slogan

Phải coi là... tội phạm

Những biện pháp tuyên truyền về việc không lái xe sau khi uống rượu bia chưa bao giờ đạt hiệu quả mạnh mẽ như hiện nay. Với sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội cùng nhiều phong trào hưởng ứng, những thông điệp mạnh mẽ đã đi sâu vào đời sống của người dân.

Nhưng xét ở góc độ tâm lý, thực tế uống rượu bia vẫn là tập tục khó bỏ của người Việt Nam. Người đã uống rượu bia khi không còn tỉnh táo để ý thức được việc mình có nên lái xe hay không nên lái xe. Chừng nào ý thức không lái xe sau khi uống rượu bia chưa chuyển thể thành hành động thực tế thì hiểm họa “ma men” vẫn sẽ tạo ra những bi kịch.

Vừa qua, nghị trường Quốc hội cũng “nóng” lên về các vấn đề bức xúc nổi cộm đối với tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Trong đó khẳng định, việc tăng chế tài xử phạt, bổ sung hình thức xử phạt lao động công ích là điều rất cần thiết.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, TS. Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, phần lớn các quốc gia phát triển xếp hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe là tội phạm. Cần phải nhìn nhận rằng đã uống rượu bia mà vẫn lái xe là mang tính tội phạm.

Người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, dù chưa gây ra hậu quả cũng cần bị xử phạt, đồng thời chúng ta cần xây dựng hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm TTATGT. Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp hiệu quả, có quy định pháp luật cho phép xử phạt theo mức độ vi phạm và phạt lũy tiến nếu tái phạm, có quy trình xử phạt và được thực thi nghiêm.

Nhờ đó, các quyết định xử lý được đưa ra rất nhanh chóng và hiệu lực thực thi rất tốt. Khi cá nhân vi phạm không tuân thủ thì công tác cưỡng chế thực thi cũng rất mạnh và hiệu quả. Chính những điều này tạo ra tác dụng răn đe, khiến người dân sợ mà không dám vi phạm.

Tại Colombia, tài xế vi phạm nồng độ cồn dù chưa gây ra hậu quả vẫn có thể bị phạt tới 1.440 lần mức lương tối thiểu/ngày, phạt tù, phạt lao động công ích. Chế tài pháp luật hà khắc không phải để dồn người dân đến bước đường cùng mà để tạo ra tính răn đe. Khi tự thấy bản thân không thể đáp ứng được mức xử phạt thì sẽ không dám vi phạm, từ đó nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong xã hội sẽ được nâng lên rất đáng kể.

“Trong khi đó ở Việt Nam, người vi phạm thông thường bị xử phạt tiền, nhưng phạt xong là vẫn có thể vi phạm tiếp và cũng chỉ bị xử phạt như những lần trước. Vấn đề này có thể coi là phạt để tồn tại”, TS. Trần Hữu Minh bày tỏ.

Vẫn còn “nhẹ tay”

Việc áp dụng những biện pháp “mạnh tay” xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tạo môi trường giao thông an toàn, nâng cao kỷ cương của pháp luật. Hiệu quả tuyên truyền thời gian vừa qua là rất tốt, nhưng đi kèm với tuyên truyền phải là xử lý vi phạm, nếu không thì hiệu quả thực tế sẽ rất thấp.

“Tất nhiên, để có những giải pháp mạnh thì vấn đề đầu tiên là phải có hành lang pháp lý. Dù các quy định đã được áp dụng từ rất sớm (từ năm 1995) và có hiệu quả nhất định, nhưng hiện nay các quy định pháp lý còn nhiều bất cập, các biện pháp xử lý vi phạm đang bộc lộ nhiều điểm yếu chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống”, TS. Minh chia sẻ.

Vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ở mức nghiêm trọng tới mức phải xử lý hình sự đang được áp dụng mức phạt từ 30 đến 100 triệu đồng và chỉ xử lý hình sự khi gây hậu quả. Mức phạt này được xem là vẫn quá nhẹ.

Theo TS. Trần Hữu Minh, trong xử lý vi phạm hành chính hiện có 6 điểm bất cập đòi hỏi phải có giải pháp xử lý để tăng khả năng trấn áp và hiệu lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực này. Thứ nhất là chưa có lưu trữ vi phạm và quản lý tái phạm; thứ hai là chưa cho phép xử phạt lũy tiến với tái phạm; thứ ba là mới chú trọng phạt tiền, các hình thức xử phạt khác chưa được chú trọng; thứ tư là mới tập trung xử phạt lái xe mà chưa xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ phương tiện; thứ năm là mức phạt đối với hành vi uống rượu bia không còn phù hợp với tình hình mới, chưa đủ răn đe, mới chỉ nằm ở mức 50% mức trần xử phạt vi phạm đối với cá nhân; thứ sáu là thẩm quyền xử phạt của lực lượng chức năng trực tiếp còn thấp.

Cần sớm tăng năng lực xử phạt

Những đợt cao điểm về tuyên truyền và xử lý vi phạm trong năm 2019 đã phát huy tác dụng rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp tổng thể gián tiếp khác để tạo ra môi trường văn hóa giao thông tốt thì hành lang pháp lý và quy trình thực thi pháp luật cũng cần sớm được điều chỉnh bởi đây là yếu tố cần phải được song hành cùng hiệu quả tuyên truyền.

Theo đó, cần ưu tiên đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội xem xét thông qua sửa Luật Giao thông đường bộ (Bộ GTVT chủ trì), Luật Xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư Pháp chủ trì) để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Quốc hội có văn bản đề nghị cơ quan tư pháp xây dựng hướng dẫn thực hiện cụ thể (hoặc xây dựng các án lệ) xử lý hình sự theo Khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 và 2017. Đây là căn cứ để có thể xử lý hình sự các trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về nồng độ cồn (và ma túy) kể cả khi chưa gây hậu quả.

Đồng thời, cần xây dựng hệ thống lưu trữ vi phạm, quản lý tái phạm và phạt lũy tiến với tái phạm với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; tăng thẩm quyền xử phạt của các cơ quan chức năng; tăng tối đa hình phạt và quản lý tái phạm với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe; tăng nặng hình phạt với doanh nghiệp và chủ phương tiện kinh doanh vận tải nếu có lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Cùng với đó, cần cấm tuyệt đối sử dụng đồ uống có cồn với lái xe kinh doanh vận tải bao gồm cả lái xe ô tô (hiện nay đã cấm trong Luật Giao thông đường bộ) và lái xe ôm kinh doanh vận tải (hiện nay chưa cấm); những lái xe mới nhận bằng lái (trong vòng hai năm đầu). Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân cố tình mời uống, ép uống, bán rượu bia cho người khác nếu biết người đó phải lái xe; xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của những cá nhân đồng ý ngồi trên xe ô tô mà người lái xe có vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt, luật rất cần bổ sung hình phạt lao động công ích với hành vi vi phạm nghiêm trọng về TTATGT, đặc biệt là vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, tăng nặng các chế tài xử phạt, nhưng điều quan trọng nhất là cần phải thực thi nghiêm pháp luật, với mục tiêu chấm dứt hành vi vẫn lái xe sau khi sử dụng rượu bia”

Theo Tạp chí GTVT