Đó là lời quảng cáo của nhiều đối tượng làm bằng lái xe giả trên các nền tảng mạng xã hội. Đánh vào tâm lý của một bộ phận người dân muốn có giấy phép lái xe (GPLX) nhưng không phải thi, trên nhiều website, mạng xã hội công khai dịch vụ “làm” GPLX các loại. Những dạng dịch vụ làm GPLX giả đã tồn tại nhiều năm qua và nay vẫn đang hoạt động ì xèo trên mạng.
Mua bằng “sơ cua”
Trên một diễn đàn ô tô lớn, có người phản ánh rằng đang có tình trạng một số lái xe sở hữu nhiều GPLX, khi gặp vấn đề với pháp luật, ví dụ gây tai nạn, có thể bỏ bằng lái để thoát thân bởi họ còn nhiều bằng “sơ cua” khác. Nếu đúng như vậy, những lái xe này chắc chắn phải có cách để sở hữu nhiều bằng lái và không thể loại trừ khả năng họ sử dụng bằng giả.
Chỉ cần gõ từ khóa “bằng lái xe” hay “bằng lái không cần thi” trên Google, Facebook, ngay lập tức có hàng trăm kết quả, những thông tin tràn ngập về việc “bán bằng lái không cần thi, bằng lái bao soi rọi, quét QR”. Mức giá cho bằng xe máy là 1 - 1,5 triệu đồng, bằng ô tô 2 - 3 triệu đồng.
Trong vai người cần mua GPLX sơ cua hạng B2, phóng viên tìm đến một trang quảng cáo dịch vụ “bằng lái không cần thi”, ngay lập tức được giới thiệu kết bạn Zalo với người dùng mạng có tên "Phan Văn Long GPLX".
“Bao soi rọi, bao quét QR. Đồng ý thì chỉ cần gửi ảnh chụp GPLX cũ hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân và ảnh 3x4. Khoảng 5-7 ngày em sẽ được nhận bằng, anh cho ship đến tận nhà. Em có thể kiểm tra, ưng ý mới nhận hàng và trả tiền”, người này nói.
Phong thư gửi đến phóng viên với nội dung đơn hàng là “1 sim 5G”
Sau một tuần từ khi đồng ý làm GPLX sơ cua hạng B2 với tài khoản zalo "Phan Văn Long GPLX", phóng viên nhận được kiện hàng là một phong thư ghi ghi “sim 5G”, tên người gửi là Lê Ánh Sương Mai có địa chỉ ở số A4/15, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Tổng giá trị đơn hàng mà phóng viên phải thanh toán là 2.028.000 đồng, trong đó, 2 triệu đồng thu hộ tiền bằng và 28 nghìn đồng phí vận chuyển.
Cầm GPLX giả trên tay, thoạt nhìn, PV thấy thật khó để có thể nhận biết đâu là thật đâu là giả, bởi công nghệ in ấn làm giả sắc nét đến từng chi tiết. Mã QR ở mặt sau của bằng khi được quét cũng cho thông tin chính xác.
Mặt trước, mặt sau của bằng giả (gạch đỏ) không mấy khác biệt so với bằng thật. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ sẽ thấy màu chữ trên bằng giả đậm hơn, logo chìm mờ hơn…
Tuy nhiên, sau một hồi kiểm tra so sánh với GPLX thật, phóng viên nhận ra một số điều bất thường như màu chữ trên bằng giả đậm hơn, logo chìm mờ hơn… Đặc biệt, chữ ký và con dấu được in lên bằng chứ không phải là đóng dấu và ký như bằng thật.
Dựa theo thông tin ghi trên bưu phẩm, chúng tôi tìm đến địa chỉ của người gửi mang tên Lê Ánh Sương Mai ở số nhà A4/15 xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Sâu trong con hẻm A4, hầu hết mọi căn nhà đều có bảng số, thế nhưng, căn nhà A4/15 lại không nằm trong số đó.
Cụ thể, nằm xen giữa 2 căn nhà số A4/14 và A4/16 là ngôi nhà hai tầng kiên cố, không có bảng số nhà. Gọi cửa, chúng tôi được một người phụ nữ trung niên (khoảng 58 tuổi) đứng từ trong nhà trả lời vọng ra: “Đây không phải nhà A4/15, cũng không có ai tên Sương Mai”. Khi hỏi thêm, người này từ chối trả lời.
Trong vai người cần có GPLX ô tô nhưng không muốn đi thi, phóng viên tiếp tục tìm kiếm trên một số trang rao bán GPLX khác.
PV liên hệ với quản trị của fangape “Hương Trà - Dịch Vụ Làm BLX Nhanh” và nhận được lời quảng cáo: “Do ảnh hưởng dịch bệnh, trung tâm hỗ trợ cấp GPLX ưu tiên những bạn ở xa, không thể đi lại trong mùa dịch này, hỗ trợ thi hộ, ở nhà nhận bằng, hồ sơ gốc đầy đủ. Ở nhà an toàn phòng dịch vẫn nhận bằng lái xe sau 5-10 ngày, hồ sơ gốc đầy đủ mới thanh toán”.
Liên hệ theo số điện thoại được giới thiệu, phóng viên được báo chi phí lấy GPLX hạng B2 mà không cần thi là 5,5 triệu đồng.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Đào Duy Phong, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Nội), người có tên trên tấm bằng lái giả, cho biết: "Vấn đề này Sở GTVT cũng đã có văn bản gửi Công an Hà Nội để xử lý. Thứ nhất, về màu sắc, chữ ký nhìn là thấy khác nhau bởi vì phôi làm bằng do ngành công an cung cấp và được bảo mật. Về chữ ký thì cũng không thể ký giống được vì là chữ ký tươi nên khi quét lên sẽ giữ được nguyên màu. Còn chữ ký trên bằng giả là lấy lại từ bản photo".
Thứ hai, về vấn đề mã QR code, các đối tượng sẽ lập một trang web giả nên khi quét sẽ hiện lên. Còn bằng thật muốn tra dữ liệu phải có tài khoản đăng nhập mà chỉ có chuyên viên của sở (GTVT) mới có quyền truy cập. Bình thường người dân chỉ thấy được số GPLX và ngày tháng năm sinh thôi”.
Ông Đào Duy Phong nói, phôi để làm GPLX được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đặt hàng từ một đơn vị ngành công an và quy trình bảo mật rất nghiêm ngặt.
“Người dân không nên mua các loại bằng giả bởi sẽ không thể qua mắt được lực lượng chức năng”, ông Phong nói thêm.
Theo các luật sư, tài xế cố ý làm hoặc sử dụng bằng giả để qua mặt cơ quan chức năng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 2 - 5 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 3 - 7 năm:
a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Theo VTCNews