Hoạt động trên thực hiện theo Công văn số 12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016 của Bộ Tài chính chỉ đạo các tỉnh, thành triển khai các biện pháp quản lý hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước. Bởi thời gian qua, tình trạng gian lận về đo lường số lượng, chất lượng, nguồn hàng cung cấp, hoá đơn và các hành vi mua bán xăng, dầu ngoài hệ thống phân phối vẫn còn diễn ra phức tạp, gây thất thu đáng kể cho ngân sách.

Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 350 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu và có khoảng 1.300 cột bơm (đồng hồ). UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Tài chính và Cục Thuế phối hợp xây dựng các biện pháp kiểm tra và phương án quản lý. Theo đó, phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành.

Hiện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phụ trách các công việc chuẩn bị như: tem, chì, công tơ, kiểm định viên, kỹ thuật niêm phong. Cục Thuế ghi nhận chỉ số đã kê khai thuế, chỉ số còn tồn trên đồng hồ, chốt số ngay thời điểm niêm phong.

Ngoài ra, cơ quan thuế chốt hoá đơn còn tồn chưa sử dụng tới ngày niêm phong để theo dõi tình hình xuất hoá đơn. Còn đối với người nộp thuế, có cam kết bảo quản tem niêm phong. Hoạt động niêm phong bắt đầu ra quân từ ngày 20/10 và kết thúc vào ngày 30/11/2016.

Theo ghi nhận, hiện các quy trình chuẩn bị đều được đảm bảo, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì gắn công tơ tổng và các dụng cụ, thủ tục về niêm phong đồng hồ. Cơ quan thuế kết hợp ghi nhận số liệu trên đồng hồ công tơ để chốt số liệu, hoá đơn, nhằm xác định từ ngày niêm phong đến kỳ khai thuế kế tiếp tăng, giảm như thế nào và quản lý có đạt theo yêu cầu hay không.

UBND tỉnh cũng đã ký thông báo gửi đến các doanh nghiệp về vấn đề niêm phong và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, bảo quản tem niêm phong này, nếu có sai phạm sẽ xử phạt theo quy định.

Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Sua cho biết, chủ trương thực hiện biện pháp niêm phong đồng hồ công tơ đã được 3 tỉnh thực hiện gồm: Nghệ An, Thái Bình, Lâm Ðồng và theo đánh giá của Bộ Tài chính là hiệu quả. Ðây là biện pháp chống thất thu rất cơ bản, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cục Thuế tỉnh Cà Mau cho rằng, cục không thể nắm được lượng vào, lượng bán ra cũng như không thể kiểm đếm được lượng hàng hoá tồn kho xăng dầu, mà chỉ thực hiện theo tính tự giác của người nộp thuế là chủ yếu. Sắp tới, thông qua biện pháp lắp đặt, niêm phong kẹp chì đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng dầu mà Bộ Tài chính vừa triển khai, có thể sẽ quản lý được tất cả các lượng xăng dầu tiêu thụ.

Lâu nay, vấn đề quản lý trong lĩnh vực xăng, dầu luôn gây đau đầu cho các ngành chức năng, bởi đặc thù hoạt động này rất khó kiểm soát đầu vào và càng khó quản lý đầu ra do hệ thống bán lẻ quá rộng. Hầu hết người tiêu dùng khi mua xăng, dầu đều không lấy hoá đơn, doanh nghiệp chỉ tự kê khai cuối ngày. Sẽ rất dễ dàng đối với doanh nghiệp làm ăn không chân chính trong vấn đề trốn thuế vì chỉ cần kê khai đủ đầu vào và khai khống lượng tồn kho. Hoặc nếu trong trường hợp doanh nghiệp không kê đầu vào và bỏ luôn đầu ra thì ngành thuế cũng khó nắm được.

Trước đây, cơ quan quản lý thị trường kiểm soát kinh doanh xăng, dầu chủ yếu bằng cách chỉ cho doanh nghiệp đó hợp đồng với một doanh nghiệp cung cấp xăng, dầu đầu mối. Nhưng theo đánh giá, thời gian qua một số doanh nghiệp không chấp hành vấn đề này. Với sự kiểm soát thiếu chặt chẽ như vậy, khả năng thất thu thuế là rất lớn.

Tuy nhiên, với biện pháp lắp đặt, niêm phong kẹp chì đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu được triển khai sẽ quản lý chặt hoạt động kinh doanh mặt hàng này, tránh gian lận thương mại và trên hết sẽ bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng./.

Nguồn TTXVN – Thiên Ân st