Ban An toàn giao thông huyện Đầm Dơi phối hợp với các xã, thị trấn tập trung giải tỏa vật chướng ngại trên tuyến sông chính như Mương Điều - Đầm Dơi – Vàm Đầm – Tân Tiến và tuyến kênh Sáu Đông. Sau khi giải tỏa Ban An toàn giao thông huyện Đầm Dơi lập biên bản bàn giao lại cho chính quyền cơ sở quản lý và vận động người dân không tái chiếm lòng sông, không khai thác thủy sản ven bờ gây cản trở giao thông đường thủy.
Lực lượng làm nhiệm vụ đang giải tỏa các chướng ngại vật trên sông
Ông Võ Như Toại, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: “Để đảm bảo việc lưu thông của bà con, đối với UBND xã cũng phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở vận động bà con không tham gia vào việc cặm các vật chướng ngại trên sông cản trở giao thông trên sông”.
Trong các đợt ra quân giải tỏa chướng ngại vật trên sông lực lượng chức năng đã giải tỏa được 94 hàng đáy, trên 200 cái lú và trên 400 cây tạp các loại. Hành vi lấn chiếm luồng tuyến phổ biến là đóng đáy, đóng đáy neo, đặt lú và nhiều cọc đáy, dây đăng. Đây là cách khai thác thủy hải sản rất nguy hiểm cho các phương tiện giao thông thủy đi lại, nguy hiểm nhất là các cọc đáy, dây neo giăng nổi lềnh bềnh nhiều hướng trên mặt sông tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nhất là vào ban đêm.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phán cho biết: “Phân công cán bộ chuyên môn phối hợp với ấp giải tỏa nò, đó, vó, lú, chà, cặm chà đóng trên sông kênh rạch. Mỗi một lần đi, đầu tiên chúng tôi tuyên truyền, nhắc nhở bà con tự tháo dỡ không được tái chiếm. Bà con tự giác chấp hành khá cao”.
Ông Lâm Xuân Tuấn, Phó Trưởng Ban điều hành bến tàu xe huyện Đầm Dơi cho biết thêm: “Tổ kiểm tra liên ngành của huyện kết hợp với công an các xã thị trấn ra quân giải tỏa các vật chướng ngại trên sông, cụ thể như đáy, lú, chà, cọc. Đã qua thì đoàn đã giải tỏa được thông thoáng, giải tỏa dứt điểm và thông thoáng trên các tuyến sông, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện dễ dàng nhất là vào ban đêm”.
Phần lớn những hộ dân sống ven sông đặt lú đều là hộ nghèo, không đất, tư liệu sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do đó việc quản lý sau giải tỏa không để xảy ra tái chiếm lòng sông đang gặp rất nhiều khó khăn.
Để giúp cho người dân không còn tình trạng đặt lú đáy gây cản trở giao thông, ngoài việc tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành luật an toàn giao thông đường thủy thì các ngành, các cấp cần hỗ trợ các chính sách ưu đãi như hỗ trợ việc làm, chuyển đổi ngành nghề sản xuất có hiêu quả cho người dân. Khi cuộc sống người dân dần ổn định thì việc khai thác thủy sản ven bờ lấn chiếm lòng sông để mưu sinh sẽ không còn tái diễn, và tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy sẽ không còn.
Thành Quốc (Đài Truyền thanh Đầm Dơi)