Theo Bộ GTVT, tuyến nối Vị Thanh - Cần Thơ trước đây là tuyến đường địa phương do UBND TP Cần Thơ và Hậu Giang đầu tư xây dựng, hoàn thành giai đoạn 1 năm 2012 với quy mô 2 làn xe.
QL61C giai đoạn 1 được đầu tư với quy mô 2 làn xe. Ảnh: Lê An
Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ GTVT đã có quyết định chuyển tuyến đường thành QL61C và được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương giao UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án nâng cấp mở rộng tuyến QL61C, từ 2 làn xe lên 4 làn xe. Nguồn vốn từ khoản vay hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu”, văn bản Bộ GTVT nêu.
Bộ GTVT cũng đề nghị 2 địa phương hoàn thiện đề xuất dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
QL61C có điểm đầu giao với QL1 (thuộc địa bàn quận Cái Răng, TP Cần Thơ), điểm cuối giao với QL61 (tỉnh Hậu Giang) với chiều dài hơn 47km. Trong đó đoạn thuộc Cần Thơ dài hơn 10km. Ở giai đoạn 1, tuyến được đầu tư với quy mô 2 làn xe.
Trước đó, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ có văn bản gửi Bộ GTVT về việc làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL61C.
Các địa phương cho biết, tuyến đường nối đường Vị Thanh - Cần Thơ được xác định là trục dọc kết nối với các trục đường ngang quy hoạch và đang được đầu tư xây dựng như tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và tuyến đường HCM tạo thành mạng giao thông rất quan trọng. Tuyến này không chỉ phục vụ cho việc phát triển kinh tế của 2 địa phương mà còn cho cả khu vực.
Từ đó, 2 địa phương đề nghị Bộ GTVT ủng hộ, xem xét và có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Hậu Giang thực hiện dự án nâng cấp mở rộng QL61C theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với 4 làn xe, bằng nguồn vốn khoản vay hỗ trợ phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Trong đó, tỉnh Hậu Giang sẽ đầu tư từ km10+200 đến km47+352, với chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.890 tỷ đồng. Cần Thơ đầu tư đoạn còn lại, tổng mức đầu tư gần 890 tỷ đồng.
Theo Báo Giao thông