Xe trăm tấn hoá hình thành… công rỗng
14h ngày 23/3, chiếc container (công) mới, sáng bóng biển 90C-106.94 đi từ Quốc lộ 48D ra QL1 rồi Bắc tiến. Thoạt nhìn, nó giống như bao chiếc xe công thông thường, phía sau rơmoóc 90R-007.37 là 1 chiếc container 40feed nhìn cũng rất mới. Chỉ khi xe phanh dừng đèn đỏ lúc trời mưa, từ trong thùng container nước ào ạt tưới xuống đường. Kéo theo đó là những đụn cát vàng rải dọc đường đi.
Nhìn con xe container này ít ai dám nghĩ tổng trọng tải xe lên đến hơn 100 tấn
Hoá ra, chiếc container và rơmoóc đã được hoán cải: Phần trên được cắt nóc, toàn bộ thùng được đổ đầy cát, sau đó được san phẳng, phủ lên trên lớp bạt kín. Không quan sát kỹ, rất khó phát hiện đây là dòng xe công cắt nóc, chuyên dùng để chở hàng rời quá tải.
Đeo bám chiếc xe tới hơn 20km, may mắn chúng tôi gặp được tổ công tác của Trạm CSGT Quảng Xương, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đang làm nhiệm vụ ở tuyến QL1 khu vực phía Nam. Dù chiếc xe đã qua chốt thành công, nhưng từ thông tin, hình ảnh PV Báo Giao thông cung cấp, lập tức chiếc xe này bị 1 xe tuần tra đón lõng, kiểm tra.
Đại úy Ngô Bích - cán bộ tuần tra của trạm cho biết: Thời điểm này, lực lượng CSGT đang tăng cường kiểm tra xử lý xe quá tải trên địa bàn toàn tỉnh theo lệnh của Giám đốc Công an tỉnh. Trong 1 tuần vừa rồi đã có rất nhiều xe vi phạm bị xử lý.
Sau khi áp tải chiếc xe về trạm, Đại úy Bích hướng dẫn xe lên bàn cân để kiểm tra tải trọng theo quy định. Số cân trên bảng không ngừng tăng nhanh cho đến tận số 105780 thì mới dừng lại.
Lúc này tài xế Nguyễn Văn Tài (SN 1981, trú P. Thanh Tuyền, TP. Phủ Lý, Hà Nam) mới gãi đầu thú thật: “Em chở 40 tấn đạm từ Ninh Bình vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Tiện đường về em ghé chỗ Bến Thủy (TP Vinh, nghệ An) lấy cát đưa về nhà bán lẻ. Em biết xe chở quá tải rồi, các anh xem có cách gì giúp em chuyến này với”.
Đưa tờ giấy kết quả kiểm tra tải trọng cho PV xem, Đại úy Bích chỉ lắc đầu không nói. Trên giấy ghi rõ, trọng lượng toàn xe 105,78 tấn. Vượt 167% tải trọng hàng hoá cho phép chở. Với lỗi này, tổng mức phạt theo quy định mới với lái xe là 40 – 50 triệu đồng, nếu chủ xe là cá nhân phạt thêm 70 – 75 triệu đồng và 140 - 150 triệu đồng nếu chủ là doanh nghiệp. Ngoài ra, tài xế bị tước GPLX từ 3 - 5 tháng
Khi được PV hỏi tại sao biết quá tải, biết mức phạt đã tăng cao mà vẫn vi phạm? thì anh Tài phân trần: “Do khó khăn!... 2 năm trước em lỡ bỏ hơn 2 tỷ để mua xe và làm công cắt nóc tự đổ. Dịch bệnh nghỉ dài giờ mới đi lại. Tính ra mua cát trong này về bán để kiếm đôi đồng tiền dầu thôi (giá mua 110.000 đồng rồi chở về Hà Nam bán 185.000 đồng). Chở nhiều chút mới có lời. Mình đi công này, khó biết lắm. Hôm nay đi trời mưa nên chủ quan không rửa sạch thành để cát rơi ra đường mới lộ”.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, vì giá cát chênh lệch lớn. Trong Nghệ An giá rất rẻ, ví như mua cát vàng ở Tân Kỳ giá là 110.000 đồng, ở Hoàng Mai là 200.000 đồng/khối thì chở ra Hà Nam mỗi khối bán ra lên đến 450.000 đồng.
Với loại công cắt nóc thông thường mỗi xe chở được khoảng 60 khối. Tính sơ sơ tài xế thu từ 15 - 20 triệu đồng/chuyến. Mỗi tháng chạy hơn chục chuyến là đút túi cả trăm triệu đồng. Chưa kể có thêm tiền hàng đối lưu.
Chính anh Tài khi nói chuyện cũng thừa nhận: “Em chuyên chạy cát Tân Kỳ. Sau bị báo chí “soi” nên mới chuyển địa bàn”.
Xe tải 37C-098.02 có tổng trọng tải lúc cân lên đến hơn 42 tấn
Hành động lạ của CSGT trước "binh đoàn" chở keo
Không đánh quả lẻ ăn lợi lớn như công cát, những chiếc xe keo có phần dân dã hơn. Cách thức hoạt động cũng có nhiều thay đổi.
