Nội dung được đề cập trong tờ trình của UBND gửi HĐND tỉnh Cà Mau về chính sách hỗ trợ các hàng hàng không khai thác đường bay đến địa phương. Việc hỗ trợ áp dụng cho hãng dùng các loại tàu bay phải giảm tải khi khai thác đường bay đến Cà Mau. Kinh phí do ngân sách tỉnh cân đối, được phân bổ hàng năm.

Tàu bay của hãng Bamboo Airways tại sân bay Cà Mau. Ảnh: An Minh

Các hãng được hỗ trợ là đơn vị khai thác đường bay với tổng số chuyến bay đi, đến sân bay Cà Mau tối thiểu 6 chuyến mỗi tuần, thời gian khai thác tối thiểu là một năm. Chi phí duy trì khai thác đường bay bằng tiền vé của 10% tổng lượng ghế hành khách của mỗi loại tàu bay, theo từng chuyến.

Cụ thể, mức giá vé để tính hỗ trợ là 3 triệu đồng mỗi ghế với đường bay trên 1.000 km; 2 triệu đồng mỗi ghế với đường bay 500-1.000 km và 1,5 triệu đồng mỗi ghế đối với đường bay dưới 500 km.

Sân bay Cà Mau có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay Code C như ATR72, Embraer E190 và tương đương trở xuống. Nhiều năm qua, cảng chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP HCM và ngược lại với tần suất 5 chuyến mỗi tuần.

Từ ngày 29/4, đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội và ngược lại được đưa vào khai thác với tần suất 3 chuyến mỗi tuần. Qua thời gian khai thác, các chuyến bay luôn có hệ số ghế cao, bước đầu đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đường cất hạ cánh sân bay Cà Mau có kích thước và sức chịu tải hạn chế, các tàu bay khai thác đường bay tầm trung tại cảng phải giảm tải và tần suất.

Theo chính quyền tỉnh, trong giai đoạn sân bay Cà Mau chưa được cải tạo, nâng cấp, việc hỗ trợ các hãng hàng không là rất cần thiết để các hãng duy trì, tăng tần suất chuyến bay đang khai thác; thu hút các hãng mở đường bay mới. Từ đó, giúp rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh với các vùng, miền trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vnexpress.net