Tùy tiện phơi thóc, rơm trên mặt đường
Theo ghi nhận, thời gian gần đây, trên các tuyến đường giao thông, từ đường quốc lộ, liên huyện, liên xã đến liên thôn tại các địa phương các tỉnh phía Bắc thường xuyên xuất hiện tình trạng các hộ gia đình sau khi thu hoạch lúa đã tận dụng luôn vỉa hè, một phần lòng đường để phơi thóc, làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân. Có thể thấy rõ nhất tại các tuyến đường mà hai bên vẫn còn ruộng được người dân canh tác, sau khi thu hoạch vụ mùa người dân mang thẳng lên đường cái để xử lý và dùng mặt đường để phơi thóc…
Nghi nhận trên tuyến đường tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngoài lý do chật hẹp, không có diện tích, nhiều người dân sợ phơi thóc làm bụi bẩn nhà cửa nên đã mang ra đường phơi, chiếm gần hết lòng đường tham gia giao thông của các phương tiện cơ giới đường bộ, chỉ còn lại một lối đi hẹp.
Không chỉ vậy, nhiều gạch, đá, cành cây được người dân dùng để chèn bạt phơi đã trở thành những chướng ngại vật nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông. Vì vậy, các phương tiện khi lưu thông qua những đoạn đường này đều phải giảm tốc độ hoặc lấn sang cả làn đường ngược chiều.
Lái xe Chu Ngọc Tuân trú tại Vĩnh Phúc cho biết: Là lái xe taxi nên thường xuyên di chuyển ở hầu hết các địa phương trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận. Mỗi dịp ngày mùa, vụ gặt đối với những lái xe như chúng tôi là một nỗi ám ảnh khi đâu đâu cũng bắt gặp người dân trải bạt phơi thóc ngay trên mặt đường, có trường hợp vừa phơi lúa vừa đứng ngay cả ra giữa đường cái để cào lúa.
Lấn chiếm lòng đường, phần đường.
Cá biệt, một số hộ dân không chỉ lấn chiếm lòng, lề đường để phơi lúa mà còn đặt các vật cản, như gạch, đá, lốp xe, khúc cây… để ngăn không cho các phương tiện đi vào khu vực sân phơi. Việc này không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn nguy hiểm cho chính người dân đứng phơi, cào lúa ngay trên đường.
Khoản 3, điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị cấm. Điểm d, khoản 2, điều 35 cũng quy định cấm phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ. Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật là vậy nhưng trên thực tế người dân vẫn cứ “vô tư” làm theo những gì mình thích…việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi phơi thóc, lúa vào những ngày mùa đã diễn ra thường xuyên, từ lâu tại hầu khắp các địa phương.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Tình trạng tuốt lúa, phơi thóc, đốt rơm rạ tái diễn vào mỗi mùa gặt không chỉ gây cản trở mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi rơm, rạ, thóc trên đường. Đặc biệt, có trường hợp rơm, rạ quấn vào xe gây cháy nổ.
Trên thực tế, việc xe đi qua đoạn đường có rơm, rạ là rất nguy hiểm, bởi khi xe chạy sẽ làm nóng một số bộ phận của xe. Trong khi đó, rơm, rạ khô lại rất dễ cháy, hai yếu tố này gặp nhau thì nguy cơ cháy là rất cao. Không chỉ khi rơm, rạ cuốn vào ống xả, mà chỉ cần xe chạy cuốn theo rơm, rạ, tạo ma sát với mặt đường cũng sinh nhiệt, dễ gây cháy.
Chỉ còn lại một phần đường rất nhỏ để các phương tiện có thể đi lại (ảnh báo Dân Trí).
Cản trở giao thông, khuất tầm nhìn cũng là nguyên nhân dẫn đến mất ATGT, khi các phương tiện cơ giới trên đường khi gặp các vật cản bất ngờ sẽ xử lý không kịp hoặc khi lái xe đi trên bề mặt lúa cũng rất có thể xảy ra tai nạn cho mình và những người người khác do trơn trượt.
Để xảy ra tình trạng trên, bên cạnh ý thức của người dân chưa cao, còn do công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Các cơ quan chức năng cũng chưa quyết liệt xử lý triệt để những vi phạm nêu trên.
Vừa lấn chiếm lòng đường vừa gây cản chở giao thông.
Trước tình trạng này, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện, mỗi người dân cần nêu cao ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân không lấn chiếm lòng, lề đường để tuốt lúa, phơi thóc, rơm, rạ. Việc xử lý các trường hợp cố tình vi phạm là cần thiết để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Tuy nhiên trên thực tế những hành vi này lại hiếm khi bị nhắc nhở, xử phạt. Để không tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm sân phơi, ngoài tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, chính quyền địa phương cũng cần xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, nhằm tạo tính răn đe, tránh để tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đáng tiếc.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ 1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này; b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ. Như vậy hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”. Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017:Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tại các đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm; b) Làm chết 02 người; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Người đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm. |
Theo csgt.vn