Câu nói giản dị của Bác không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành giao thông vận tải trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở nhiệm vụ đối với những người làm công tác giao thông vận tải trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Bộ Giao thông Công chính thuộc Chính phủ. Thời kỳ mới thành lập Bộ Giao thông Công chính thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng: Vận tải quân, lương phục vụ cho kháng chiến Nam bộ và các chiến trường; Phá hoại cầu đường ngăn chặn quân địch tiến quân đánh chiếm các vùng tự do, các căn cứ kháng chiến; thiết lập các đường dây giao liên, giữ giao thông liên lạc thông suốt phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ; Sửa chữa, mở đường các vùng tự do, vùng kháng chiến và đi sâu vào các vùng hậu cứ của địch để phục vụ các chiến dịch đánh địch trên khắp các chiến trường đồng thời gia tăng phục vụ sản xuất; vận tải hàng hoá, hành khách, vận chuyển lương thực, quân đội tham gia các chiến dịch tấn công giai đoạn 1945 - 1954…
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô. Người căn dặn: "Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi' (16-11-1959).
Có thể nói trong lịch sử hình thành, phát triển và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân, lao động ngành GTVT Việt Nam đã luôn theo lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì.
Bác Hồ thăm công trình xây dựng cầu Bắc Giang.
Bác Hồ đi cầu treo Đại Từ Thái Nguyên.
Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh những công nhân mở đường phục vụ các chiến dịch tiến tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy không được đầu tư nhiều về tài chính, các công cụ làm đường còn rất thô sơ, không thiếu thốn nhưng sức dân, sự đoàn kết và dũng cảm của toàn quân, toàn dân đã mở ra những kỳ tích của ngành giao thông.
Ngày đêm lực lượng ngành GTVT góp phần mở đường.
Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử với phong trào “Tất cả vì miền Nam thân yêu” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Ngành GTVT Việt Nam đã lập nên những kỳ tích huy hoàng, đã đi đầu trong cuộc kháng chiến với tất cả những con đường có thể mở được, từ đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển, nhất là trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt.
Dù trong hoàn cảnh nào cán bộ công nhân viên ngành Giao thông cũng luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, cả đơn vị kết thành ý chí sắt đá, với tinh thần "địch phá ta sửa ta đi" và cao hơn nữa là "địch phá ta cứ đi" để đảm bảo cho mạch máu giao thông thông suốt, an toàn; bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội; cứu người và tài sản của nhà nước và nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng và nhân dân trên địa bàn đảm bảo cho giao thông thông suốt.
Không ngại gian khó, bom đạn, những con đường luôn được mở.
Nhớ câu nói của Bác về ngành GTVT, chúng ta không thể không nhớ đến những anh hùng, liệt sỹ, những tấm gương đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ những con đường ra tiền tuyến. “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc", "Sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm”, không quản hy sinh gian khổ cho những chuyến hàng chi viện miền Nam đánh thắng giặc Mỹ: các Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Tri Ân, La Thị Tám, Nguyễn Thị Bằng; Các Liệt sỹ Lê Viết Lân, Hoàng Lộc, 10 nữ liệt sỹ TNXP Đồng Lộc, 12 nữ liệt sỹ Truông Bồn và 668 cán bộ, chiến sỹ, công nhân, đội viên thanh niên xung phong Cục Công trình đã hy sinh anh dũng trên mặt trận giao thông vận tải tuyến lửa khu 4 anh hùng.
Thế hệ công nhân ngày nay luôn phát huy và làm theo lời dạy của Bác.
Các anh các chị đã cống hiến cả tuổi xuân với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tên tuổi và sự nghiệp của họ tô đẹp thêm truyền thống anh hùng của ngành GTVT và mãi mãi đi vào lịch sử như một bản hùng ca để cho thế hệ hôm nay và mai sau tưởng nhớ về một thời oanh liệt, đầy đau thương, nhưng không bao giờ quên.
Đến nay lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân, xây dựng cầu đường Việt Nam đã luôn theo lời chỉ dạy của Bác Hồ, đi khắp mọi miền đất nước đã xây nên không biết bao nhiêu cây cầu hiện đại, mở không biết bao nhiêu tuyến đường rộng an toàn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp Hiện đại hóa, công nghiệp hóa để cho nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ văn minh.
Những công trình mang dấu ấn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay:
Cầu Nhật Tân, Hà Nội
Cầu Rồng - Đà Nẵng
Đại lộ Thăng Long – Hà Nội
Cầu vượt ngã 3 Huế (Đà Nẵng)
Hầm vượt sông Sài Gòn (hay còn gọi là Hầm Thủ Thiêm)
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây
theo duongbo.