Pin ô tô điện sẽ trở thành "núi rác" gây ô nhiễm môi trường nếu không được tái chế (Ảnh: Insideevs).
Những viên pin ô tô điện thường nặng tới 500 kg và chiếm tới 50% giá trị của một chiếc xe điện. Việc khai thác các vật liệu và lắp ráp pin vô cùng tốn kém, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu chúng không được tái chế.
Để hoạt động sản xuất pin xe điện có lãi, các nhà sản xuất ô tô, pin xe điện đã phải nghiên cứu biện pháp kéo dài tuổi thọ pin ra khoảng 15 năm trước khi được thay mới.
Đồng thời, người dùng có thể mang đến cho pin tuổi thọ thứ hai dùng làm nguồn điện dự trữ trong xây dựng hoặc sử dụng tại nhà.
Theo báo cáo từ Viện Tương lai bền vững (ISF) tại Sydney (Australia), tiềm năng tái chế của những loại pin này rất lớn. Nó có thể giúp giảm nhu cầu các nguyên liệu để sản xuất pin trên thế giới vào năm 2040; cụ thể đối với lithium là 25%, coban, niken là 35% và đồng là 55%.
Lắp ráp pin cho ô tô điện tại nhà máy PSA Peugeot Citroën ở Trnava, Slovakia (Ảnh: Sciences Avenir).
Tuy các loại pin có tỷ lệ khác nhau nhưng đều có thành phần giống nhau. Chính vì thế, việc tái chế pin phần nào trở nên dễ dàng hơn đối với các nhà sản xuất.
Đầu tiên, pin sẽ được các công ty tái chế xả hết năng lượng, lột bỏ lớp vỏ nhựa, điện tử cũng như các tấm nhôm giữ các tế bào với lõi của pin. Những tế bào này sau đó được nghiền thành bột để từ đó chiết xuất các kim loại khác nhau và phân loại bằng nhiệt hoặc phương pháp hóa học.
Mặt khác, các nhà sản xuất ô tô, công ty pin đang nghiên cứu thêm các biện pháp an toàn trong quá trình tái chế khi những rủi ro có thể xảy ra đối với các về vấn đề điện hay tất cả các mô-đun đều được bao phủ bởi các dung môi dễ cháy và gây ô nhiễm.
Theo ISF, các nhà sản xuất pin ô tô có thể tái chế 60% trọng lượng pin. Trong đó, Ủy ban châu Âu đã đưa ra yêu cầu tới các nhà sản xuất ô tô tích hợp tối thiểu vật liệu tái chế vào pin từ năm 2030 lên đến 12% coban, 4% lithium và niken.
Việc tái chế này có thể trở nên khổng lồ và có lợi nhuận, làm dấy lên sự quan tâm của các công ty sản xuất pin. Theo giới quan sát, ngành công nghiệp Trung Quốc đang dẫn đầu với việc nhà sản xuất pin CATL vừa công bố xây dựng một nhà máy tái chế trị khoảng 4,3 tỷ euro.
Tại Hoa Kỳ, một trong những người sáng lập Tesla đã huy động được 500 triệu USD vào tháng 7 để mở rộng nhà máy tái chế Redwood. Ngoài ra, tại miền bắc Thụy Điển, một công ty khởi nghiệp Northolt dự kiến sẽ đưa vào hoạt động một nhà máy vào năm 2022 có khả năng tái chế 25.000 tấn pin mỗi năm.
Gã khổng lồ trẻ tuổi này hiện đang là đối tác của nhà sản xuất ô tô Volkswagen và BMW, hứa hẹn sử dụng tới 50% nguyên liệu tái chế vào năm 2030 để sản xuất pin.
Khoảng 500.000 tấn pin sẽ được tái chế vào năm 2030 (Ảnh: Sciences Avenir).
Tập đoàn hạt nhân khổng lồ Orano của Pháp cũng đã khởi động một dự án thử nghiệm. Didier David, giám đốc dự án này cho biết: "Các dự báo về khối lượng pin được tái chế là rất lớn. Chúng tôi đang nói về khoảng 500.000 tấn sẽ được tái chế vào năm 2030".
Theo đó, Orano sẽ áp dụng bí quyết hạt nhân của mình trong việc xử lý "các vật thể phức tạp," tái chế và luyện kim thủy lực, một kỹ thuật được sử dụng để khai thác uranium. Didier David giải thích: "Mọi thứ đều không được tiêu chuẩn hóa và mỗi nhà sản xuất có công thức riêng. Bước tiếp theo sẽ là tìm nguồn tài chính cần thiết và khách hàng để tăng tốc," Didier David giải thích.
Tại Northvolt, giám đốc môi trường Emma Nehrenheim lo lắng: "Tất cả những dự báo mà chúng tôi đưa ra cho đến bây giờ đều thấp hơn thực tế. Sản xuất pin đang không ngừng phát triển và có nguy cơ châu Âu chưa sẵn sàng. Đó là lý do chúng ta phải hành động ngay bây giờ".
Theo Dân Trí