Rừng phòng hộ Đê biển Tây chổ có, chổ không
Qua khảo sát trên tuyến đê biển Tây ghi nhận có 6 đoạn sạt lở rất nghiêm trọng với tổng chiều dài gần 5.000 m. Tại các vị trí bị sạt lở, có nơi không còn đai rừng phòng hộ, có nơi đai rừng còn rất mỏng và dù phía ngoài có hệ thống kè hộ đê nhưng sóng biển vẫn gây tác động rất lớn lên mái đê, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là khi thời tiết xấu, cực đoan xảy ra kết hợp với triều cường dâng cao.
Nếu xảy ra vỡ đê trong mùa mưa bão sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân phía trong đê, đặc biệt là hệ sinh thái vùng ngọt; ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan nhà nước, hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế... thuộc địa bàn các xã ven biển mà đê biển đi qua.
Cạnh cửa biển Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau), đai rừng phòng hộ đã mất, nguy cơ phá hủy thêm chân đê nếu không có giải pháp khẩn cấp…
Theo Quyết định, tổng chiều dài sạt lở đê biển Tây trong tình huống khẩn cấp là 3.325m, với 4 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần thực hiện giải pháp công trình khẩn cấp để bảo vệ đê. Cụ thể, xã Khánh Tiến, U Minh xuất hiện sạt lở đê biển nghiêm trọng, đoạn từ Hương Mai + 7.900m hướng về Tiểu Dừa với chiều dài 610m và đoạn từ Hương Mai + 6.000m hướng về Tiểu Dừa có chiều dài 315m.
Tại huyện Trần Văn Thời, xuất hiện vị trí sạt lở tại thuộc bờ Nam và Bắc Kênh Mới (Khánh Bình Tây), cùng với đó là đoạn từ Đá Bạc + 2000m hướng về Sào Lưới (xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây), có chiều dài 500m. Tại xã Khánh Bình Tây Bắc, sạt lở diễn ra tại đoạn từ Ba Tĩnh đến T25, có chiều dài 1.900m.
Mưa gió, sóng biển dâng đang đe dọa xóa sồ Đê biển Tây
Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu ngành chuyên môn và địa phương tiếp tục khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở theo tình huống khấn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công theo tình huống khẩn cấp. UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời tiến hành vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm (phía ngoài đê); nghiêm cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực sạt lở, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn.
Hoài An