Nếu như trước đây các xe chở keo đều là xe tải thùng loại 2 chân, 3 chân rồi cắm cọc buộc dây cơi 2 - 3 mét. Nhìn không chỉ lộ liễu mà còn rất phản cảm. Nay chúng được ẩn tàng dưới vỏ bọc những chiếc xe khung mui phủ bạt (xe chuyên chở hàng thùng).
Với cách làm này, nhìn bằng mắt thường sẽ thấy vẻ gọn gàng, kín đáo nhưng thực tình nó ẩn chứa càng nhiều nguy hiểm.
Trong 2 ngày 23 và 24/3, các PV Báo Giao thông đã đi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, QL 7, QL48 và 48D. Tại đây, không khó bắt gặp các bãi bốc xếp keo ven đường.
Những cây keo to dài được cắt khúc còn hơn 2m rồi được cần cẩu, cầu nâng xếp ngay ngắn trong thùng của những chiếc xe tải có khung mui với chiều cao cũng tầm 3m. Trước khi rời bãi, các xe này được khéo léo phủ bạt kín rồi lần lượt xuất kích. Khoảng thời gian ưa thích của dòng xe là lúc chính ngọ hoặc khi màn đêm buông xuống.
Do lượng hàng lớn xếp cao, khung mui không chắc như thành thùng xe tải, nên dọc đường xe phải khó nhọc bò thật chậm lên những con dốc nhỏ, nặng nề tăng ga gia tốc khi bác tài lỡ đạp phanh, rồi chao đảo lúc vào cua. Nhìn các xe này chạy, cảm giác có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Trên thực tế vào trưa 23/4, có xe BKS 37H-019.46 chở nặng đến gãy cả trục trước, may mắn không ai bị thương.
Để có số liệu cân chính xác chứng minh việc chở quá tải, các PV đã không ngại quãng đường 50 - 60km bám theo xe về tận điểm thu mua. "Đột nhập" lấy số liệu ở trạm cân. Tại trạm cân ở xưởng băm dăm của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (Km 7+100 QL48D, Đông Hồi, Tx Hoàng Mai) lúc 19h55’h, các xe BKS 37C-098.02 có tổng trọng tải là 42,9 tấn (so với đăng kiểm tổng trọng lượng cả xe lẫn hàng và người trên xe chỉ được tối đa 24,9 tấn, quá tải 72%); lúc 21h05’ xe 36C-026.56 có tổng trọng tải là 29,86 tấn (đăng kiểm cho phép tối đa 13,6 tấn, quá 119%).
Quá tải, nguy hiểm là vậy, mà lạ tới mức, suốt quá trình dài di chuyển, PV không thấy chiếc xe nào bị xử lý. Lúc 21h31 khi bám theo xe 98C-056.89 chở đầy keo, thậm chí thừa ra phía sau cả mét. Khi xe tới cửa hàng xăng dầu phường Quỳnh Thiện, một tổ CSGT đi xe tuần tra BKS 37A - 006.06 đón dừng kiểm tra “nhanh” rồi cho xe tiếp tục di chuyển.
Tuy nhiên, khi phát hiện có người ghi hình chiếc xe này, thì tổ CSGT lại lên xe tuần tra bám theo xe ra đến tận địa phận Thanh Hóa mà không làm gì. Khi xe vào điểm thu mua gỗ dăm ở phường Hải Thượng, TX Nghi Sơn thì kết quả cân là hơn 36 tấn (kiểm định cho phép tối đa là 16 tấn, quá 125%).
Lúc 23h40’, PV tiếp tục gặp 1 tổ tuần tra khác làm nhiệm vụ trên QL48D (đoạn qua huyện Nghĩa Đàn). Một cán bộ CSGT cho biết: Giờ ở Nghệ An, tổ nào cũng là tổ đặc biệt nên ít xe quá tải lắm. Còn xe keo lúc đầu giờ, tổ có cân 1 chiếc, đã lập biên bản. Khi PV đề nghị tổ tiếp tục kiểm tra các xe keo đang chạy thì vị cán bộ CSGT cho biết đã hết giờ nên tổ phải về giao ca và bàn giao phương tiện, thiết bị cho tổ kế tiếp.
Cùng lúc này những binh đoàn xe keo tiếp tục đổ dồn về khu vực Đông Hồi, và KCN Nghi Sơn (Thanh Hoá)…
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại trong 2 ngày tác nghiệp:
Dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh không khó để bắt gặp những bãi bốc xếp xe keo tràm với những xe được xếp đầy ắp
Xe đầu kéo chở keo vượt quá chiều dài kích thước thành thùng di chuyển từ Tân Kỳ xuống đến TX Hoàng Mai mà không gặp phải sự kiểm tra, kiểm soát nào.
Xe chở keo tràm lên dốc thì bị gãy trục trước, rất may không có thương vong về người
Xe tải 36C-026.56 có tổng trọng tải là 29,86 tấn, trong khi đăng kiểm cho phép tối đa 13,6 tấn, quá tải 119%.
Những chiếc xe chở keo vượt quá chiều dài kích thước thành thùng di chuyển tốc độ cao trên đường có thể gây ra TNGT bất cứ lúc nào.
Theo Báo Giao thông