Trước đó, Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Với tổng mức đầu tư 314.117 tỷ đồng cho 1.372 km, theo tính toán 1 km đường bộ cao tốc sẽ có giá 228 tỷ đồng. Bộ GTVT kiến nghị bắt đầu triển khai dự án từ năm 2017.
Theo Bộ GTVT, theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật hiện hành, từ thời điểm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến thời điểm trình Quốc hội mất khoảng 9 tháng; Từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến thời điểm có thể khởi công công trình tối thiểu là 3 năm.
“Việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã trở nên cấp bách, không thể trì hoãn. Nếu không có một số cơ chế đặc thù cho dự án, chỉ có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017 và khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020” - Bộ GTVT cho hay.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng, Quốc hội cho phép trong bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ sơ bộ đánh giá tác động môi trường. Việc lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi. Trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ thành lập một hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định cả nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi tất cả các dự án; Rút ngắn thời gian thẩm định mỗi dự án.
Cao tốc đường bộ Bắc - Nam với chiều dài 1.372km sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố
Liên quan đến việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết, hiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng đang ở mức cao. Tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước rất khó khăn. Dù một số dự án khả thi về tài chính, các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng nhưng nay đã có văn bản từ chối.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng không tính trong tỷ lệ huy động nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; Không tính trong tỷ lệ giới hạn tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng thương mại lớn cũng được hình thành gói tín dụng riêng cho dự án để huy động được nguồn vốn trong nước theo hướng cho vay một khách hàng vượt quá 15% vốn điều lệ và một nhóm khách hàng vượt quá 25% vốn điều lệ để đầu tư dự án.
Về lãi suất vốn vay tính toán trong phương án tài chính, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xác định bằng mức lãi suất cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của ba ngân hàng thương mại lớn, lãi suất chính thức xác định thông qua đấu thầu và lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính để lập hồ sơ mời thầu là 14%/năm.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cũng kiến nghị một số cơ chế ưu đãi đầu tư đối với dự án cao tốc Bắc - Nam. Bộ GTVT kiến nghị cho phép nhà đầu tư được kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án. Toàn bộ chi phí liên quan đến GPMB và đầu tư xây dựng do nhà đầu tư tự cân đối và được kinh doanh khai thác tương ứng với thời gian hoàn vốn dự án, cơ quan nhà nước hỗ trợ trong việc tổ chức thực hiện GPMB cùng với dự án.
Quốc lộ 1A đang quá tải.
Công tác GPMB, tái định cư của dự án, để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thủ tục, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách hợp phần công việc GPMB, tái định cư tương ứng theo phạm vi từng tỉnh, thành phố để hình thành dự án riêng và giao cho địa phương nơi có dự án tổ chức thực hiện. Đồng thời, tiến hành công tác GPMB ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đặc biệt, để thống nhất chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo triển khai đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Theo Dân trí