Chúng ta đều đã từng ở trong tình cảnh đó. Xe phía trước di chuyển quá chậm mà không thấy lý do nào rõ ràng. Họ đang định táp vào lề đường ư? Hay đang tìm kiếm một số nhà nào đấy? Tại sao cái đèn giao thông "khỉ gió" đó vẫn còn đỏ?! Huyết áp của bạn tăng lên, và bàn tay của bạn di chuyển về vị trí giữa vô lăng, sẵn sàng nhấn còi để giải phóng cơn thịnh nộ.

Theo tờ Thời báo New York, tiếng còi ô tô và xe tải là những âm thanh không ngừng nghỉ tại Mumbai. Các tài xế bấm còi xe khi những phương tiện phía trước đang chờ đèn đỏ, như thể việc này có thể khiến đèn giao thông chuyển xanh nhanh hơn. Thậm chí, ngay cả khi không có phương tiện nào để nhắm vào, các tài xế cũng vẫn bấm còi chứ không chịu yên lặng tại các nút giao thông. 

Và cảnh sát địa phương đã nghĩ ra một biện pháp mới để giải quyết vấn nạn này. Chương trình này được triển khai thí điểm với một cái tên hài hước là "Tín hiệu trừng phạt", liên kết một số tín hiệu giao thông với các cảm biến âm thanh để nhận biết tiếng còi xe (hoặc ít nhất là âm thanh vượt quá 85 dB).

Nếu phát hiện có tiếng còi khi gần đèn đỏ, hệ thống sẽ giữ đèn lâu hơn để mọi người bị mắc kẹt lại đó ít nhất là cho đến khi tiếng còi tắt hẳn. Các bảng chỉ dẫn gần giao lộ sử dụng hệ thống này có nội dung “Càng bấm, càng chờ” sẽ lưu ý người tham gia giao thông rằng bấm còi sẽ làm trì hoãn sự thay đổi của đèn giao thông. Tuy nhiên, hầu hết các lái xe đều không để ý tới chúng. Và có lẽ nhiều người khác cũng vậy, khi tham gia tình trạng giao thông hỗn loạn không ngừng của Mumbai, nơi ô tô, xe kéo, xe đạp và xe tải thường xuyên bị tắc và không đi đúng trật tự, kể cả với người đi bộ và các chướng ngại vật khác.

Nhấn để phóng to ảnh

Để đảm bảo lan rộng nhận thức tới người tham gia giao thông, cảnh sát địa phương đã quay lại hoạt động của hệ thống vào tháng 12 năm ngoái rồi đăng lên mạng xã hội. Những video đó nhanh chóng được lan truyền. Tại đây, rất nhiều người khi tham gia giao thông đã tỏ ra bối rối, tức giận, thậm chí nổi đóa lên khi đèn giao thông cứ đỏ mãi.

Vậy hệ thống này có hiệu quả không? Phía cảnh sát tin rằng câu trả lời là Có, mặc dù phản ứng trên phương tiện truyền thông xã hội có thể lớn hơn so với trên đường phố nơi chương trình thực sự được triển khai. Mặc dù vậy, video lan truyền đó đã thu hút được sự quan tâm của các thành phố khác tại Ấn Độ trong việc áp dụng công nghệ khi điều tiết giao thông. Nếu điều này được thực hiện, các tuyến đường giao thông tại Ấn Độ rất có thể sẽ yên tĩnh hơn đôi chút

Theo Motortrend/NYT