Sự kế thừa ngọt ngào…
Tôi gặp anh - Giám đốc kênh VOV Giao thông Quốc gia Vũ Minh Tuấn, vào một chiều thu thứ bảy. Trong cái sắc thu hôm nay hình như khác hơn mọi lần. Có lẽ, sự khác biệt chính là không khí nhộn nhịp, háo hức của mọi người dân Hà Nội đang tất bật chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014).
Ngồi đối diện với tôi bên tách cà phê đen trong một quán nhỏ ngay mép hồ Tây, trước mặt anh, tiếng radio từ kênh VOV Giao thông vẫn đều đặn phát lên qua chiếc điện thoại Philips X5500. Giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ khuôn người được gán cho cái tên “Người nói nhiều nhất”. Già ! Quả là anh già đi nhiều so với hồi tôi gặp cách đây chừng một năm. Thời gian thì không chừa một ai. Và anh cũng không ngoại lệ. Anh cười khà khà: “Công việc! Công việc áp lực quá em ạ…”.
- Anh vẫn nghe đài mọi nơi mọi lúc? - Tôi hỏi.
- Uh! Anh khẽ khàng. “Nghề của anh là nghe đài mà!” - Anh cười tủm tỉm. Rồi anh bảo: Không nghe không được. Không nghe thì sao biết anh em làm cái gì, viết cái gì, viết thế nào… Mình có nghe mới có thể kịp thời điều chỉnh nội dung các chương trình sao cho phù hợp với người nghe. Anh vẫn thích đặt mình vào vai trò thính giả để có thể chỉ đạo anh em viết sao cho sát, cho trúng… quan trọng nhất là phải biết cung cấp thông tin gì cho thính giả”.
Nhấp ly cà phê, dường như những ký ức trong anh chợt ùa về. Còn nhớ cách đây 8 năm (2006), anh nhận lệnh từ lãnh đạo Đài TNVN phải gấp rút nghiên cứu xây dựng hệ thống phát thanh chuyên biệt về mảng giao thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau hàng tháng trời lăn lộn, gặp gỡ trao đổi với không biết bao nhiêu người trong ngành phát thanh, ngành giao thông, với hàng trăm cuộc thực tế ngoài hiện trường, đi sâu nghiên cứu cho từng ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện có trên thế giới… Cuối cùng, bản đề án Kênh Phát thanh trực tiếp VOV Giao thông cũng hoàn tất. Rồi niềm vui lại một lần nữa vỡ òa khi chính anh đã bảo vệ thành công đề án vào đầu năm 2008. Đánh giá cao tính khả thi của dự án, lãnh đạo Đài quyết định giao cho anh thực hiện triển khai thí điểm ở Hà Nội. Năm 2009 kênh phát thanh trực tiếp - VOV Giao thông ra đời, góp phần hướng dẫn và nâng cao ý thức người tham gia giao thông, đồng thời hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên địa bàn. Đi đâu, ở đâu, dù trong công sở hay ngoài quán nước, người ta cũng chộn rộn nói về kênh phát thanh trực tiếp VOV giao thông của Đài TNVN như một hiện tượng lạ.
Trước thành công đó, lãnh đạo Đài TNVN tiếp tục quyết định giao cho anh phụ trách mở rộng địa bàn thí điểm tại Tp. Hồ Chí Minh.
- Anh có quan ngại khi Sài Gòn không phải là “đất” của anh? - tôi cắt ngang câu chuyện.
- Anh cười! “Nam tiến” đâu có gì phải sợ. Anh cũng có một thời gian dài công tác trong đó. Người dân Sài Gòn cũng rất rõ ràng. Nếu tốt, họ sẵn sàng giơ tay đón nhận. Nếu dở, họ cũng thẳng thắn góp ý…
Rồi anh kể tiếp những ngày lăn lộn xây dựng cơ sở kênh VOV Giao thông ở Tp.Hồ Chí Minh. Công việc hôm nào cũng ngồn ngộn: lúc thì xử lý khâu phóng viên, biên tập viên; lúc thì xử lý kỹ thuật đường truyền; đặc biệt là việc phải xác định cho bằng được thị hiếu thông tin của người dân… nhưng nhờ có kinh nghiệm khi triển khai ở Hà Nội nên mọi chuyện cũng êm xuôi. Ngày chính thức phát sóng, niềm vui hơn cả đối với của lãnh đạo, cán bộ PV, BTV Đài TNVN nói chung, của những người trực tiếp thực hiện kênh phát thanh VOV giao thông nói riêng, là lần thứ hai được hân hạnh đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thăm và phát lệnh phát sóng.
