Kỹ thuật cơ bản lái xe ô tô số sàn
Ngày nay, các hãng sản xuất xe ô tô ngày càng chú trọng hơn vào hộp số tự động. Tuy nhiên, không vì vậy mà xe số sàn mất đi “chỗ đứng” riêng của mình. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn một số kĩ thuật để đi xe số sàn đúng cách.
Trong hầu hết các trung tâm dạy lái xe ô tô tại Việt Nam hiện nay, xe số sàn luôn được sử dụng để đào tạo học viên. Nhưng các kinh nghiệm lái xe thì không phải ai cũng biết, vì vậy rất dễ dẫn đến sai thao tác.
Một trong những sai lầm phổ biến là khi vào cua, tài xế trả về số N (số mo) quá lâu. Khi xe vào cua, không nên ngắt li hợp mà chỉ nên nhả chân ga để giảm tốc độ. Khi vào cua mà bạn để cho xe chạy bằng quán tính bằng cách ngắt li hợp hay về số N thì bánh xe sẽ ít bám đường hơn là khi bạn nhấn ga nhẹ và để cho xe chạy chậm.
Sai lầm thứ hai là về số mo hay ngắt li hợp khi xuống đèo dốc để tiết kiệm nhiên liệu, nhưng thực tế lại mất an toàn. Khi xe xuống đèo dốc mà không có lực hãm hỗ trợ từ hộp số sẽ khiến hệ thống phanh phải làm việc liên tục. Khi hệ thống phanh quá nhiệt thì phanh sẽ mất tác dụng và sẽ xảy ra tai nạn.
Một sai lầm nữa mà đôi khi ngay cả các giáo viên dạy lái cũng mắc phải: để tránh xe bị chết máy khi phanh, cần đạp chân côn (cắt ly hợp) trước khi đạp phanh. Đây là thao tác rất nguy hiểm khi mất đi khả năng xử lý tình huống bất ngờ. Thật ra, thao tác cần thực hiện ngược hẳn: đầu tiên là chân phanh, và khi xe gần dừng hẳn mới đạp côn, cắt ly hợp.
Nhiều tài xế không sử dụng số thấp khi vượt. Khi lái xe trong thành phố thường phải chuyển số liên tục, nhưng khi thời tiết xấu, số thấp là sự bảo đảm bổ sung cho an toàn. Tất nhiên, khi chuyển số xe không được lắc, giật. Thao tác chuẩn xác khi chuyển số là một trong những thước đo để đánh giá kinh nghiệm của người lái.
Khi vượt, bạn cũng có thể thực hiện kỹ thuật “chuyển số tắt” (có nghĩa là khi chuyển từ số thấp sang số cao hơn và bỏ qua một số trung gian nào đó). Chẳng hạn như từ 3 sang thẳng số 5 để tiết kiệm nhiên liệu. Sẽ phức tạp hơn nếu cần chuyển gấp về số thấp, chẳng hạn như số 4 về số 2. Trong trường hợp này, để tránh hỏng động cơ và ly hợp, vào thời điểm nhả chân côn, cần nhấn thêm chân phanh mạnh hơn so với bình thường.
Những lưu ý khi lái xe ô tô số sàn
Để có thể chủ động kiểm soát tình huống trên đường cũng như đạt mức tiêu hao nhiên liệu hợp lý hơn khi sử dụng một chiếc xe số sàn, bạn nên chú ý đến một số thao tác lái xe sau đây:
1. Ra vào số đúng tốc độ
Ngoài việc biết lái xe, bạn phải đi thế nào là tốt nhất cho xe như tránh mài côn, sang số khi máy còn yếu. Có một thực tế là hầu hết các bác tài ở Việt Nam thường sang số khi máy chưa đủ vòng tua, khiến xe bị ì, không thoát máy. Nếu bạn chưa đạt đủ tốc độ đã vào số cao sẽ làm cho xe ì, đạp ga xe không tăng tốc được (chạy ép số).
