Quý I/2017, tình hình tai nạn giao thông có giảm so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên, cũng trong thời gian này trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, đơn cử như vụ tai nạn giao thông làm 13 người chết tại Gia Lai vừa qua. Xin ông cho biết nguyên nhân?
Trong quý I/2017, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong cả nước cơ bản được bảo đảm, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông giảm so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa… gây thiệt hại lớn về người cũng như tài sản. Đơn cử, đã xảy ra 2 tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng ở Huế, Bình Định… mà nguyên nhân chính là người tham gia giao thông đường bộ vi phạm các quy tắc giao thông qua đường sắt, mặt khác do những bất cập về hạ tầng giao thông đường sắt khi vẫn còn tồn tại nhiều đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn. Trên đường bộ, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải, xe máy, điển hình như vụ tai nạn giữa xe tải và xe khách tại Gia Lai vừa qua làm 13 người chết và hơn 30 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái xe tải điều khiển xe đi ngược chiều và với tốc độ rất cao (105 km/h). Hiện nay cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh để có kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ tai nạn. Chúng tôi mong muốn thông tin này cần sớm được làm rõ, công bố công khai để tuyên truyền, ngăn ngừa vi phạm và là căn cứ để xử lý nghiêm hành vi vi phạm của lái xe theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, chúng ta đã áp dụng các biện pháp để có thể kiểm soát, xử lý vi phạm tốc độ của các phương tiện giao thông, vậy vì sao vi phạm này vẫn chưa giảm, thưa ông?
Trong phân tích nguyên nhân chung cũng như nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng thì nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định pháp luật về ATGT đường bộ, trong đó vi phạm tốc độ thường gây hậu quả nặng nề hơn. Theo phân tích của Cục Cảnh sát giao thông, nguyên nhân vi phạm tốc độ hiện chiếm trên 10% số vụ tai nạn và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng rất cao.
Hiện nay quy định tốc độ đang thực hiện theo Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT, những vi phạm theo Thông tư này sẽ được các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát, máy đo tốc độ và mức xử phạt vi phạm tốc độ là rất cao. Thứ hai, hiện nay thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô cũng ghi lại thông tin tốc độ xe chạy trên đường, qua đó, ngành giao thông cũng như các DN vận tải nắm được tình trạng vi phạm tốc độ của lái xe để có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các lái xe, DN, nhất là các DN có nhiều xe vi phạm. Tuy nhiên, xu hướng vi phạm tốc độ vẫn gia tăng do có nhiều nguyên nhân, một phần do ý thức của người điều khiển phương tiện chưa chấp hành đúng quy định về tốc độ. Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia vận tải có tình trạng cạnh tranh giữa các phương tiện để tranh dành, đón trả khách, hoặc trong hoạt động kinh doanh vận tải, một số DN khoán trắng cho lái xe, đây cũng là nguyên nhân khiến lái xe thường chạy quá tốc độ… Bên cạnh đó, Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn được Bộ GTVT sửa đổi, ban hành năm 2015, một số người chưa nắm được rõ những thay đổi trong Thông tư này dẫn tới vi phạm.
Đáng chú ý, Thông tư 91 quy định, ngoài việc tuân thủ tốc độ trên biển báo hiệu tốc độ thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ thấp hơn mức quy định để bảo đảm an toàn khi qua một số khu vực như đường giao nhau, khu đông dân cư, đường dốc quanh co hoặc trong điều kiện trời mưa, đường trơn, khi tránh, vượt xe… nhưng thực tế nhiều lái xe không tuân thủ. Vì thế, tôi cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vấn đề này.
Để giảm tai nạn giao thông, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam vừa đề xuất giảm tốc độ tối đa cho phép trong khu vực nội thành từ 60km/h xuống mức 50km/h. Ý kiến của ông về đề xuất này?
Năm nay Liên hợp quốc tổ chức Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 4 với chủ đề “Tốc độ” với thông điệp Giảm tốc độ để bảo vệ cuộc sống. Về đề xuất của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, theo quan điểm cá nhân tôi, quy định tốc độ tại Thông tư 91 đã được Bộ GTVT xây dựng căn cứ vào kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tình hình trật tự ATGT cũng như nghiên cứu, tham khảo quy định tốc độ của một số nước trong khu vực, do đó những quy định tại Thông tư này là tương đối phù hợp, vừa phát huy được hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vừa khắc phục những bất cập của thông tư trước đây và chỉ điều chỉnh tốc độ tại đường hai chiều có dải phân cách giữa và có 2 làn xe hoặc đường một chiều có 2 làn xe. Trong thực tiễn có thể đặt biển tốc độ thấp hơn tốc độ cho phép tại những đoạn đường nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn hoặc điểm đen tai nạn giao thông. Do đó, theo tôi, việc tổ chức giao thông phải đảm bảo hài hòa, phù hợp với thực tế.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những quy định về tốc độ, tăng cường công tác giám sát, kiểm soát, xử lý các vi phạm về tốc độ. Ngoài ra, cần rà soát lại các vị trí đặt biển báo về tốc độ làm sao để thông báo một cách tốt nhất giúp người tham gia giao thông biết và chấp hành, tránh tình trạng biển báo không rõ ràng, bị che khuất, người dân không biết nên vi phạm, vừa mất an toàn và lại bị xử phạt cao. Thông điệp của Ủy ban ATGT Quốc gia là “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”.
Giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí với mục tiêu giảm tai nạn giao thông một cách bền vững vẫn là một thách thức lớn. Theo ông, đâu là những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu này?
Năm 2017, chúng ta đặt ra mục tiêu là giảm 5% số vụ tai nạn. Trong năm 2017 cũng như chương trình 5 năm, Ủy ban đã đặt ra 7 nhóm giải pháp, trong đó trước hết phải tiếp tục hoàn hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm phát luật để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, theo đó Bộ GTVT đang đề xuất sửa Luật Giao thông đường bộ cho phù hợp với tình hình mới; tiếp tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo các chiến lược, quy hoạch về giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp hệ thống quốc lộ, đường giao thông nông thôn…; tổ chức quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ an toàn, khắc phục điểm đen tai nạn giao thông; tái cơ cấu phát triển các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy, đường hàng hải để giảm áp lực cho giao thông đường bộ và tăng cường tính kết nối giữa các loại hình vận tải này… Đồng thời, cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT và đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ATGT, xây dựng văn hóa giao thông.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hải Quan.