- Vì sao lại có ý tưởng xây dựng một kênh phát thanh trực tiếp? - Tôi hỏi.
- “Cách làm phát thanh trực tiếp thì do mình, còn ý tưởng xây dựng kênh phát thanh chuyên biệt về mảng giao thông là do Thủ tướng chỉ đạo” - anh nhỏ nhẹ.
Theo Giám đốc Vũ Minh Tuấn, cách đây hơn 10 năm (khoảng 2001), Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Mai Hạnh nghiên cứu xây dựng một kênh phát thanh chuyên biệt về giao thông nhằm nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan cùng điều kiện kinh tế tại thời điểm đó nên việc nghiên cứu bị dang dở. Sau này, khi tiếp nhận chỉ đạo của lãnh đạo Đài, anh cùng với mọi người mới bắt tay nghiên cứu và đưa ra nhiều phương án. Tuy nhiên, phương án tận dụng công nghệ hiện đại nhằm hạn chế nhân lực mà đem lại hiệu quả cao là khả thi hơn cả. Đặc biệt, muốn nâng cao giá trị thông tin thì không gì bằng phương pháp làm trực tiếp. Nghĩa là thông tin tại hiện trường được cập nhật kịp thời tới người nghe ngay tại thời điểm đó. Thành công của VOV Giao thông chính là chỗ đó.
Đến một VOV Giao thông trong lòng thính giả
5 năm hoạt động là 5 năm để lại bao nhiêu kỷ niệm vui buồn với lãnh đạo cũng như các anh em PV, BTV, KTV… kênh VOV Giao thông. 5 năm đó, VOV Giao thông đã đồng hành cùng với người dân trên mọi nẻo đường tuyến phố ngay tại 2 trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn của cả nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài những thông tin liên quan đến vấn đề giao thông, VOV Giao thông còn cung cấp cho thính giả các thông tin về những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cùng một bức tranh toàn cảnh về mọi mặt đời sống xã hội.
- Ấn tượng nhất với anh trong 5 năm đấy là gì? - Tôi hỏi.
- Nhiều! Nhiều lắm! Vị giám đốc thảng thốt. Nhưng mình sẽ kể cho cậu nghe một vài kỷ niệm khá ấn tượng.
Rồi bằng giọng đều đều anh kể. Cách đây 2 năm, cả Hà Nội xôn xao vụ một trẻ sơ sinh bị bắt cóc ngay tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội. Thời điểm đó, gần như toàn bộ lực lượng điều tra Công an thành phố Hà Nội vào cuộc truy tìm kẻ bắt cóc cháu bé. Cũng tại thời điểm đó, phóng viên VOV Giao thông cũng tích cực tham gia lần tìm manh mối đưa tin, đồng thời phối hợp với CA Tp. Hà Nội thông tin trên sóng phát thanh. Thật bất ngờ, 2 hôm sau, từ thông tin điện thoại gọi đến Trung tâm Điều phối Kênh VOV Giao thông của một lái xe taxi về dấu hiệu nghi ngờ thủ phạm bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, cơ quan điều tra đã nhanh chóng truy tìm và bắt được thủ phạm là Nguyễn Thị Lệ, trú tại Đông Anh, Hà Nội.
Kết thúc chuyên án, Thượng tá Đào Thanh Hải - Trưởng phòng CSHS CA Hà Nội đã nhận xét: “Trong vụ này, Kênh VOV Giao thông đã góp một phần rất lớn đến sự thành công của vụ án”.