Thông thường các hãng xe đều có ngưỡng sang số hợp lý không giống nhau, nhưng trung bình vào khoảng 2.500 vòng/phút khi từ số 1 vào số 2. Nếu vào số hợp lý, xe sẽ khỏe để vào các số sau và giữ cho máy bền hơn, cộng với thao tác sang số nhanh (giảm ga và cắt côn nhanh - sang số - nhả côn từ từ kết hợp tăng ga), xử lý chướng ngại vật trên đường tốt, bạn sẽ đi được nhanh và êm hơn.
2. Sử dụng chân côn hợp lý
Khi sử dụng côn, điều làm côn mau mòn không phải là do dùng nhiều hay chạy rà côn, mà chính là bạn cho côn tiếp xúc với bánh đà của máy một cách đột ngột hoặc tốc độ bánh đà của máy và sơ cấp ly hợp khi tiếp xúc không cùng vận tốc, tốc độ xe với vòng tua máy không phù hợp. Khi đạp - nhả côn, nếu xe bạn không khựng lại hoặc vọt tới có nghĩa là bạn thao tác đúng, khi nhả côn tiếng máy không thay đổi, tốc độ xe vẫn di chuyển êm ái là được.
Xe số sàn có nhược điểm so với số tự động là ở chân côn, nhưng cũng lại có ưu điểm hơn xe số tự động cũng là nhờ chân côn, bạn hãy sử dụng nó nhiều hơn nếu không nó sẽ chẳng phát huy được ưu điểm của nó. Chỉ đạp chân côn khi thay đổi số là chưa tận dụng được ưu thế của nó. Khi chạy đường xấu, bạn nên cắt côn tùy lúc để xe tránh bị giằng - giật. Khi vượt chướng ngại vật trong phố chỗ đông người, bạn nên rà côn cho an toàn.
3. Chú ý khi dùng phanh tay
Nhiều tài xế thường sử dụng phanh tay khi đề-pa ngang dốc và nếu có dấu hiệu tụt dốc lại xiết phanh tay. Thật ra phanh tay không được thiết kế cho khả năng dừng khi xe đang chạy, mà chỉ yêu cầu là giữ xe đứng yên khi xe đã dừng. Nếu cố gắng dừng xe mà chỉ dùng phanh tay thì sẽ thấy nó không thích hợp và nguy hiểm như thế nào.
Nếu phanh tay không nhả ra hoàn toàn khi xe đang chạy sẽ dẫn đến sớm bị mòn, bố phanh láng bóng do hiện tượng trượt bố phanh, nhưng điều nguy hiểm hơn là nhiệt phát sinh có thể làm sôi dầu phanh, dẫn đến hậu quả là phanh mất tác dụng. Bạn nên dùng cách đề-pa truyền thống lúc học lái xe, sẽ an toàn và dễ sử dụng hơn.
4. Đề-pa lên dốc khi tắc đường
Nếu dùng theo cách như lúc học lái là dùng “côn - phanh tay - ga” hoặc “côn - phanh chân - ga” liên tục khi tắc đường trên dốc sẽ khiến bạn vã mồ hôi, chân tay bạn mỏi nhừ. Để đề-pa lên dốc liên tục khi bị tắc đường ở dốc, bạn cần phải luyện thêm thật nhuần nhuyễn “côn - ga”, để có thể giữ xe đứng trên dốc chỉ bằng côn - ga, nghĩa là âm côn và mớm ga vừa phải để xe đứng tại dốc, nếu xe có hiện tượng lùi bạn nên thêm chút ga, nếu xe hơi nhích bạn giảm chút ga.
5. Sai lầm dẫn đến tụt dốc khi đề-pa
Điều sai lầm dẫn đến các tài xế bị tụt dốc lúc đề pa là quá trình nhả côn:
- Không điều khiển được chân côn, dẫn đến nhả côn quá tầm, dẫn đến chết máy.
