020, cả khu vực phía Nam mới chỉ có hơn 90km cao tốc. Đến nay, con số này đã lên 346km, từ Ninh Thuận đến Cà Mau.

Trong đó bao gồm 55km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, 99km Dầu Giây - Phan Thiết, 101km Vĩnh Hảo - Phan Thiết, 40km TP.HCM - Trung Lương, 51km Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ngoài ra còn 51km tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng được khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc, chỉ cho ô tô lưu thông, cấm xe gắn máy.

Theo Báo Giao thông