Rất nhiều vụ tìm lại người thân, rơi mất giấy tờ… nhiều người đã có cơ hội trùng phùng, tìm lại đồ vật quan trọng của mình thông qua điện thoại thông tin từ thính giả gửi về. Còn nhớ cách đây 1 năm, 1 cụ bà hơn 80 tuổi luôn miệng lẩm nhẩm đi lại trên đường Tràng Thi (Hà Nội), nhận thấy dấu hiệu lạ, Thiếu úy Nguyễn Hồng Anh - Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Hà Nội, đã giữ cụ lại và liên hệ với VOV Giao thông để đăng tải tìm người thân trên sóng. Chiều cùng ngày, gia đình cụ bà Trần Thị Lan (trú tại xóm Giữa, phường Mai Dịch, Cầu Giấy - Hà Nội) đã trực tiếp đến Đội CSGT số 1 để đón cụ.
Không chỉ với người dân, VOV Giao thông cũng đã phối hợp chặt chẽ với CA Tp.Hà Nội cung cấp hàng trăm clip hình ảnh về vi phạm giao thông để cơ quan chức năng xử lý làm sáng tỏ vụ việc. Hay công tác phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh trong việc phát hiện và xử lý sớm các vụ cháy thông qua hình ảnh từ camera của VOV Giao thông chuyển về.
Theo Giám đốc Vũ Minh Tuấn, điều ấn tượng nhất với anh trong suốt 5 năm trực tiếp điều hành Kênh VOV Giao thông phải kể đến ngày cả nước đau buồn tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ tại Vũng Chùa - đảo Yên - Quảng Bình. Qua sóng của kênh Truyền hình VOV và Kênh VOV Giao thông, đồng bào cả nước đã dõi theo hình ảnh đoàn xe tang chầm chậm lăn bánh trên các tuyến phố Hà Nội, chứng kiến hàng ngàn người dân cúi đầu tiễn biệt vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng.
Giờ đây, niềm vui lớn nhất đối với anh em làm phát thanh VOV giao thông chính là sự tương tác trực tiếp với thính giả. Hàng ngày, với chỉ vẻn vẹn không đầy hai chục con người nhưng VOV Giao thông đã tiếp nhận hàng ngàn cuộc gọi từ thính giả phản ánh về tình hình giao thông trên 2 địa bàn trọng điểm là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Rồi cũng từ Trung tâm điều phối, cùng với hệ thống hàng ngàn camera rải khắp 2 thành phố, thông tin được cập nhật và biên tập trước khi lên sóng, đồng thời chuyển giao cho lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ phối hợp giải tỏa các điểm nóng giao thông.
Giơ tay tắt hẳn tiếng radio trên chiếc điện thoại, anh tâm sự: “Muốn thành công, trước hết phải cần có cái “Tâm”. Cái “Tâm” ở đây là sự trong sáng, là lòng nhiệt huyết cống hiến. Nhưng có “Tâm” thôi thì chưa đủ, vẫn cần phải có một cái “Tầm”. “Tầm” ở đây là kiến thức, là phải nhận thức đầy đủ trên mọi phương diện. Và khi được bổ nhiệm giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, mình mới thấy hết được cái “Tâm” và cái “Tầm” quan trọng đến dường nào…”.
Chia tay anh khi chiều đã muộn, từng đợt gió hồ Tây mang hơi lạnh mùa thu se sẽ thổi qua khiến tôi cũng nao nao người. Nhìn sang chùa Trấn Quốc, tôi chợt nhớ đến câu nói của Khổng Tử: "Tứ thập nhi bất hoặc", có nghĩa là khi người ta tới 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự - lý trong thiên hạ, phân biệt được việc phải hay trái cũng như hiểu được ai là người tốt hay xấu và biết được cái gì nên làm hay không. Trong thâm tâm tôi cũng hoàn toàn tin tưởng Anh - người giám đốc Kênh VOV Giao thông sẽ có đủ lý trí và bản lĩnh để chèo lái con thuyền “VOV Giao thông” đến bến thành công.
Theo Phong Anh
Kênh VOV Giao thông quốc gia