Đồng ý về nguyên tắc đầu tư công 12 dự án thành phần
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký Văn bản 530/TB-TTKQH thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, ngày 26/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để nghe báo cáo một số nội dung lớn về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội cho rằng việc giao địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ khó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất - Ảnh minh họa
Sau khi nghe báo cáo của Bộ GTVT, ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Kiểm toán Nhà nước, ý kiến của các đại biểu tham dự, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Kinh tế , Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Kiểm toán Nhà nước và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh một số nội dung sau:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành sự cần thiết đầu tư dự án với những lý do đã nêu tại tờ trình của Chính phủ nhằm cụ thể hóa định hướng chiến lược phát triển KT-XH của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, trong đó xác định “đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và cơ quan liên quan rà soát để hoàn thiện phương án thiết kế sơ bộ của dự án, quy mô mặt cắt ngang, tiêu chuẩn kỹ thuật để lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, so sánh, làm rõ các phương án hướng tuyến để có cơ sở lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu. Làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho các dự án thành phần. Ngoài ra, trong giai đoạn triển khai cần rà soát, bổ sung các quy định về đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý về nguyên tắc có thể đầu tư toàn bộ các dự án thành phần của dự án theo hình thức đầu tư công.
“Chính phủ có giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng trong chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Đồng thời, xây dựng phương án phân bổ vốn hợp lý, ưu tiên các dự án đang triển khai giải ngân tốt, có khả năng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, vừa phát huy hiệu quả của chính sách kích thích kinh tế trong hai năm 2022-2023, vừa bảo đảm nguồn vốn để triển khai các dự án thành phần trong dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ cũng cần chỉ đạo sát sao, gắn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai dự án này, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đề ra”, thông báo nêu.
Quốc hội cũng nhất trí cao việc đầu tư 12 dự án thành phần còn lại của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông bằng hình thức đầu tư công - Ảnh minh họa
Giao Bộ GTVT là đầu mối duy nhất thực hiện cao tốc Bắc - Nam
Liên quan đến kiến nghị Quốc hội giao UBND các tỉnh, thành phố đi qua tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thông báo kết luận nêu rõ, dự án đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Tuy nhiên, việc giao cho các địa phương sẽ không phù hợp quy định hiện hành của Luật: Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
“Đồng thời, đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao đòi hỏi năng lực quản lý và triển khai dự án ở trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có yêu cầu cao trong việc khai thác đồng bộ cả tuyến, trong khi kinh nghiệm của các địa phương hiện nay rất hạn chế, lại đang phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển KT-XH và quản lý, giải ngân vốn đầu tư công của địa phương, vì vậy, tất cả các cơ quan đều không đồng tình. Giao Bộ GTVT là đầu mối duy nhất tổ chức thực hiện đầu tư dự án”, thông báo nêu.
Đối với công tác GPMB của dự án, đề nghị phân cấp triệt để cho các địa phương và cần phải có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện để bảo đảm được tiến độ.
Báo Giao thông