Cao tốc là những con đường có 2 chiều tách biệt, mỗi chiều 2 - 3 làn, cho phép người điều ô tô lưu thông với tốc độ cao (60, 80, 100, 120 km/h). Vì vậy, nếu di chuyển bằng cao tốc sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, lợi ích này có 2 mặt. Khi nhiều xe cùng di chuyển với tốc độ cao, nếu tài xế không có kỹ năng lái xe, xử lý tình huống cơ bản thì rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Sau đây là 4 lưu ý tối thiểu mà ai lái xe trên đường cao tốc đều phải thuộc lòng. 

Giữ khoảng cách với xe phía trước và không chạy bám đuôi  

Giữ khoảng cách an toàn là yêu cầu bắt buộc khi tham gia giao thông, không chỉ riêng trên đường cao tốc. Điều này sẽ giúp xe đi sau có đủ thời gian và quãng đường để phanh/đánh lái khi phát hiện xe phía trước có vấn đề. Đặc biệt khi chạy trên cao tốc, những làn cho phép chạy 100km/h, 120km/h thì càng phải lưu ý điều này. Nếu không giữ khoảng cách, chạy bám đuôi xe phía trước thì khi xe phía trước bất ngờ phanh hoặc chuyển làn, rất dễ xảy ra va chạm "dồn toa". 

Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT thay thế Thông tư 91/2015 quy định chi tiết đối với tốc độ tối đa được phép của từng loại phương tiện sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2019 tới. Thông tư 31/2019 còn quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ cụ thể của xe.

Xe chạy với tốc độ lớn hơn 80 km/giờ và nhỏ hơn hoặc bằng 100 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 m. 
Xe chạy với tốc độ lớn hơn 100 km/giờ và nhỏ hơn hoặc bằng 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 m.

Ví dụ, xe 1 và xe 2 đều đang đi ở làn trong cùng giới hạn tốc độ cao nhất, xe 1 bắt buộc phải giữ khoảng cách với xe 2 và xe 3. Nếu muốn vượt xe 3, xe 1 cần đợi xe 2 chuyển sang làn ngoài xong, thông thóang tầm nhìn, nháy pha cho xe 3 để xin vượt. Nếu đợi lâu mà xe 2 không chuyển làn, trong khi xe 1 đang muốn vượt, thì cần nháy pha cho xe 2. 

Không đột ngột chuyển làn

Thông thường, mỗi chiều trên cao tốc sẽ có 2 - 3 làn, tương ứng với các mức tốc độ cho phép khác nhau (60km/h, 80km/h, 100km/h hoặc 120 km/h), vì vậy, nếu đột ngột chuyển làn thì rất dễ xảy ra va chạm do sự chênh lệch về tốc độ.

Vậy làm thế nào để chuyển làn đúng? Thứ nhất, chỉ được chuyển làn ở những đoạn cho phép (vạch đứt, có biển báo). Thứ hai, khi xác định chuyển làn, cần bật xi nhan để báo hiệu cho xe phía sau ở làn bên kia. Đồng thời, quan sát xe chạy trước và xe chạy sau để của làn hiện tại để giữ khoảng cách an toàn rồi mới tiến hành chuyển làn. Bên cạnh đó, khi nhập sang làn mới, tùy theo tốc độ cho phép mà giảm/tăng tốc tương ứng. 

Ví dụ, nếu đang đi 70km/h ở làn trong cùng (cho phép chạy 60 - 100km/h), thì khi nhập sang làn giữa, bạn phải tăng tốc và duy trì ở trong khoảng 80 - 120 km/h. 

Di chuyển đúng tốc độ của làn 

Cao tốc là nơi cho phép ô tô chạy tốc độ cao để tiết kiệm thời gian di chuyển. Vì vậy, hãy lái xe đúng tốc độ cho phép của làn. Nếu làn trong cùng cho phép chạy 120km/h nhưng người lái chỉ chạy 80km/h thì sẽ cực kì khó chịu cho những người phía sau. 

Xem thêm: Nhận biết nhanh các loại vạch kẻ đường thường gặp để tránh bị phạt oan
Xem thêm: Những lưu ý khi gọi cứu hộ ô tô

Xác định vị trí điểm dừng, đỗ theo quy định

Các tuyến đường cao tốc đều có những chặng dừng chân để nghỉ ngơi hoặc xử lý sự cố. Khi di chuyển vào những điểm dừng này, cần bật xi nhan chuyển làn và quan sát kỹ các xe đi phía sau và phía trước. 

Với trường hợp cần dừng xe khẩn cấp hoặc đưa xe ra khỏi làn đang chạy nhưng không được, cần phát tín hiệu để những tài xế phía sau có thể quan sát, thường là bằng biển báo tam giác. Ngoài ra, khi di chuyển từ làn dừng/đỗ sang làn khác, cũng cần quan sát kỹ rồi mới nhập, không vọt ga ngay lập tức. 

Trên đường cao tốc, làn ngoài cùng bên phải được tách biệt bằng vạch liền, gọi là làn khẩn cấp, dành cho các xe gặp sự cố có thể dừng lại, hoặc dành cho những xe ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp có thể chạy như xe cứu thương, xe công an.  

Giảm tốc độ khi trời mưa lớn

Khi trời mưa, sức bám của bánh xe và mặt đường giảm, nếu cần phanh gấp thì quãng đường sẽ dài hơn nhiều so với điều kiện bình thường. Chạy cao tốc với tốc độ càng cao, chiều dài quãng đường phanh càng lớn. Nếu xảy ra tình huống bất ngờ, cần phanh gấp thì rất nguy hiểm. Vì vậy, khi chạy cao tốc khi trời mưa lớn, cần chú ý giảm tốc độ và quan sát rõ hai bên kính chiếu hậu. Theo thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định các trường hợp phải giảm tốc độ, trong đó có "trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi". Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định khi mưa lái xe phải tăng khoảng cách an toàn giữa hai xe.

Vào - ra cao tốc đúng cách

Theo khoản 1 Điều 26 về giao thông trên đường cao tốc của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:

- Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường; khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài; nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc.

- Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải. Nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc.

Tạo thói quen quan sát đều cả 3 gương

Gương trên ô tô là con mắt thứ 3 của bạn, giúp bạn quan sát được đa chiều hơn khi lái xe. Hãy tập và hình thành thói quen nhìn lướt qua cả ba gương: gương chiếu hậu bên trong, gương bên lái và gương bên phụ.

Cụ thể, khi vượt và chuyển làn, việc đầu tiên cần làm là kiểm xem có xe nào đang đi tới từ phía sau hay không, đặc biệt là ở vùng điểm mù nơi mà gương không thể chiếu toàn bộ tầm nhìn. Để quan sát rõ hơn, bạn nên lắp thêm gương cầu lồi nhỏ góc gương lái/phụ. Bên cạnh 2 gương lái/phụ, gương chiếu hậu cũng có tác dụng tương tự, chiếu tầm nhìn từ phía sau để giúp bạn phát hiện các xe đang đi lên. Khi vào trời tối, một số loại gương chiếu hậu chống chói tự động còn giảm bớt phản xạ đèn pha của những xe phía sau, giúp bạn tập trung lái xe và không bị khó chịu. 

Theo danhgiaxe.com