06 tháng đầu năm 2020, mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng phải dàn trải tham gia chống dịch, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Năm An toàn giao thông 2020 với chu đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”, nhất là ngay từ ngày đầu tiên của năm, với nòng cốt là lực lượng công an, cả nước ra quân quyết liệt thực hiện Nghị định số 100 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông từ thành thị, đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo, là động lực quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông và thực sự đưa Luật phòng chống tác hại của rượu bia đi vào đời sống. Bên cạnh đó, ngành GTVT  phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan từ trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể vừa phòng chống hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải; tiếp tục tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt theo kế hoạch. Do đó, tình hình TTATGT trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT trong 06 tháng đầu năm 2020 đã giảm sâu nhất trong nhiều năm qua cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ (đặc biệt số người chết do TNGT giảm 14,91%, mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây). Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Lễ, Tết.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/6/2020): toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người. So với 6 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 1.595 vụ (giảm 19,02%), số người chết giảm 568 người (giảm 14,91%), số người bị thương giảm 1.419 người (giảm 22,32%). Có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia – không lái xe” và cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán Canh Tý; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương, địa phương thường xuyên, kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, các biện pháp phòng tránh TNGT. Các Bộ, ngành, các đoàn thể Chính trị - xã hội và các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, thi tìm hiểu về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT và phê phán các hành vi vi phạm thường gặp như: vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy…


Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức kiểm tra đôn đốc công tác bảo đảm TTATGT trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân 2020 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, đã xây dựng và ban hành Kế hoạch kiểm tra một số tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng cao trong những tháng đầu năm 2020. Bộ GTVT đã triển khai 04 Đoàn thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT như: quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện hơn 27.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính hơn 28.000 vụ với số tiền 93.252,75 triệu đồng; tạm giữ 127 ô tô; đình chỉ hoạt động 124 bến thủy nội địa, 80 phương tiện thủy nội địa; giám sát 322 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 211 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo Công an đơn vị, địa phương nâng cao hiệu quả công tác TTKS, xử lý vi phạm TTATGT, vừa thực hiện các đợt cao điểm theo chỉ đạo của Bộ vừa tiến hành mở các đợt TTKS, xử lý vi phạm theo các chuyên đề. Trong đó, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý hơn 1,8 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 1.617 tỷ 789 triệu đồng, tước gần 151.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 305.000 phương tiện; so với 6 tháng đầu năm 2019, xử lý giảm 151.471 trường hợp, tiền phạt tăng 342 tỷ 888 triệu đồng.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp quản lý, bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo giao thông an toàn thông suốt trên toàn bộ hệ thống quốc lộ, cụ thể: Về lĩnh vực đường bộ, đã và đang xử lý 28 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Sơn kẻ 82km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 564 biển báo, sửa chữa, bổ sung 32km hộ lan tôn sóng. Về lĩnh vực đường sắt, đã thực hiện xóa bỏ 21 lối đi tự mở; xây gờ, gồ giảm tốc tại 46 vị trí; thu hẹp 20 lối đi tự mở; giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại 49 vị trí. Về lĩnh vực đường thủy nội địa, đang triển khai phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải Chợ Đệm – Bến Lức; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải thủy Ninh Bình – Thanh Hóa. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tiếp tục được quan tâm, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe, các đơn vị chức năng đang xây dựng Dự thảo 02 Quy chuẩn quốc gia về thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe của học viên lái xe, Quy chuẩn thiết bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe và thiết bị mô phỏng để sát hạch lái xe; đồng thời hướng dẫn Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe triển khai xây dựng phần mềm và thiết bị quản lý, giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, 06 tháng qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng thiệt hại do TNGT gây ra vẫn còn cao, TNGT do xe đầu kéo và xe chở container gây ra, TNGT liên quan đến phương tiện dân sinh, phương tiện đánh bắt thuỷ, hải sản trên các tuyến đường thuỷ nội địa và hàng hải tăng cao đột biến. Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe mô tô tốc độ cao lạng lách, đánh võng và có dấu hiệu đua xe và chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra. Tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và các đô thị còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Mặc dù đã có chuyển biến, nhưng  số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn ở mức cao với 86.114 trường hợp vi phạm bị phát hiện (chiếm 4,4% tổng số vi phạm), xử phạt, trong đó nhiều trường hợp bị xử phạt ở mức cao nhất; vẫn xảy ra một số vụ TNGT do nguyên nhân uống rượu bia gây ra. Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài; tái diễn tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải… Vấn đề xử lý, khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm quy  định về bảo vệ hành lang ATGT dọc theo các tuyến Quốc lộ chưa có chuyển biến đáng kể. Ùn tắc giao thông có xu hướng tăng so với cùng kỳ.

Nguyên nhân dẫn tới một số tồn tại, hạn chế: Hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về TTATGT chưa cao; Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp còn yếu kém, có nhiều người còn cho rằng các lực lượng chức năng phải tập trung chống dịch Covid19 nên sẽ giảm thậm chí không tuần tra, xử phạt, dẫn đến tâm lý chủ quan, khinh nhờn quy định pháp luật; Tình trạng buông lỏng trong công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và trật tự xây dựng dọc theo các tuyến quốc lộ kéo dài nhiều năm.

Từ nay đến cuối năm 2020 sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, như kỷ niệm 75 năm thành lập nước, Đại hội Đảng bộ cấp Huyện, cấp tỉnh để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Với công tác bảo đảm TTATGT, phát huy kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, với tinh thần của Nghị định 100, phấn đấu mục tiêu kéo giảm 10% số vụ TNGT, số người chết, bị thương do TNGT so với năm 2019; góp phần tạo dựng điều kiện trật tự, an toàn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của mỗi địa phương và cả nước, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ được giao./.

Hà Giang