Theo Viện Kinh tế Ifo, chỉ số tâm lý kinh doanh của các nhà bán lẻ xe đạp đã tăng lên mức 95 trên thang điểm 100, có nghĩa là gần như tất cả các công ty trong lĩnh vực này đều hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại.
Theo hãng tin Reuters, nhà kinh tế Klaus Wohlrabe của Ifo cho biết: “Các đại lý xe đạp đang trải qua giai đoạn thực sự bùng nổ”.
Theo khảo sát, nhiều nhà bán lẻ khác hoạt động tương đối tốt trong thời kỳ đại dịch bao gồm các cửa hàng bán đồ xây dựng và DIY (bán vật liệu để người mua về tự lắp ráp), cũng như các cửa hàng thực phẩm và bán đồ ăn chế biến sẵn.
Thua lỗ lớn nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay là các nhà bán lẻ quần áo, giày dép và các đại lý xe hơi. Ông Wohlrabe cho biết: “Đối với các đại lý xe hơi, mọi thứ đã thực sự tồi tệ trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra, và giờ đây, họ đang thoát khỏi tình trạng suy thoái do dịch bệnh một cách khá chậm chạp”.
Một người đàn ông đeo khẩu trang đạp xe trên đường phố Dresden, Đức, hôm 20/4/2020. Ảnh: Reuters
Nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã suy giảm ở mức kỷ lục trong quý 2/2020, khi chi tiêu của người tiêu dùng, đầu tư của doanh nghiệp và thương mại đều sụp đổ trong thời kỳ đỉnh dịch.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát tâm lý và dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy sự phục hồi nhanh chóng, miễn là quốc gia này có thể tránh được làn sóng lây nhiễm mới và các đợt giãn cách xã hội trên toàn quốc.
Theo trang Bangkok Post, không chỉ tại Đức mà ở nhiều quốc gia khác, như Pháp, nhu cầu đối với xe đạp, đặc biệt là các mẫu xe phổ thông và tầm trung, đang vượt quá nguồn cung, khi ngày càng nhiều người chuyển sang di chuyển bằng xe đạp trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tại Mỹ, doanh số bán xe đạp cũng tăng chóng mặt. Chỉ riêng lượng mua hàng trực tuyến trong tháng 5 đã tăng vọt 5.000% so với cùng kỳ năm 2019.
Giant, nhà sản xuất xe đạp hàng đầu thế giới có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), cũng ghi nhận doanh số bán hàng tại châu Âu tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là doanh số bán xe đạp điện.
Theo Dân Trí