Một cảnh ngập nước ở đường vành đai Hà Nội trong tháng 7.ảnh minh họa

Sau mỗi trận ngập úng dường như là thời điểm hái ra tiền của các garage xe hơi cũng như các cửa hàng sửa chữa xe máy khi có rất nhiều phương tiện gặp trình trạng nước vào động cơ, chập điện hoặc nghiêm trọng hơn là thuỷ kích, gây rất nhiều phiền toái và thiệt hại về kinh tế cho chủ xe. Để có thể phòng tránh các sự cố không mong muốn này, trước hết chúng ta cần phải hiểu nguyên nhân gây ra những sự cố đó.

Nước vào động cơ theo đường nào?

Nước có thể vào động cơ theo 2 con đường chính, đó là qua hệ thống ống xả hoặc qua bộ lọc gió.

Khi đã chết máy giữa vùng nước ngập cao hơn ống xả, tốt nhất là không khởi động lại máy.ảnh minh họa

Trường hợp nước vào qua hệ thống ống xả: Khi động cơ hoạt động, luôn có một dòng khí thải theo đường ống xả thoát ra ngoài vì vậy nước ít có khả năng chảy ngược vào động cơ khi máy đang chạy đều. Tuy nhiên khi xe đột ngột chết máy giữa đoạn ngập mà mực nước cao hơn phần cổ ống xả, áp lực hơi đẩy ra không còn, nước có thể dễ dàng chảy theo đường ống xả vào buồng đốt.

Sóng có thể đẩy nước tràn vào cổ hút.ảnh minh họa

Trường hợp nước vào qua bộ lọc gió: Đối với ôtô hay xe máy, vị trí của bộ lọc gió chính là giới hạn cho khả năng lội nước của xe. Về lý thuyết, mực nước ở dưới cửa hút gió động cơ, xe vẫn có thể vận hành bình thường. Tuy nhiên khi di chuyển qua các đoạn ngập, người lái xe có thể gặp phải những đoạn đường trũng hoặc phương tiện chạy ngược chiều tạo ra sóng khiến mực nước dâng cao đột ngột, từ đó tràn vào cửa hút gió, thấm qua lọc gió rồi theo đường khí nạp chảy thẳng vào buồng đốt. 

Xứ lý khi đi xe qua đoạn đường ngập

Cách điều khiển xe tốt nhất qua những đoạn đường ngập nước đó là giảm tốc độ, về số thấp và giữ đều ga. Trong khi di chuyển, nên chạy gần về phía tâm đường, luôn chú ý quan sát những xe đi phía trước để biết được độ sâu của đoạn đường sắp tới và phát hiện những xe đi ngược chiều từ xa có khả năng tạo sóng khiến mực nước dâng lên đột ngột.

Tay biên bị cong do hiện tượng thuỷ kích.ảnh minh họa

Nếu chẳng may xe chết máy ngay giữa các đoạn ngập sâu, điều quan trọng nhất là đừng cố khởi động lại máy bởi đây chính là sai lầm chết người của nhiều chủ xe dẫn đến hiện tưởng thuỷ kích (cong tay biên) rất tốn kém để sửa chữa. Khi xe chết máy, đối với xe máy cần tắt chìa khoá điện, dắt xe thoát khỏi khu vực ngập đồng thời tiến hành tháo, lau khô bugi và nắp chụp bugi.

Khi bugi đã được tháo khỏi động cơ, có thể ấn nút đề hoặc đạp cần khởi động để đẩy hết nước trong buồng đốt ra ngoài. Đối với những người không có kinh nghiệm cơ khí, tốt nhất nên tìm một cửa hàng sửa xe để tiến hành các thao tác kiểm tra này. Đối với ôtô khi chết máy giữa đoạn đường ngập, cách tốt nhất là tắt chìa khoá điện và gọi các đơn vị cứu hộ.

Kiểm tra và lau khô bugi xe máy là dịch vụ hái ra tiền trong ngày mưa ngập ở Hà Nội, TP.HCM. Ảnh minh họa

Thêm một vấn đề nữa cần lưu ý đó là ngay cả khi nước không vào buồng đốt nhưng vẫn có khả năng đã vào bên trong động cơ. Cách đơn giản nhất để biết là hãy kiểm tra dầu nhớt của xe qua que thăm dầu. Dầu nhớt khi bị hoà lẫn với nước sẽ có màu nâu nhạt và đục, không còn khả năng bôi trơn. Khi đó không nên tiếp tục sử dụng xe để tránh hư hại cho các chi tiết khác và tìm ngay các cửa hàng sửa chữa gần nhất để tiến hành súc rửa và thay dầu động cơ.

Dầu nhớt khi bị dính nước có màu nâu nhạt và đục, mất khả năng bôi trơn.ảnh minh họa

Khi đã tiến hành kiểm tra và chắc chắn rằng trong động cơ và buồng đốt không có nước, chúng ta có thể khởi động lại máy, chờ cho máy nóng, kéo ga vài lần để đẩy hết nước còn đọng lại trong ống xả và tiếp tục di chuyển.

Một số lời khuyên cho người điều khiển phương tiện

- Cố gắng tìm những tuyến đường cao và ít ngập nước để đi, dù có thể phải đi vòng, xa hơn bình thường.

- Hạn chế di chuyển tới các tuyến đường, giao lộ thường có nhiều phương tiện lưu thông, đặc biệt là trong giờ cao điểm, để tránh ùn tắc.

- Cố gắng không đi quá sát lề đường, vì dễ va quệt với những người tìm cách tạt vào lề để mặc áo mưa và tránh được những đoạn nắp cống, ổ gà... ven đường khi bị nước mưa che khuất.

- Duy trì khoảng cách thích hợp đối với các xe đi trước; không nên đi quá gần các xe lớn đề phòng trường hợp xe đó phanh gấp hoặc bạn không thể nhìn thấy chướng ngại vật mà xe trước gặp phải.

- Tránh các khu vực hút gió, như giữa các khu nhà cao tầng; đồng thời, cố gắng tránh xa các cây to đề phòng cây bật gốc.

xedoisong.vn