Hình ảnh, thông tin các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ được cung cấp tức thì cho CSGT ngoài hiện trường - Ảnh: Khánh Linh

 

Tự động phát hiện và xử lý ùn tắc

Chiều 27/11, có mặt tại Trung tâm điều khiển giao thông (Phòng CSGT TP Hà Nội), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là hàng loạt hình ảnh đường phố Hà Nội đông nghịt người xe đang được phát trực tiếp qua mạng wifi kết nối với máy chủ ở trung tâm. Chỉ trong vài phút, 4 chiến sĩ phụ trách ca liên tục liên lạc với các đội CSGT có điểm ùn tắc để cử người tới phân luồng.

“Cầu Bươu đang ùn tắc, Q7 (mã đội CSGT số 7) bố trí thêm người phân luồng ngay”; “Nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy đang ùn tắc nghiêm trọng, người dân bắt đầu đi lên vỉa hè, lấn làn buýt nhanh BRT, Q7 phối hợp phân luồng; Q3 chú ý, nút Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, Ô Chợ Dừa đang ùn tắc tập trung phân luồng...”, liên tiếp các cuộc gọi, những lời chỉ dẫn được các chiến sĩ liên lạc, trao đổi với từng đội.

Dự án “Nâng cấp Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi - giai đoạn 1” được HĐND TP đưa vào Chương trình mục tiêu chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015 với mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Hiện, Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội đã kết nối được với quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trung, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa...

Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Tiến Việt cho biết, những thông tin này có được trên cơ sở dữ liệu thông qua hệ thống camera gắn trên các tuyến đường, khu vực nóng của thành phố. Hình ảnh được truyền tải trực tiếp về trung tâm điều khiển giao thông. Hệ thống tự động của trung tâm cũng phân tích hình ảnh trên đường, tốc độ phương tiện giao thông di chuyển và đưa ra các cảnh báo: Kẹt xe (màu đỏ), ùn ứ (màu cam) và lưu thông bình thường (màu xanh).

“Việc chỉ huy này đặc biệt hiệu quả vào những giờ cao điểm khi các chiến sĩ CSGT tại trung tâm điều chỉnh tăng, giảm thời gian đèn xanh - đỏ để phù hợp với lưu lượng tham gia giao thông tránh ùn tắc”, Thiếu tá Việt nói.

Thời điểm chúng tôi có mặt, khi thấy nút giao Tố Hữu - cầu Mỗ Lao xảy ra ùn tắc, Thiếu tá Nguyễn Tiến Việt đã chỉ đạo giảm 7/64 giây đèn đỏ, đồng thời tăng 7 giây đèn xanh để lưu lượng tại nút hướng đi từ trung tâm thành phố ra ngoại thành nhanh chóng được lưu thoát khỏi nút, tránh ùn ứ kéo dài.

Quan sát của chúng tôi, với hệ thống máy tính kết nối siêu hiện đại, ngoài hơn 60 màn hình hiển thị tình hình giao thông trên đường để CSGT quan sát, ở vị trí điều khiển trung tâm có thêm 6 máy tính, mỗi máy 32 inch, đi kèm với một máy tính là 4 màn hình để phục vụ công tác điều khiển.

Hệ thống camera có thể phát hiện phương tiện vi phạm và chụp lại biển số với hình ảnh rõ nét, thông tin đầy đủ và chính xác. Ngay thời điểm chúng tôi có mặt vào 18h19 ngày 27/11, tại Hàng Giấy - Hàng Đậu (hướng đi Hàng Đậu) ô tô BKS 29LD-057.95 không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông đã bị camera từ hiện trường chụp lại truyền về trung tâm.

CSGT đang chăm chú quan sát để điều khiển giao thông với các đội CSGT địa bàn.

Phạt nguội gần 17 nghìn trường hợp vi phạm

Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội điều khiển giao thông Hà Nội cho biết, dự án “Nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn 1” được thành phố đưa vào chương trình mục tiêu chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015, mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Trung tâm hoạt động 24/24h, được chia làm 2 ca trực, mỗi ca có 4 CSGT. Trung tâm có khả năng kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu giao thông từ trung tâm, tự động điều khiển chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với lượng phương tiện trong từng thời điểm.

Theo Thiếu tá Minh, đây là công nghệ tích hợp điều hành giao thông hiện đại. Nhờ đó lực lượng CSGT có khả năng kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu, tăng cường khả năng giám sát bằng hình ảnh (quan sát tình hình giao thông và phát hiện phương tiện vi phạm qua hệ thống camera). 

“Các chiến sĩ có thể điều khiển dễ dàng thiết bị camera theo dõi đã được đặt mã hiệu theo từng vị trí trên các trục đường. Dữ liệu truyền về trung tâm phát lên hệ thống màn hình có độ nét cao và cập nhật vào hệ thống máy chủ. Tất cả dữ liệu đó sẽ được lưu trong hơn 2 tuần phục vụ công tác điều tra phá án khi có yêu cầu. Việc này giúp thuận tiện theo dõi, điều tiết giao thông trong những cung giờ nhất định. Trên màn hình phụ của hệ thống có thể thiết lập quan sát quang cảnh hiện tại của các tuyến đường liên quan” Thiếu tá Minh chia sẻ.

Cũng theo Thiếu tá Minh, hiện nay trung tâm quản lý 388 nút đèn giao thông và đã kết nối về trung tâm là 301 nút. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, trung tâm đã xử phạt nguội gần 17 nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT.

Đánh giá về hiệu quả từ khi trung tâm đi vào hoạt động, Thiếu tá Minh cho biết, các nút đèn được kết nối với trung tâm không những có thể phát hiện ùn tắc mà còn tự động điều chỉnh chu kỳ đèn cho phù hợp. Để có thể giải quyết nhanh các điểm ùn tắc, cán bộ tại trung tâm còn có thể gọi điện trực tiếp đến các đội CSGT để yêu cầu bố trí thêm lực lượng phân luồng.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, với hệ thống trang thiết bị hiện đại gồm 450 camera quan sát, đo đếm lưu lượng và giám sát xử lý vi phạm đã giúp lực lượng CSGT xử lý các vi phạm qua hình ảnh, từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng lưu trữ hình ảnh trong thời gian lên tới 2 tuần, giúp việc phát hiện và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm như: Gây tai nạn bỏ chạy, cướp giật,… góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”. Cũng theo ông Tuấn, Sở GTVT đang tiếp tục tham mưu UBND thành phố triển khai dự án cải tạo, nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn 2, để hoàn thiện đồng bộ các chức năng, tối ưu hiệu quả và mở rộng phạm vi của dự án giai đoạn 1.

Nguồn atgt.vn