Sau khi Thông tư 38 được ban hành, các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin như việc học và thi sát hạch lái ôtô sẽ khó hơn rất nhiều, học phí sẽ tăng gấp 2-3 lần. Vậy thực hư chuyện này như thế nào?
Học viên phải tham gia đầy đủ tất cả giờ học
Với mục đích nâng cao kỹ năng và ý thức lái xe của người tham gia giao thông, Thông tư 38 bổ sung nhiều quy định mới nhằm siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Học viên phải tham dự đầy đủ tất cả giờ học mới được dự thi sát hạch.
Theo Thông tư 38, từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Học viên sẽ được giám sát việc học lý thuyết bằng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt để đảm bảo học viên được học đầy đủ thời gian đào tạo. Nếu không tham gia đầy đủ, học viên sẽ không được dự thi sát hạch.
Thông tư cũng quy định các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên. Ngoài việc đảm bảo thời gian học của học viên, việc giám sát này còn tránh được tình trạng học hộ, thi hộ.
Bổ sung môn học, tăng câu hỏi lý thuyết
Thông tư 38 có nhiều điểm mới theo hướng thay đổi phương thức đào tạo và sát hạch. Đáng chú ý nhất là việc bổ sung 2 môn học: Xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên ca-bin.
Quá trình học trên ca-bin sẽ mô phỏng lại các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên phần mềm, học viên sẽ được xử lý tình huống để có kỹ năng tránh tai nạn đáng tiếc. Thời gian học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi tập lái trên đường.
Phương thức thi sát hạch cũng có thay đổi. Trước đây, học viên phải trải qua 3 nội dung sát hạch là: Lý thuyết, trên sa hình và trên đường. Theo Thông tư 38, trình tự thi sát hạch mới sẽ là: Lý thuyết, mô phỏng, trên sa hình, trên đường.
Như vậy, môn xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng đóng vai trò quan trọng trong việc thi sát hạch. Nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng, học viên sẽ không được sát hạch trên ôtô. Việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng được thực hiện từ ngày 1/1/2021 và nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng là từ ngày 1/5/2021.
Với mục đích nâng cao chất lượng giấy phép lái xe, số lượng câu hỏi lý thuyết trong bộ đề tăng từ 450 câu lên 600 câu. Trong đó có 100 câu điểm liệt, chỉ cần trả lời sai một câu hỏi thì học viên sẽ bị trượt. Mỗi đề vẫn có 30 câu, người thi trả lời sai 5 câu là bị trượt.
Học phí có tăng gấp 2-3 lần?
Một trong những điểm thay đổi được nhiều người quan tâm nhất là học phí. Sau khi Thông tư 38 được ban hành, những thông tin về việc tăng học phí lái ôtô được lan truyền khắp các trang mạng xã hội. Phần lớn thông tin cho rằng mức học phí lái ôtô sẽ tăng 2-3 lần, lên đến 30 triệu đồng.
Thực chất, Thông tư 38 không quy định về mức học phí mới. Hiện nay, việc quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT.
Theo Thông tư này, học phí học lái ôtô do các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới xây dựng và quyết định dựa trên nhiều yếu tố như cơ sở vật chất đào tạo lái xe, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, định mức về tiêu hao nhiên liệu, chế độ chi tiêu tài chính... Nhà nước không can thiệp hay quy định mức học phí này mà chỉ có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra.
Việc tăng học phí lái xe ôtô từ năm 2020 hoàn toàn có cơ sở khi Thông tư 38 được ban hành. Học phí tăng đến từ việc phát sinh thêm chi phí lắp thiết bị giám sát (camera, máy quét vân tay), thêm nội dung học...
Tuy nhiên, thông tin học phí lái ôtô tăng 2-3 lần, lên đến 30 triệu đồng là không có cơ sở. Theo tìm hiểu của Zing.vn, đa số các trung tâm dạy lái xe vẫn giữ mức học phí cũ.
Tại trường Cao đẳng nghề số 7, học phí lái ôtô hạng B1 là 9,7 triệu đồng, hạng B2 dao động 6,2-8,2 triệu đồng, tùy vào loại xe học thực hành. Tại TP. Sóc Trăng, học phí lái ôtô hạng B2 vẫn giữ ở mức 6 triệu đồng. Các trung tâm đào tạo và sát hạch lái ôtô tại TP. Cần Thơ có học phí dao động 5,9-8,8 triệu đồng đối với các khóa học bắt đầu từ tháng 5/2020.
Bên cạnh đó, một vài điểm mới được quy định trong Thông tư 38 như bổ sung mã QR riêng cho mỗi giấy phép lái xe từ ngày 1/6/2020. Mã QR sẽ tránh được tình trạng mua bằng và cấp bằng giả.
Từ 1/6/2020, giấy phép lái xe sẽ có thêm mã QR.
Môn học đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông sẽ được đổi tên thành môn đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.
Theo Zing.vn