khoảng 3 giờ sáng cùng ngày, tuyến đường ô tô về trung tâm xã Nguyễn Huân bị sạt lở hoàn toàn xuống sông, với chiều dài khoảng 110 m. Vị trí sạt lở cách UBND xã Tân Tiến, H.Đầm Dơi hướng về xã Nguyễn Huân khoảng 1,5 km (khu vực ngã ba Cây Tàng).

Vụ sạt lở khiến các phương tiện giao thông không thể đi lại được. Chính quyền địa phương phải huy động phà để đưa, rước xe máy qua lại.

UBND H.Đầm Dơi đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục bằng cách đổ đá cấp phối, nắn chỉnh vào bên trong để phục vụ đi lại đối với xe mô tô, riêng xe ô tô phải tạm dừng lưu thông. Đồng thời, huyện đề xuất UBND tỉnh Cà Mau và các sở, ngành tỉnh khảo sát thực tế, chỉ đạo giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Cùng ngày, Phòng Kinh tế hạ tầng H.Đầm Dơi đã có thông báo việc lưu thông về trung tâm xã Nguyễn Huân. Theo đó, kể từ ngày 7.7 đến khi có thông báo mới, tạm dừng lưu thông đối với các phương tiện xe ô tô từ đoạn sạt lở về trung tâm xã Nguyễn Huân. Đối với phương tiện xe máy, khi lưu thông qua đoạt sạt lở, phải chú ý quan sát, giảm tốc độ để đảm bảo an toàn giao thông.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện đã có đến 140 vụ sạt lở đất ven sông làm hư hỏng hoàn toàn 256m kè bê tông, sập hoàn toàn 26 căn nhà, hư hỏng 10 căn nhà, thiệt hại 3.000m2 đất vuông rừng, 1.100m2 đất vuông, 180m lộ nhựa, hơn 2.300m lộ bê tông,… ước tổng thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng.

Điển hình là vụ sạt lở khoảng 110m tuyến đường ô tô độc đạo về trung tâm xã Nguyễn Huân khiến nền và mặt đường trôi xuống sông, giao thông bị chia cắt. Khu vực này sông sâu, nước chảy siết, từng xảy ra ba lần sạt lở lộ. Chính quyền địa phương vừa mới đầu tư đoạn kè khu vực này trị giá hàng tỷ đồng, nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng sạt lở.

Vụ sạt lở tuyến đường ô tô độc đạo về trung tâm xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) khiến nền và mặt đường trôi xuống sông

Theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau, những tháng đầu năm 2023, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tình hình sạt lở bờ sông. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xảy ra gần 200 vụ sạt lở với tổng chiều dài trên 4.900m (trong đó một nửa là lộ bê tông nông thôn), làm thiệt hại 78 căn nhà.

Hầu hết, các vị trí sạt lở đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân, ước thiệt hại về tài sản gần 14 tỷ đồng.

Về nguyên nhân gây sạt lở, theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau: “Hằng năm, tình trạng nắng nóng kéo dài ở những tháng đầu năm nên đất bị co ngót, tơi xốp.Khi mưa xuống, đất bắt đầu trương nở, tách khối tạo điều kiện cho dòng thấm đi qua. Đồng thời, một số hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như cất nhà cặp đường giao thông nông thôn thì vô tình chất tải trên nền đất yếu. Thêm nữa, khi nước ròng sát và bà con nuôi tôm lấy nước đầy vuông tôm tạo ra áp lực gây sạt lở”.

Hiện nay, tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục, hàng ngày nên nguy cơ rủi ro về tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không khắc phục kịp thời. Trước tình hình cấp bách, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương xem xét, hỗ trợ phần kinh phí vượt quá khả năng của tỉnh, với số tiền hơn 246 tỷ đồng.

Hoài An