Tái cơ cấu vận tải công cộng ở Seoul
Sự phát triển kinh tế thần tốc cùng sự gia tăng dân số nhanh chóng đã khiến giao thông Seoul gặp nhiều rắc rối vào nửa đầu thế kỷ 20. Ô tô không còn là một phương tiện xa xỉ, cộng với sự phát triển của hệ thống đường cao tốc và sự bất cập của hệ thống xe buýt đã khiến người dân dần chuyển hết sang ô tô làm cho tình trạng tắc đường trở nên nghiêm trọng. Theo số liệu của Ủy ban ATGT Hàn Quốc, tốc độ lưu thông trung bình trong trung tâm thành phố giảm từ 30,8 (năm 1980) xuống còn 17km/h, một số tuyến đường huyết mạch chỉ còn 13,6km/h.
Trước tình hình đó, chính quyền TP. Seoul dưới sự dẫn dắt bởi ông Lee Myung-bak (Thị trưởng TP. Seoul - người sau này trở thành Tổng thống thứ 10 của Hàn Quốc) quyết tâm tái cơ cấu lại hệ thống giao thông đường bộ. Giữa những năm 1980, dịch vụ xe buýt Seoul được vận hành bởi nhiều doanh nghiệp tư nhân, không có sự kiểm soát của chính quyền về luồng tuyến, lịch trình, dẫn đến sự mất cân bằng cạnh tranh. Sự cạnh tranh gay gắt xảy ra ở những tuyến đông khách trong khi những tuyến vắng khách bị bỏ bê, thậm chí một số tuyến còn bị đóng cửa đột ngột mà không thông báo với hành khách. Các tuyến xe buýt chính lúc nào cũng chật kín người, tài xế phóng nhanh vượt ẩu, thường xuyên bỏ bến, từ chối phục vụ người già và người khuyết tật…
Mô hình xe buýt mới hoạt động dựa trên sự hợp tác quản lý chặt chẽ và tôn trọng quyền lợi chung của chính quyền TP. Seoul và các công ty xe buýt tư nhân. Một hội đồng vận hành xe buýt được thành lập để đại diện cho 68 công ty xe buýt chịu trách nhiệm quản lý và phân chia các khoản thu.
Bước ngoặc lớn nhất của quá trình cải tổ là sự ra đời của Hệ thống Quản lý xe buýt (BMS). Hệ thống này sử dụng công nghệ giao thông thông minh (ITS) và GPS để kết nối với hệ thống thu phí, từ đó có thể kiểm soát dữ liệu hành trình và lượng vé bán ra mỗi ngày. Sự ra đời của hệ thống này cải thiện đáng kể hiệu suất tổng thể, cho phép tối ưu hóa các hoạt động điều tiết xe.
Toàn bộ xe buýt nội thành được chuyển thành loại sàn thấp, chạy bằng khí nén CNG giúp giảm đáng kể ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp người già và người khuyết tật dễ dàng lên xuống xe hơn.
Theo Ủy ban ATGT Hàn Quốc, sự cải tổ hệ thống xe buýt đã mang lại vô vàn lợi ích như: Tăng tốc độ lưu thông trung bình lên 20km/h, tăng lượng hành khách lên 6 lần, chỉ số tin cậy của dịch vụ tăng 5 lần, giảm số vụ TNGT liên quan đến xe buýt từ 659 vụ/tháng (năm 2003 - 2004) xuống 384 vụ/tháng (năm 2010), số lượng thư phàn nàn giảm từ 75% xuống 25%, chỉ số đúng giờ tăng lên đến 18%, chi phí vận hành giảm xuống còn 9%.
Cảng biển quốc tế Laem Chabang, Thái Lan
Ngoài những cải tiến dịch vụ lớn, chính quyền TP. Seoul còn quyết định thống nhất và tích hợp cơ cấu thu vé của xe buýt vào ví điện tử T-money. Đây được coi là sáng kiến đẳng cấp thế giới khi tích hợp thanh toán điện tử với thu phí giao thông. Ngoài trả phí giao thông, T-money còn có thể được sử dụng để mua sắm tại nhiều cửa hàng tiện lợi ở khu vực ga tàu điện, bến xe buýt, bảo tàng, bãi đỗ xe…
Dịch vụ taxi cũng được nâng cấp để hút khách hơn. Taxi được tích hợp thanh toán T-money và được phân chia ra nhiều gói dịch vụ khác nhau với mức giá từ thấp đến cao nhằm phù hợp mọi đối tượng khách hàng.
