Nguyên lý để phát ra những giai điệu này cũng không quá phức tạp. Theo thiết kế, mặt đường sẽ được tạo những đường rãnh nhỏ, các đường khía liên tiếp này trên mặt đường sẽ tạo nên một giai điệu mỗi khi có phương tiện đi qua. Tương tự như việc xe tạo ra âm thanh khi đi qua những chỗ xóc hay gồ ghề.

Mỗi đoạn đường âm nhạc tại Nhật dài từ 175 đến 200m và chứa hàng nghìn rãnh nhỏ cách nhau một khoảng nhất định, thường trong khoảng 6-12mm. Rãnh càng gần nhau thì âm vực tiếng nhạc phát ra càng cao và ngược lại. Bởi vậy, nốt cao hay nốt trầm tạo nên giai điệu nhạc đều tùy thuộc vào độ sâu và khoảng cách giữa các đường khía.

Tuy nhiên, tốc độ xe chạy mới chính là chìa khóa quyết định tiếng nhạc. Để thưởng thức giai điệu một cách tốt nhất, xe cần đóng kín cửa kính và đi với tốc độ 45km/h. Lái xe nhanh hơn giới hạn này thì âm thanh sẽ trở nên chói tai, như một lời cảnh báo. Còn nếu chạy quá chậm, âm thanh sẽ giống như cuộn băng rè, rất khó chịu. Điều này giúp cho người dân ở xứ sở hoa anh đào vừa tuân thủ tốc độ khi lái xe vừa có thể thư giản với những giai điệu amm nhạc thú vị.

Tại đất nước Nhật Bản, có tới 4 con đường có khả năng tự cất tiếng hát ở Hokkaido, Wakayama, Shizuoka và Gunma. Ngoài biển báo báo hiệu sắp vào con đường âm nhạc, mặt đường gần đó còn được sơn các nốt nhạc màu sắc bắt mắt. Và các đường rãnh cũng chỉ nằm ở một làn đường, nên tài xế hoàn toàn có thể chọn lựa giữa việc nghe nhạc hay không.

Ý tưởng này xuất phát người đàn ông tên Shizuo Shinoda khi nghe thấy âm thanh phát ra từ những vệt khía trên đường mà mình đã vô tình để lại trước đó khi lái máy xúc. Viện nghiên cứu công nghiệp Hokkaido sau đó đã dựa trên phát hiện này của Shinoda để đưa ra bản thiết kế và chính thức tạo ra con đường âm nhạc đầu tiên tại Nhật vào năm 2007.

Theo cafeauto