- Trước khi nhả côn, phải ga thốc lên tầm vòng tua máy 1.500 - 2.000 vòng/phút, nhưng trong quá trình nhả côn lại không giữ đều chân ga khiến đầu xe sẽ không ngóc lên được.
- Khi nhả côn, đầu xe chưa ngóc lên đã cắt phanh tay, khả năng tụt dốc là 95%. Bạn vẫn chỉ có thể cứu bạn nếu nhả thêm chút côn và ga thốc lên.
- Sau khi cắt phanh tay, không giữ nguyên chân côn, chân ga lúc bắt đầu cắt phanh tay. Khả năng tụt dốc là 98%, 2% cho bạn bình tĩnh đạp côn, phối hợp với phanh và kéo phanh tay để thực hiện lại cú đề-pa.
Tóm lại trong quá trình từ lúc bắt đầu thực hiện cú đề-pa ngoạn mục của bạn thì tay phải của bạn luôn cầm lấy cái phanh tay và hãy thật bình tĩnh. Đối với những xe máy còn ngon có thể đề-pa như sau mà không cần kéo phanh tay:
- Đạp côn với phanh để dừng trên dốc.
- Khi đi, bạn hơi nhả côn thật từ từ, khi thấy xe rung rung lên, chuyển chân phanh sang chân ga, ga thốc lên, đảm bảo lên dốc 100%. Cách này chỉ dùng cho thời gian đỗ xe ngắn, nếu không sẽ xảy ra tình trạng mỏi chân.
6. Khi nào nên về số "mo"?
- Khi đang đi trên đường mà trả xe về số 0 là việc không nên làm, vì thực tế không tiết kiệm xăng bao nhiêu mà còn làm cho quán tính của xe tăng lên đột ngột, khiến bạn sẽ khó mà kiểm soát được tốc độ, dễ bị mất lái, nếu ngay lúc đó gặp chướng ngại vật cần đạp phanh ngay thì phanh cũng không mấy hiệu quả.
- Về số 0 khi xuống dốc là một việc làm hết sức nguy hiểm, vì khi đó tốc độ xe tăng theo gia tốc, không tài nào phanh phát huy tác dụng.
- Khi xe sắp đến đèn đỏ, bạn trả xe về số 0 để cho xe trôi tự do đến vạch dừng đèn đỏ cũng không nên, bởi vì nếu phanh xe bạn không ăn thì xe của bạn sẽ đâm vào xe phía trước, hoặc nếu có chướng ngại vật xuất hiện bất chợt phía trước thì bạn cũng khó tránh được vì khi đó xe bạn đã ở số 0 và xe của bạn đã không còn động năng để mà di chuyển tiếp nữa.
Tóm lại, khi đang di chuyển, bạn nên hạn chế về số 0. Nếu gần đến vạch đỗ đèn đỏ, bạn nên chủ động về số thấp để vừa giảm tốc độ chuẩn bị dừng đỗ, vừa vẫn có thể duy trì tốc độ chủ động di chuyển khi cần tránh chướng ngại vật xuất hiện bất ngờ.
7. Vào buổi sáng, không nên nổ máy và đi ngay
Đây là thời điểm động cơ dễ bị ăn mòn và hỏng nhất. Sau khoảng thời gian dài không vận hành, đa phần dầu xe đã lắng xuống phía dưới động cơ. Hệ thống xi-lanh và buồng đốt lúc này gần như chỉ còn một lớp dầu mỏng bám trên bề mặt.
Khởi động động cơ vào lúc này cần có khoảng thời gian nhất định để dầu có thể được bơm lên xi-lanh một cách đầy đủ. Sau đó bật chìa khóa điện khởi động và để động cơ nổ ở chế độ chờ trong khoảng nửa phút tới một phút trước khi vận hành.
Theo AutoDaily