Theo quy định trong đánh bắt hải sản trên biển, Cà Mau chấp hành nghiêm việc thực hiện lắp đặt thiết bị VMS có kích thước lớn nhằm kịp thời, chủ động giám sát, hướng dẫn và cảnh báo các phương tiện có dấu hiệu hoạt động khai thác trên biển sai quy định, nguy cơ khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài. Cà Mau cũng là địa phương tiên phong trong thực hiện vấn đề này và đã đạt được những thành công nhất định. Theo báo cáo của ngành chuyên môn, đến nay địa phương có 1.570/1.570 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt 100% (đã trừ những tàu ngưng hoạt động và tàu công vụ).

 

Đoàn liên ngành của tỉnh Cà Mau thường xuyên tuần tra, kiểm tra các tàu cá hoạt động trên biển, kể cả phối hợp tuần tra chung với các tỉnh giáp ranh.

Tuy nhiên, đó chỉ là những con số thống kê thấy được khi phương tiện khai thác neo đậu tại các cửa biển, còn thực tế khi phương tiện ra khơi với vùng biển Tây rộng lớn bao trùm liên tỉnh. Rất khó kiểm soát được chủ thể khi chỉ nhìn vào tín hiệu hiển thị trên màn hình và liên lạc bằng viễn thông, không phải lúc nào cũng có thể bắt được kết nối. Khi sự vụ nêu trên bị phát hiện, qua làm việc ban đầu, đối tượng khai các chủ phương tiện khác gửi nhờ thiết bị. Sự việc cho thấy, các tàu đang khai thác nhiều ngày trên vùng biển rộng lớn hầu hết không có thuyền trưởng, máy trưởng. Trên tàu chỉ là những tài công được cho là “có nhiều kinh nghiệm” đảm nhận nhiệm vụ rất quan trọng này. Ðể được ra khơi, qua mặt cơ quan chức năng trong kiểm soát, họ thuê thuyền trưởng, máy trưởng, nhưng khi tàu vừa ra khỏi cửa biển thì những “tài công không bằng cấp” nắm giữ quyền điều khiển phương tiện bằng kinh nghiệm học lóm và gửi niềm tin vào … hên xui. Do không được trang bị kiến thức vận hành tàu cá, kể cả kiến thức về pháp luật trên biển, nên họ không thể làm chủ các thiết bị hiện đại trên tàu có công suất lớn.

Số liệu của Chi cục Thuỷ sản tỉnh thống kê cho thấy, nhóm tàu chiều dài từ 12-15 m trên địa bàn hiện có 1.467 chiếc; biên chế thuyền viên cần 1.467 thuyền trưởng III, 1.467 máy trưởng III. Nhóm tàu chiều dài từ 15-24 m có 1.490 chiếc; biên chế thuyền viên cần 1.570 thuyền trưởng II, 1.570 máy trưởng II. Ðối với nhóm tàu có chiều dài từ 24 m trở lên là 79 chiếc; biên chế thuyền viên cần 79 thuyền trưởng I, 79 thuyền trưởng II (thuyền phó), 79 máy trưởng I, 79 thợ máy (hoặc máy trưởng). Như vậy, với số lượng tàu tương ứng, Cà Mau cần có 6.390 lao động có chứng chỉ hành nghề như đã nêu.

Từ năm 2010-2020, Cà Mau đào tạo được 7.937 thuyền viên nhưng phần lớn là thuyền trưởng, máy trưởng hạng IV, hạng V và hạng nhỏ và thực tế cũng đã có chuyển dịch lao động từ kinh tế thuỷ sản sang các ngành nghề khác khá nhiều. Trong khi đó năm 2019 và 2020 chỉ đào tạo được 904 thuyền trưởng và 201 máy trưởng hạng II. Ðối với nhóm tàu có chiều dài từ 24 m trở lên còn bỏ ngỏ trong đào tạo đáp ứng nhu cầu chuyên môn theo quy định.

Theo thông tin phóng viên nắm được, bước đầu cho thấy đã có dấu hiệu sai phạm và cũng từ đây cho thấy công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tại địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức, dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, cũng như theo quy định. Thời gian tới rất cần có sự đột phá, chiến lược cho vấn đề trên, góp phần xây dựng nghề khai thác hải sản địa phương phát triển ổn định và bền vững hơn, mà trước mắt là thoát khỏi “Thẻ vàng” của EC./.

Theo Báo Cà Mau