Đã qua, các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu được tỉnh quan tâm lồng ghép vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh luôn dành sự ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, quốc tế cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, chống sạt lở… Tuy từ đầu năm đến nay thời tiết diễn biến không quá bất thường, nhưng thiên tai cũng đã gây ra thiệt hại về tài sản gần 40 tỷ đồng, cùng với đó đã làm một người chết, một người bị thương. Ðiều này là một minh chứng cho thấy các điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế.

Dù nguồn kinh phí còn hạn chế nhưng tỉnh đã tranh thủ từ ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh, các nguồn huy động, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân... để đầu tư kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai (PCTT). Theo đó, đến nay toàn tỉnh có 93 tuyến đê bao, bờ bao được xây dựng với tổng chiều dài 714 km, 187 cống và 15 trạm bơm. Ðặc biệt, tuyến đê biển Tây có 52 km đê được kiên cố hoá và 56 km kè bảo vệ bờ biển, đã góp phần bảo vệ cho vùng sản xuất với diện tích 128.972 ha phía trong đê với khoảng 26.160 hộ dân sinh sống. Hệ thống giao thông đường bộ toàn tỉnh hiện có hơn 11.500 km từ đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông nông thôn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều cảng, bến tàu và khu neo đậu lớn phục vụ neo đậu tránh trú bão và 100% xã, phường, thị trấn đã phủ sóng mạng lưới thông tin liên lạc, đảm bảo thông tin nhanh nhất đến người dân khi xảy ra các tình huống thiên tai…

Ðoạn kè chống sạt lở bờ biển khu vực Vàm Xoáy, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đang trong giai đoạn hoàn thành.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến thất thường và ngày càng phức tạp; hệ thống cơ sở hạ tầng hiện nay được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Qua thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay toàn tỉnh cần hơn 1.748 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Trong đó, có nhiều công trình dự án đặc biệt quan trọng như: Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm rừng vùng ven biển; Dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội; các dự án xây dựng đê biển Tây, biển Ðông và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu… Yêu cầu nguồn lực tài chính này vượt ngoài khả năng ngân sách của tỉnh, nhất là đối với các công trình PCTT cần nguồn kinh phí đầu tư lớn như đê, kè..., Cà Mau đang rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương.

Không chỉ đối với nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng mà cả kinh phí để xử lý, khắc phục sau các tình huống thiên tai vẫn còn rất nhiều hạn chế. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt thiên tai đến mức Chủ tịch UBND tỉnh phải ban bố tình huống thiên tai. Việc ban bố tình huống thiên tai nhằm mục tiêu chính là để huy động các nguồn lực xử lý nó. Thế nhưng, đến thời điểm này tổng kết lại toàn tỉnh vẫn còn thiếu hơn 400 tỷ đồng để phục vụ nhiệm vụ này.

Ô thuỷ lợi là một giải pháp đã góp phần đáng kể nâng cao năng lực PCTT của nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn các huyện: U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ðầm Dơi và TP Cà Mau. Theo ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến thời điểm hiện nay đã đầu tư hoàn chỉnh được 6 tiểu vùng trong tổng số 18 tiểu vùng của vùng Nam và Bắc Cà Mau; các tiểu vùng còn lại hiện nay chưa được khép kín mà chủ yếu mới được đầu tư bờ bao. Do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc đầu tư khép kín tiểu vùng thời gian qua vẫn chưa thể đáp ứng theo yêu cầu.

Tuyến đê biển đoạn thuộc xã Khánh Bình Tây được kiên cố hoá đã cơ bản bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.

Tiểu vùng 3, huyện Trần Văn Thời đã được tiến hành đầu tư ô thuỷ lợi khép kín, kết hợp với các trạm bơm, đập. Nhờ đó, sản xuất của người dân được chủ động từ nguồn nước đến mùa vụ, đặc biệt là hạn chế được thiệt hại khi xảy ra các tình huống thiên tai. Theo ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức đến từ giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao; thiên tai, dịch bệnh… nhưng sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu gây ra triều cường, sạt lở, ngập úng làm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các vùng chưa được đầu tư khép kín thuỷ lợi. “Trong năm qua, các đợt mưa lớn đã làm thiệt hại hơn 3.000 ha lúa, rau màu, ngập cục bộ nhiều tuyến đường giao thông… Hiện nay, huyện đang rất cần nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến bờ bao để chủ động trong tổ chức sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như vận chuyển tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, huyện đang rất cần được đầu tư xây dựng thêm các trạm bơm tiêu úng, chống úng phục vụ sản xuất”, ông Tuấn cho biết thêm.

 

Toàn tỉnh hiện nay có hơn 187 cống phục vụ cho công tác tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất.

Ðể chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã nhiều lần chỉ đạo, ngay từ thời điểm này các ngành và địa phương tiến hành rà soát để bổ sung kế hoạch PCTT, bởi hiện nay thiên tai có thể xuất hiện ngay từ đầu năm. Trong đó, cần tiếp tục phát huy việc tập huấn công tác PCTT cho lực lượng cơ sở. Việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai phải được triển khai thực hiện một cách bài bản và trôi chảy hơn, đã qua việc thực hiện nhiệm vụ này còn rất lúng túng và bất cập. Ðặc biệt, tham mưu cho UBND tỉnh tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình PCTT, nhất là các công trình bảo vệ bờ biển./.

Theo Báo Cà Mau