Cơ sở dữ liệu lái xe sẽ ghi nhận lịch sử hoạt động của lái xe từ khi bắt đầu lái xe kinh doanh vận tải đến khi kết thúc. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, ma túy, làm việc quá thời gian dẫn đến không đảm bảo sức khỏe, ngủ gật, mất tập trung, gây TNGT luôn là vấn đề nóng trong lĩnh vực vận tải.

Nhiều lỗ hổng

Những ngày đầu năm 2021, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, liên quan xe tải, xe chở khách, làm chết và bị thương nhiều người. Gần đây nhất là vụ TNGT đêm 22/3 tại Tỉnh lộ 530 (Thanh Hóa) khi một chiếc xe tải chở cây keo đâm vào ta luy dương làm 7 người ngồi trên ca bin tử vong.

Trước đó, sáng sớm 16/3 liên tiếp xảy ra hai vụ TNGT liên quan đến xe chở khách. Vụ TNGT trên đường Hồ Chí Minh (qua huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) giữa ô tô khách và ô tô tải, làm ba người chết, một người bị thương. Hay vụ TNGT trên QL1A (qua huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) khi ô tô khách đâm vào sau xe đầu kéo, làm hai người chết, hai người bị thương.

Sau liên tiếp các vụ TNGT nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã yêu cầu ngành chức năng tăng cường TTKS và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi lái xe, tốc độ, chở quá tải trọng, quá số người quy định, lái xe vượt quá thời gian quy định.

Cho rằng đang có tình trạng thả nổi vấn đề kiểm tra sức khỏe lái xe, GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT dẫn chứng: “Vừa qua, chúng ta thực hiện khám sức khỏe lái xe trên toàn quốc phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng ma túy”.

Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc quản lý lái xe tại các đơn vị kinh doanh vận tải còn nhiều khiếm khuyết, một số DN còn ép lái xe chạy theo đơn hàng. “Việc cập nhật thông tin về lái xe vào hồ sơ lý lịch lưu tại DN còn thủ công, đối phó, không có tính kết nối và chia sẻ để phục vụ công tác quản lý”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN nêu.

Sẽ có cơ sở dữ liệu quản lý lái xe

TS. Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật cho biết, trong bối cảnh yếu tố con người vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo ATGT, không hệ thống giám sát nào ưu việt bằng sự tự giác, cẩn trọng của những người làm việc trong lĩnh vực vận tải, từ tài xế đến cơ quan quản lý, đặc biệt là sự sâu sát của DN.

Trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất nếu phát hiện tài xế sử dụng các loại chất cấm, cần xem xét xử phạt, thậm chí rút giấy phép đối với doanh nghiệp chủ quản. Điều này để ngăn chặn tình trạng DN khám sức khỏe cho lái xe kiểu đối phó, dẫn đến lọt tài xế không có đủ sức khỏe, thậm chí nghiện ma túy.
TS. Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật


Trước thực tế này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đã yêu cầu các Sở GTVT thực hiện chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải có cơ chế giám sát đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về khám sức khỏe người lái xe.

Về lâu dài, Tổng cục đã đề xuất Bộ GTVT xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý người lái xe kinh doanh vận tải. Cơ sở dữ liệu sẽ ghi nhận lịch sử hoạt động của lái xe từ khi bắt đầu lái xe kinh doanh vận tải đến khi kết thúc.

Các dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng lái xe, từng đơn vị kinh doanh vận tải để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng lao động lái xe và đào tạo nâng hạng cấp GPLX.

Phần mềm sẽ tổng hợp dữ liệu để cơ quan quản lý tập trung kiểm tra, thanh tra các đơn vị kinh doanh vận tải để xảy ra nhiều vi phạm. Cơ sở dữ liệu cũng là kênh thông tin quan trọng để DN vận tải tham khảo trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lái xe. Cơ sở dữ liệu cũng được sử dụng để phục vụ công tác cứu hộ, điều tra của các cơ quan thực thi pháp luật.

“Tổng cục cũng sẽ xây dựng phần mềm quản lý lái xe kinh doanh vận tải toàn quốc; Đồng thời, cung cấp tài khoản cho các sở GTVT để khai thác, quản lý đội ngũ lái xe thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; Cung cấp tài khoản cho toàn bộ đơn vị kinh doanh vận tải để thực hiện theo dõi, cập nhật dữ liệu về lý lịch lái xe thuộc đơn vị mình”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho biết.

Theo Báo Giao thông