Hệ thống đèn chiếu sáng trên xe Mercedes-Benz
Từ đèn khí Acetylen đến đèn LED
Buổi sơ khai của đèn pha ô tô bắt đầu từ năm 1880, khi các lái xe bắt đầu sử dụng loại đèn khí acetylene hoặc dầu hỏa để thắp sáng khi di chuyển trong điều kiện thiếu ánh sáng. So với đèn dùng dầu hỏa, loại đèn khí acetylene được sử dụng phổ biến nhất vì có khả năng chống chọi với mưa gió. Tuy nhiên, trong thời buổi giá nhiên liệu ngày càng trở nên đắt đỏ, đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô tìm tòi những giải pháp mới.
Loại đèn khí acetylene được sử dụng trên ô tô thời sơ khai
Mãi đến năm 1912, hãng Cadillac mới đưa công nghệ đèn ô tô sang một chương mới khi khởi xướng việc phát triển đèn pha điện hiện đại hơn. Loại đèn mà thương hiệu xe Mỹ phát triển có khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, vì vậy được sử dụng khá phổ biến trên những mẫu xe hơi thời bấy giờ.
Gần 40 năm sau một nhà sản xuất đèn pha tại Châu Âu lần đầu tiên giới thiệu bóng đèn pha halogen. Đây được xem là phát minh mang tính đột phá của đèn pha ô tô. Bởi tính đến nay, loại đèn này vẫn được sử dụng trên nhiều dòng ô tô phổ thông.
Khi công nghệ chế tạo ô tô sang trang mới cũng là lúc hệ thống đèn chiếu sáng cường độ cao HID, hay còn được gọi là đèn Xenon ra đời. Loại đèn này có khả năng chiếu sáng tốt hơn đèn halogen khi sử dụng gương cầu (thấu kính) làm nhiệm vụ phân phối đều ánh sáng ra trước đầu xe. Phía sau gương cầu là bóng đèn chứa khí xenon sẽ phát sáng khi có dòng điện đi qua. Mẫu xe đầu tiên được lắp loại đèn này là chiếc BMW 7-series đời 1991. Tuy nhiên, với những tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt, mãi đến năm 1996, loại đèn này mới du nhập vào thị trường Mỹ khi được lắp trên chiếc Lincoln Mark VIII.
Năm 2014, Audi đánh dấu cột mốc mới về công nghệ chiếu sang trên xe hơi khi trang bị công nghệ đèn pha LED trên mẫu xe Audi A8L. Đèn pha LED “Ma trận” của Audi có khả năng phát sáng thông minh khi không làm chói mắt xe ngược chiều dù đang ở chế độ bật pha.
Cuộc chạy đua công nghệ chiếu sáng trên ô tô
So với những năm đầu phát triển, đến nay sự phát triển vượt bậc của công nghệ cho phép đèn pha ô tô hiện đại không chỉ có khả năng tự động bật, tắt theo điều kiện ánh sáng mà còn có thể “liếc” sang 2 bên khi xe vào cua.
Bài thử nghiệm va chạm do Euro NCAP tiến hành trên chiếc Rover 100 sản xuất năm 1997 và Honda Jazz mới đã mô tả sự tiến bộ về mức độ an toàn trên những chiếc ô tô sau 20 năm.
Sự phát triển của công nghệ đèn pha cho đến những năm gần đây đã đạt được một số bước tiến đáng kể. Để cạnh tranh với Audi, BMW đã ứng dụng công nghệ đèn Laser lên mẫu xe điện tương lai i8, loại đèn này có khả năng chiếu xa đến 600 giúp người lái phán đoán và xử lý những tình huống nguy hiểm từ rất xa.
Không chịu thua kém đối thủ, Mercedes-Benz phát triển công nghệ đèn pha kỹ thuật số (Digital Light) có khả năng “chiếu” hình ảnh của biển báo hiệu xuống đường nhằm tăng khả năng tập trung cho người lái. Công nghệ này của Mercedes sử dụng 8.192 chip LED phát sáng cùng hơn 1 triệu tấm gương siêu nhỏ, tất cả được tập hợp chỉ trong 1 bộ đèn pha nhỏ gọn.
Công nghệ đèn pha kỹ thuật số - Digital Light của Mercedes-Benz
Theo cơ quan an toàn đường bộ Mỹ cho biết, hiện nay có một nửa số tai nạn chết người xảy ra vào ban đêm mặc dù vào thời gian này, số lượng xe giảm chỉ còn 25% so với ban ngày. Các con số này nói lên rằng “cuộc chiến đèn pha” giữa các nhà sản xuất ô tô sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới và độ cạnh tranh sẽ ngày càng lớn. Tất nhiên, người tiêu dùng sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất khi độ an toàn khi lái xe vào ban đêm được cải thiện cũng như giá thành sản xuất của các loại đèn như LED và Laser sẽ gần hơn với đa số người sử dụng ô tô.
Theo Báo Thanh Niên