Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia 6 tháng đầu năm 2023: toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 762 vụ (-13,29%), giảm 484 người chết (-14,45%), giảm 214 người bị thương (-5,81%). Có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 08 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Ninh Bình. Đặc biệt: Thái Nguyên, Đà Nẵng giảm trên 60% số người chết do TNGT. Bên cạnh đó số người chết do TNGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tại Bình Dương và Tiền Giang cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối; còn 17 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 07 tỉnh tăng trên 20% là: Lào Cai, Đồng Nai, Thanh Hóa, Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.

Về Ùn tắc giao thông: xảy ra 61 vụ, tăng 02 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân: do tai nạn giao thông 49 vụ (chiếm 80,3%), lưu lượng phương tiện đông 07 vụ (chiếm 11,5%); do mưa lớn: 02 vụ (chiếm 3,3%); nguyên nhân khác: 03 vụ (chiếm 4,9%).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các cơ quan báo chí và các địa phương đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT  trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng kỹ thuật số và trên mạng xã hội cụ thể: Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ban ATGT thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2023; phối hợp với Bộ GD & ĐT cùng Ban ATGT và Công ty Honda Việt Nam tổ chức trao 620.000 Mũ bảo hiểm cho toàn bộ học sinh lớp Một và Lớp Hai ở Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ; phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và THACO tổ chức Giải Marathon Vì An toàn Giao thông năm 2023; ký chương trình phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao; phối hợp với. 


Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương, địa phương thường xuyên, kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT; Bộ Công an triển khai Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT năm 2023; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Lễ phát động năm an toàn giao thông 2023. Ngoài ra, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyên truyền đảm bảo TTATGT với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường TTKS, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào 05 chuyên đề (1) Chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; (2) Chuyên đề “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; (3) Chuyên đề “cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; (4) Chuyên đề “vi phạm tốc độ”; (5) Chuyên đề “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”. Các chuyên đề trên đã và đang phát huy tác dụng rất tích cực trong kéo giảm TNGT trên toàn quốc. Kết quả: lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý trên 1,6 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền trên 3.200 tỷ đồng, tước hơn 328.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 530.000 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2022, xử lý phạm tăng hơn 300.000 trường hợp (+22,2%), tiền phạt tăng hơn 1.600 tỷ đồng (+98,9%).

Bộ GTVT đã triển khai 06 đoàn kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm TTATGT, gồm: kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hoá, kho hàng hóa; kiểm tra công tác quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại một số cảng hàng không, sân bay; kiểm tra công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; quản lý tài sản đường sắt; quản lý hoạt động vận tải; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái tàu; công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt. Từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 14/6/2023, các Cục quản lý chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện gần 39.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 24.000 vụ với số tiền xử phạt trên 149 tỷ đồng; tạm giữ 113 ô tô; đình chỉ hoạt động 33 bến và 102 phương tiện thủy nội địa; giám sát gần 500 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 350 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Bộ GTVT đã khởi công nhiều công trình, dự án mới như: Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội – Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh; Dự án ĐTXD công trình Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột….; phê duyệt Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2023 đối với hệ thống quốc lộ, Đường thủy nội địa, Hàng hải, Đường sắt, Hàng không, trong đó: lĩnh vực đường bộ: cho phép chuẩn bị đầu tư 16 điểm đen, 22 điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông thuộc kế hoạch bảo trì năm 2023 và 21 điểm mất an toàn giao thông khác. Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức kiểm tra, rà soát điểm đen theo phản ánh của Cục Cảnh sát giao thông. Kết quả rà soát, còn khoảng 14 vị trí điểm đen và 21 vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông. Về lĩnh vực đường sắt: đã phối hợp cùng địa phương thực hiện: rào thu hẹp tại 1.367 vị trí (đạt 73,77%); cắm biển “CHÚ Ý TẦU HỎA” tại 3.044 vị trí (đạt 88,02%).

Công tác quản lý vận tải cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; giá cước vận tải được công khai niêm yết, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục ĐKVN thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp nhận lực lượng kiểm định viên Công an, Quân đội hỗ trợ công tác kiểm định xe cơ giới tại một số trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, qua đó đã góp phần quan trọng giải tỏa, giảm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian qua; đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật có liên quan tới đăng kiểm (Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT) được dư luận đánh giá cao.

Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, Trong 6 tháng đầu năm dưới sự chỉ đạo toàn diện của Bộ Công an, lực lượng công an, nhất là cảnh sát giao thông các cấp ngoài việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thường xuyên, liên tục trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện nên tình trạng xe quá tải, vi phạm kích thước thùng hàng đã giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra chuyên ngành đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra trên 43.000 xe, trong đó có gần 4.500 xe vi phạm, tước trên 1.100 giấy


phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 54,23 tỷ đồng. 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia  đánh giá: 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: giảm 762 vụ (-13,29%), giảm 484 người chết (-14,45%) và giảm 214 người bị thương (-5,81%). Đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thành xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản. Đạt được những kết quả trên là do những nguyên nhân sau:

Một là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT. Hai là, Bộ Công an đã có Kế hoạch về bảo đảm TTATGT trong toàn lực lượng Công an; Cảnh sát giao thông của Bộ Công an và các địa phương tăng cường tối đa lực lượng, phối hợp với các lực lượng liên quan tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, nhất là duy trì kiểm tra, xử lý hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma tuý xuyên suốt trong các dịp cao điểm.... có vai trò quan trọng trong kéo giảm tai nạn giao thông. Ba là, ngành Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm đổi mới, điều chỉnh kịp thời tổ chức giao thông; chủ động rà soát, phát hiện, đồng thời tiếp thu kiến nghị của lực lượng CSGT, chính quyền địa phương, báo chí và người dân để xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; phối hợp chặt chẽ với ngành Công an trong xử lý dứt điểm các bất cập, hạn chế trong lĩnh vực đăng kiểm; siết chặt quản lý vận tải. Bốn là, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh TNGT trong đợt cao điểm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình tại Quảng Nam xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 01 vụ làm 03 người chết và 01 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 01 vụ làm chết 03 người và 01 người bị thương; tại Điện Biên 01 vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người; tại Phú Yên làm 04 người bị chết và 05 người bị thương; tại Lào Cai làm 03 người chết. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông chưa được xử lý triệt để. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn. Hành vi chống người thi hành công vụ gia tăng.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế: Hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, coi việc bảo đảm TTATGT chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT và Công an. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng./.

Mộng Tuyết