Với tham vọng tăng lượng người sử dụng xe đạp trong thành phố từ dưới 02% lên 10% vào năm 2020, Seoul cho lắp đặt nhiều điểm cho thuê xe đạp ở gần trạm dừng xe buýt và những khu vực đông đúc trong Thành phố.
Ngoài ra, để khuyến khích người dân hạn chế dùng phương tiện cá nhân, chính quyền TP. Seoul ra chính sách: Cư dân thành phố khi gắn thẻ E-tag lên ô tô sẽ được lựa chọn ngày không lái xe để đổi lại là được giảm giá phí khi đi qua những trạm thu phí quan trọng vào nội thành. Sáng kiến tưởng chừng như nhỏ này lại góp phần rất lớn vào việc giảm lưu lượng giao thông và lượng khí thải.
Tái cơ cấu vận tải biển ở Thái Lan
Trước bối cảnh đội tàu biển trong nước còn nhiều hạn chế, tuổi tàu cao và chỉ đảm nhận được một phần nhỏ thị phần chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, còn lại phần lớn thị phần bị chiếm bởi các hãng tàu nước ngoài, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một số chính sách tái cơ cấu vận tải biển, bắt đầu bằng các cải cách về thuế, phí.
Cụ thể, Chính phủ miễn thuế doanh nghiệp cho các tuyến vận tải biển; xem xét giảm thuế GTGT cho những doanh nghiệp xuất nhập khẩu vận chuyển hàng bằng đường biển mà sử dụng tàu trong nước; miễn thuế thu nhập với nhân viên ngành Vận tải biển; cổ đông của các công ty vận tải biển sở hữu tàu treo cờ Thái Lan có thể được miễn hoặc giảm thuế thu nhập khi tính vào cổ tức của công ty; giảm thuế bán tàu cũ mua tàu mới thay thế; cho phép ngành Vận tải biển lập các kho hàng trên bộ; giảm thuế nhập khẩu cho ngành Vận tải biển xuống mức 01% để Ngành đẩy mạnh nhập khẩu máy móc, trang bị…
Ngoài những chính sách về thuế, phí, Chính phủ Thái Lan còn hỗ trợ tìm các nguồn cho vay, tài trợ vốn với lãi suất thấp để tăng hiệu quả đầu tư cho Ngành; khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ vốn, cho vay ưu đãi để doanh nghiệp có vốn đầu tư nâng cấp đội tàu.
Thái Lan cũng siết chặt việc thành lập công ty hàng hải của nước ngoài để tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp Thái Lan. Người nước ngoài không được phép làm đại lý hoặc môi giới trong lĩnh vực giao nhận vận tải tại Thái Lan. Công ty thành lập theo luật Thái Lan với vốn góp của bên nước ngoài không quá 49% được coi là công ty Thái Lan và có thể hoạt động như một đại lý hoặc môi giới ở Thái Lan về giao nhận vận tải.
Để đào tạo nhân lực cho ngành Hàng hải, Chính phủ Thái Lan đưa các trường sỹ quan hải quân hợp tác với các trường đại học tư nhân để đào tạo kỹ sư, đưa trường dạy nghề và Cục Tàu hải quân phối hợp với Cục Dạy nghề và Đào tạo kỹ thuật để đào tạo thợ lành nghề.
Chính phủ cũng đẩy mạnh công nghệ đóng mới và sửa chữa tàu biển, tạo điều kiện cải thiện cơ sở sản xuất, đẩy mạnh việc sử dụng nguyên vật liệu và các sản phẩm trong nước phục vụ cho ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, giảm sự lệ thuộc vào nước ngoài.
Các biện pháp này đã góp phần cải thiện đáng kể tình hình vận tải biển của Thái Lan, tạo đà phát triển và thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới ngành Hàng hải của Chính phủ và các doanh nghiệp Thái Lan
Theo tapchigiaothong.vn