Năm 2015, các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon từng mạnh miệng hứa hẹn rằng đến năm 2020 loài người sẽ sản xuất được ô tô tự lái hoàn toàn.
Ủng hộ theo nhận định đó, các hãng xe hơi cũng có những động thái hết sức tích cực để thúc đẩy ngành công nghệ này. Ford đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ trí tuệ nhân tạo của Argo AI để xây dựng hệ thống tự lái của mình cùng tuyên bố sẽ đưa xe hơi tự lái ra mắt thị trường vào năm 2021.
Trong khi, BMW đã hợp tác với Daimler và bắt đầu mua cổ phần của nhiều công ty công nghệ khác nhau. Thế nhưng thực tế đã chứng minh ngày ô tô có thể tự lái còn rất xa vời.
Quá trình nghiên cứu và phát triển xe tự lái đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng khi một người đi xe đạp bị tử vong do va chạm với xe tự lái của hãng Uber vào năm 2018. Tai nạn này khiến toàn bộ ngành sản xuất ô tô và giới công nghệ phải dừng lại để cân nhắc và suy nghĩ xem liệu những chiếc xe tự lái đã đủ thông minh để tự hoạt động mà không cần con người hướng dẫn.
Hầu hết tất cả công ty đều đồng ý rằng việc tạo ra một chiếc xe hoàn toàn tự động phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu.
Tổng giám đốc điều hành của hãng Ford, ông Jim Hackett đã phải thừa nhận trước Câu lạc bộ kinh tế Detroit “chúng tôi đã dự đoán quá sớm sự xuất hiện của xe tự lái”.
Sáu cấp độ của xe tự lái. Ảnh: SAE International
Theo tiêu chuẩn của NHTSA (Cơ quan An toàn giao thông cao tốc quốc gia Mỹ) và SAE International, khả năng của xe tự lái sẽ được chia ra làm 6 cấp độ từ 0 đến 5, cụ thể như sau:
Cấp độ 0: Tài xế tự điều khiển hoàn toàn, không có bất kỳ hệ thống hỗ trợ nào.
Cấp độ 1: Xe được trang bị một số tính năng hỗ trợ lái như kiểm soát hành trình, tài xế phải tự phanh và đánh lái.
Cấp độ 2: Ở cấp độ này, các hệ thống tự động, hỗ trợ lái có thể hoạt động tương thích với nhau, ví dụ như tính năng điều khiển hành trình thích ứng với tính năng giữ làn đường. Tính năng này chủ yếu được sử dụng khi xe ở trên đường cao tốc và tài xế vẫn phải để mắt đến các tình huống trên đường.
Cấp độ 3: Cũng giống như cấp độ 2 nhưng các hệ thống tự động, hỗ trợ lái có thể hoạt động tốt ở trong khu vực thành phố. Người sử dụng chỉ cần xử lý các tình huống bất ngờ.
Cấp độ 4: Xe có thể tự xử lý hầu hết mọi tình huống thông thường trên đường. Tài xế có thể tham gia vào quá trình lái xe hoặc không.
Cấp độ 5: Xe có thể tự xử lý tất cả các tình huống, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu như mưa, tuyết. Đây là kịch bản lý tưởng, bạn chỉ cần nhập vị trí những nơi cần đến và chiếc xe tự thực hiện tất cả. Ví dụ xe sẽ đưa các con bạn tới trường học rồi quay lại để đón bạn đi làm.
Xe tự lái do Uber phát triển. Ảnh: Autoguide
Đó là lý thuyết, còn quá trình thực hiện lại vô cùng khó khăn.
Bằng các cảm biến, radar, lidar (radar laser), những chiếc ô tô hiện đại có thể phát hiện được tất các biển báo giao thông, đèn tín hiệu, chướng ngại vật trên đường, đo khoảng cách với các xe đi trước…Những năm qua, công nghệ đã giúp thực hiện được 80% quá trình để sản xuất một chiếc xe tự lái, chỉ còn 20% nhưng đó lại là phần khó nhằn nhất. 20% này chính là sự khác biệt cơ bản giữa con người và máy móc.
Nhờ khả năng quan sát và rút kinh nghiệm, con người có thể dự đoán được hành động của những phương tiện, người tham gia giao thông xung quanh. Thế nhưng máy tính vẫn chưa làm được điều này. Máy tính chỉ phát hiện được có người đi bộ phía trước nhưng không thể từ ngôn ngữ cơ thể mà phán đoán xem người đi bộ ấy có ý định băng qua đường hay không. Nói một cách khác, đối với máy tính hành vi của con người rất khó hiểu.
Chúng ta từng nghĩ giữa máy móc và loài người chỉ còn một khoảng cách nhỏ nhưng hóa ra đó lại là cả một vực sâu.
Và còn rất nhiều khó khăn khi xây dựng một hệ thống tự lái hoàn chỉnh. Các hệ thống hỗ trợ lái hiện tại tạm thời có thể hoạt động tốt trong điều kiện có tầm nhìn thoáng đãng (đường cao tốc), biển báo giao thông, vạch kẻ đường rõ nét thế nhưng khi thời tiết xấu (có mưa, tuyết rơi) những yếu tố thuận lợi này sẽ bị loại bỏ.
Ngoài các yếu tố về thời tiết, điều kiện vật chất, mỗi một quốc gia, khu vực lại có văn hóa tham gia giao thông khác nhau, đòi hỏi các hãng sản xuất phải điều chỉnh phần mềm tự lái cho phù hợp với văn hóa của khu vực ấy. Với hơn 200 quốc gia trên thế giới, đây sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ.
Hệ thống hỗ trợ lái rảnh tay của Tesla. Ảnh: Business Insider
Hiện tại, hệ thống Autopilot của Tesla và Super Cruise của Cadillac đang là hai trong số những hệ thống hỗ trợ lái tốt nhất hiện có trên thị trường. Những hệ thống này được xếp vào cấp độ 2 trong thang chấm điểm xe tự lái của NHTSA.
Hãng Audi đã tuyên bố đã đạt được khả năng tự lái cấp độ 3 đầu tiên trên thế giới với chiếc Audi A8. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa được đưa vào sử dụng thực tế bởi các nhà quản lý pháp luật vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng giao vô lăng điều khiển xe cho máy tính.
Trong khi đó, các hãng công nghệ vẫn miệt mài nghiên cứu nhằm nâng cao khả năng của các hệ thống tự lái. Công ty Waymo đang thử nghiệm dịch vụ đưa đón tự hành ở Phoenix. Ford và Volkswagen đã hợp tác với Argo AI để biến những chiếc taxi robot của họ thành hiện thực.
Và taxi-robot có thể là phương án khả thi với loài người hơn trong tương lai gần nếu loại phương tiện này được ưu tiên hoạt động trên những tuyến đường dành riêng và vận tốc chạy không quá 30 mph (48 km/h).
Phải rất lâu con người mới có được một hệ thống giao thông tự lái.
Còn nếu muốn xây dựng một hệ thống giao thông tổng thể mà tại đó tất cả các chiếc xe đều có tính năng tự lái đòi hỏi sẽ phải tốn kém thời gian lên tới vài chục năm.
Ngoài vấn đề khó khăn về mặt công nghệ như đã kể trên, giả sử một hãng xe nào đó dồn tiền đầu tư để sản xuất một chiếc xe siêu thông minh có thể phán đoán được hành vi của con người thì cũng phải rất lâu để công nghệ ấy trở nên đủ rẻ để có thể sản xuất đại trà.
Theo Vietnamnet